CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp thường xuyên được các nhà tuyển dụng được ưa thích nhất, bên cạnh việc tạo dựng môi trường làm việc tốt, Vinamilk cũng có chính sách lương thưởng rất rõ ràng và đảm bảo mức thu nhập tốt, thỏa đáng với công sức và tâm huyết của người lao động.
Giai đoạn 2012 - 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Công ty bình quân đạt 14,8% và 13,4%, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng trưởng 8,6%.
Vinamilk luôn nằm trong nhóm những doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất trên thị trường chứng khoán, với mức cổ tức bằng tiền từ 48 - 53% và các đợt chia thưởng cổ phiếu. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, giá trị cổ phiếu VNM cũng thuộc Top cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất. Năm 2012, cổ phiếu VMM có giá 86.500 đồng/cổ phiếu, đến năm 2017 đã tăng lên 208.600 đồng/cổ phiếu.
Vinamilk cho rằng, chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, nhân viên (ESOP) giai đoạn trước đã khích lệ tinh thần cán bộ nhân viên đóng góp nhiều hơn vào kết quả của doanh nghiệp. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, cổ đông tiếp tục đặt câu hỏi về chương trình phát hành cổ phiếu ESOP, đại diện Vinamilk cho biết, Công ty đã xin ý kiến cổ đông lớn. SCIC đã trình lên Chính phủ và đang xem xét đề xuất của Vinamilk. Hội đồng quản trị Vinamilk kỳ vọng việc này sẽ được thông qua.
Một doanh nghiệp niêm yết khác cũng rất quan tâm đến việc tưởng thưởng cho cán bộ nhân viên để khích lệ tinh thần làm việc là CTCP Nhựa Bình Minh (BMP). Công thức “hài hòa lợi ích các bên” (cổ đông, người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp) của BMP là 90+9+1. Tức là, BMP phân phối lợi nhuận theo tỷ lệ: 90% dành cho cổ đông (bao gồm cổ tức, trích quỹ đầu tư phát triển - thúc đẩy gia tăng tài sản về sau cũng là của cổ đông); 9% dành cho người lao động (thông qua việc trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi cho người lao động) và 1% trích thưởng Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.
Mức lương bình quân người lao động tại BMP có xu hướng tăng đều hàng năm, từ mức 12 triệu đồng/người/tháng năm 2013, tăng lên 13,2 triệu đồng năm 2014, 14,5 triệu đồng năm 2015, 14,8 triệu đồng năm 2016. Năm 2017, theo BMP, số lao động tăng 17%, những lao động này đang trong giai đoạn đào tạo có mức lương thấp nên đã kéo mức lương bình quân giảm 2% so với 2016, đạt 14,5 triệu đồng.
Chính sách khen thưởng và phúc lợi trên của BMP luôn nhận được sự đồng thuận của các cổ đông.
Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, việc trích thưởng cho lãnh đạo và người lao động quá cao so đang khiến cho các cổ đông cảm thấy không mấy hài lòng, bởi họ là người bỏ tiền ra đầu tư mà lại thu về cổ tức thấp hơn so với tiền khen thưởng người lao động. Theo đó, cách thức phát hành ESOP thường được ưa thích hơn. Bởi lẽ, với việc phát hành ESOP, doanh nghiệp không phải ghi nhận một khoản chi phí lương thưởng. Doanh nghiệp sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để phát hành cổ phiếu, như vậy sẽ tăng được vốn điều lệ và giữ lại tiền để tái đầu tư.
Về phía nhân viên ở nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu tăng trưởng ổn định qua các năm, cổ phiếu ESOP cũng được ưa thích bởi họ được ghi nhận đóng góp và mức nhận tính ra “hậu hĩnh” hơn so với khoản thưởng bằng tiền hay lương. Ngoài ra, người lao động nhận cổ phiếu ESOP không “mất” khoản thuế thu nhập, mà việc chuyển nhượng sau thời gian hạn chế chỉ chịu mức thuế 0,1% giá trị giao dịch chứng khoán.
Năm 2018, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) ghi dấu mốc 10 năm thành lập và với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng và lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên. Nhiều cổ đông, cũng là người lao động trong Công ty bày tỏ sự hài lòng trong Đại hội vì công sức, sự đồng hành của họ cùng doanh nghiệp đã được ghi nhận.
Đối với CTCP Sợi Thế Kỷ, sau một năm 2016 khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chung sụt giảm, bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường lớn là Thổ Nhĩ Kỳ…, trong năm 2017, Công ty nỗ lực phát triển các thị trường mới, sản phẩm mới và ghi nhận kết quả bứt tốc ấn tượng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Hội đồng quản trị Sợi Thế Kỷ đã trình cổ đông hủy phương án phát hành ESOP đã được thông qua trong mùa đại hội trước do giá phát hành không hấp dẫn so với giá thị trường; đồng thời trình phương án phát hành mới với số lượng dự kiến 600.000 cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cán bộ nhân viên mua cổ phiếu đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 50% trong 1 năm đầu tiên và 50% còn lại trong 2 năm kể từ ngày phát hành.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP cũng là cách giữ chân nhân tài được nhiều công ty chứng khoán sử dụng. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đi đầu trong khối công ty chứng khoán về chính sách ESOP. Từ năm 2007, HSC đã phát hành ESOP và duy trì liên tục đến năm 2016. Trong năm 2017, HSC cũng chi hơn 253 tỷ đồng trả lương, các khoản bảo hiểm và phụ cấp hoàn thành công việc cho người lao động, trong đó phụ cấp hoàn thành công việc chiếm tỷ lệ khá cao.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) cũng áp dụng chương trình phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên chủ chốt (ESOP) hàng năm, nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền lợi và sự gắn bó lâu dài của người lao động với Công ty.
Các doanh nghiệp kể trên, đều là những doanh nghiệp đã chứng minh được nội lực, duy trì được sự tăng trưởng tốt qua các năm hoặc đang có những vận động tích cực, tạo bước chạy đà tốt trong tương lai. Theo đó, các chính sách lương thưởng, phúc lợi, đều gắn liền với hiệu quả hoạt động, mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp, việc lạm dụng phát hành ESOP với danh sách chủ yếu là Hội đồng quản trị, ban điều hành; trích lập quỹ khen thưởng, thù lao cao ngất ngưởng…; thậm chí còn cố tình đặt kế hoạch thấp hơn so với nội lực thực tế của doanh nghiệp để vượt kế hoạch, lấy căn cứ thưởng cao cho dàn lãnh đạo.
Theo đó, cổ đông, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo trước nội dung ESOP, trích thưởng, thù lao cần tương xứng với sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.