Với các công ty nhiệt điện có khoản nợ ngoại tệ lớn, lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào diễn biến tỷ giá như Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) phụ thuộc vào diễn biến USD và EUR; Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) phụ thuộc vào JPY; Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) chịu tác động bởi đồng KRW.
PPC: Diễn biến tỷ giá JPY đang có lợi
Tại PPC, lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng giảm mạnh theo biến động của JPY. Quý I/2017, Công ty lỗ do trích lập dự phòng giảm giá chênh lệch ngoại tệ. Tuy nhiên, biến động giảm của giá JPY trong quý II đã giúp Công ty ghi nhận thêm khoản lãi 10 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái, lỗ chênh lệch tỷ giá là 415,7 tỷ đồng).
Cụ thể, quý II/2017, PPC thu về 1.682 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%; giá vốn hàng bán giảm nhẹ nên lợi nhuận gộp đạt 256 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 75,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 451 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 141,6 tỷ đồng.
Theo giải trình từ PPC, nguyên nhân lợi nhuận quý II/2017 tăng trưởng là do trong kỳ Công ty thực hiện hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh 215 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá khoản vay ngoại tệ lãi 10 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, PPC đạt doanh thu 3.158 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 593,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 299 tỷ đồng.
Năm 2017, PPC đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.171,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 722,78 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 97,3% kế hoạch lợi nhuận.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện PPC cho biết, biến động tỷ giá ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nhiệt điện. Với PPC, tỷ giá JPY đang có chiều hướng có lợi cho Công ty, nhưng diễn biến ngoại tệ này trong thời gian tới vẫn khó lường, làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp “phập phù” theo tỷ giá.
BTP: Chưa đàm phán xong giá điện
BTP ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm âm 33,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái Công ty lãi 55,43 tỷ đồng), chủ yếu đến từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong đó, quý I/2017, BTP phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện hơn 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, BTP đang hạch toán theo giá điện tạm tính là 24.079 đồng/KW/tháng, đây là mức thấp hơn so với mức giá điện Công ty đang đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thấp hơn nhiều so với giá điện năm 2016 (80,456.15 đồng/KW/tháng). Chính vì vậy, kết quả kinh doanh của BTP sẽ thay đổi vào cuối kỳ, doanh thu sẽ được quyết toán lại khi Công ty đàm phán xong giá điện.
NT2: Lợi nhuận giảm do chênh lệch tỷ giá
NT2 vừa công bố doanh thu quý II/2017 đạt 1.796,2 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, giảm 50% so với mức 396 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Theo NT2, lợi nhuận quý II năm nay giảm chủ yếu do khoản chênh lêch tỷ giá mà Công ty đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ âm 128,5 tỷ đồng (khoản chênh lệch tỷ giá quý II/2016, Công ty ghi nhận lãi 49,4 tỷ đồng).
TMP và VSH: Lãi tăng nhờ thời tiết thuận lợi
Do lượng mưa nhiều, lưu lượng nước về hồ chứa nhiều, các nhà máy hoạt động hết công suất giúp các doanh nghiệp thủy điện ghi nhận lợi nhuận quý II/2017 tăng mạnh. Với sản lượng điện tăng, doanh thu quý II/2017 của Công ty cổ phần Thủy điện Thác mơ (TMP) tăng lên 229 tỷ đồng, tức tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 112 tỷ đồng, gấp 3 lần so với quý II/2016.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TMP đạt 361 tỷ đồng doanh thu, 149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 80% và 470% so với cùng kỳ năm 2016. So với kế hoạch năm, TMP đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận.
6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 43,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm trước; hoàn thành 59,3% kế hoạch doanh thu và 75,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng cao, nguồn cung điện năng dự báo không bắt kịp nhu cầu trong các năm tới, các công ty trong ngành sẽ tiếp tục được huy động sản xuất với công suất tối đa. Bỏ qua các yếu tố tác động mang tính thời điểm thì triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành vẫn được đánh giá là khả quan trong năm 2017.
Bên cạnh yếu tố chênh lệch tỷ giá, chênh lệch đàm phán giá điện, thì các doanh nghiệp nhiệt điện còn chịu tác động từ biến động giá nguyên nhiên liệu. Cụ thể, biến động giá than có ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các nhà máy điện nhiệt than.
Giá than nửa đầu năm 2017 không có nhiều biến động, nhưng vẫn nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực với phần lợi nhuận trên thị trường cạnh tranh của các nhà máy nhiệt than.