"Vòng kim cô" giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đã được tháo bỏ, nhưng đến nay, mới chỉ có 13 công ty hoàn tất việc nới room

"Vòng kim cô" giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đã được tháo bỏ, nhưng đến nay, mới chỉ có 13 công ty hoàn tất việc nới room

Doanh nghiệp nào có thể nới “room” mùa đại hội 2017?

(ĐTCK) Nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài luôn là thông tin được đánh giá tích cực, đặc biệt với những doanh nghiệp mà sở hữu của khối ngoại đã chạm trần. 

Mùa đại hội đồng cổ đông 2017, định hướng nới “room” của ban lãnh đạo các doanh nghiệp đang được nhà đầu tư theo dõi sát sao, với kỳ vọng đem lại cú hích cho giá cổ phiếu trên thị trường.

Chờ cổ đông lớn “bật đèn xanh”

Theo thống kê, trên sàn HOSE và HNX, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã kín room, hoặc tỷ lệ cổ phiếu có thể mua còn lại rất thấp. Trong đó, ngoại trừ một số công ty vướng trần room do hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như MBB, CTG, ACB… thì nhiều doanh nghiệp khác đã và đang thỏa mãn các điều kiện để nới room, chỉ cần đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trong số này đều có cổ đông lớn nắm quyền chi phối và việc mở room phụ thuộc nhiều vào quyết định của họ. Đây chính là nhóm được thị trường theo dõi sát sao và cổ phiếu thường xuyên có sóng mỗi khi xuất hiện tin đồn liên quan đến khả năng mở room.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), là doanh nghiệp không thuộc nhóm ngành bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại đang nắm giữ 49%, việc mở room của BMP phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi sở hữu với tỷ lệ 29,52%.

Theo Công văn số 1787/TTg-ĐMDN ngày 8/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, BMP là 1 trong 10 doanh nghiệp mà SCIC ưu tiên thoái vốn. Do vậy, thị trường dự báo, SCIC sẽ đồng thuận và BMP sớm tiến hành mở room nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia khi thoái vốn, nhằm đảm bảo đem lại lợi ích cao nhất. Nhiều đồn đoán cho rằng, phương án mở room sẽ được BMP trình tại đại hội đồng cổ đông 2017 sắp tới.

Tại nhóm cổ phiếu ngành dược, vốn được nhận định là khó nới room, bởi đây là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng sau thành công của DMC khi mở room trong năm 2016, nhiều nhà đầu tư chờ đợi câu chuyện tương tự tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), Công ty cổ phần Traphaco (TRA).

Trong đó, DHG được chú ý nhất bởi có nhiều điểm tương đồng với DMC: cổ phiếu trong diện kín room, cổ đông lớn nước ngoài thể hiện mong muốn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu và quyết định mở room phụ thuộc nhiều vào định hướng của SCIC. Tại DHG, tỷ lệ nắm giữ của SCIC là 43,3%. Còn tại DMC, SCIC nắm giữ 26% cổ phần và trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2016, SCIC đã thông qua chủ trương nới room của DMC.

Mặc dù vậy, phân phối thuốc là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị của DHG và dược phẩm hiện là một trong những mặt hàng nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền phân phối tại Việt Nam, nên hiện tại, khả năng mở room của DHG không cao. Bên cạnh đó, DHG là doanh nghiệp mà SCIC được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với định hướng nắm giữ cổ phần dài hạn, nên khó có chuyện mở room để hỗ trợ thoái vốn nhà nước.

Liên quan đến cổ đông lớn, Công ty cổ phần Bibica (BBC) có hai cổ đông lớn là Lotte và Pan Food, mỗi tổ chức hiện nắm giữ khoảng 44% cổ phần BBC. Từ lâu, hai cổ đông này xảy ra mâu thuẫn khi Lotte có ý định thâu tóm BBC, nên khả năng mở room của BBC phụ thuộc phần lớn vào sự “nhượng bộ” của Pan Food.

Tại Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM), khả năng nới room khá cao: room từ lâu đã kín, doanh nghiệp không thuộc nhóm ngành hạn chế nới room, cổ đông lớn E-Land đang sở hữu 43,32% cổ phần và thể hiện mong muốn được nắm giữ tỷ lệ chi phối. Năm ngoái, TCM chưa mở room bởi những lo ngại liên quan đến quản lý hoạt động bán lẻ khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 51% và Công ty sẽ được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị TCM chia sẻ, TCM đang cân nhắc về phương án mở room để chào đón các cổ đông nước ngoài theo như đề nghị của một số quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

“Theo quan điểm của chúng tôi, việc nới room sẽ giúp cho cổ phiếu TCM có tính thanh khoản cao hơn. Dự kiến, phương án mở room sẽ được trình cổ đông xem xét, quyết định trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông 2017 tới (ngày 7/4)”, ông Tùng nói.

Hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG), Công ty cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR)…, tin tức về kế hoạch mở room cũng luôn được nhà đầu tư theo dõi sát sao.

Nhiều doanh nghiệp khác phải chờ

Bên cạnh những doanh nghiệp mà việc mở room được nhà đầu tư chờ đợi, có khả năng được thực hiện sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay, thì nhiều doanh nghiệp khác thể hiện quan điểm chưa tiến hành mở room do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết, do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp khi sở hữu nước ngoài vượt 51%.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE (REE) không ngại mở room, nhưng một trong những lĩnh vực hoạt động của Công ty là bất động sản, thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%. Để mở room, doanh nghiệp phải chờ pháp luật cho phép.

Với Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ từng chia sẻ, PNJ hoạt động trong ngành bán lẻ, mở room sẽ gặp bất lợi là bị khống chế về mạng lưới bán lẻ. Mặc dù vậy, quan điểm của bà Dung là không ngại mở room, nếu có nhà đầu tư nước ngoài làm tốt hơn.

Tương tự, trước mong muốn mở room của không ít cổ đông, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, mở room với khối công ty chứng khoán nếu không thận trọng thì sau này có thể sẽ gặp nhiều vướng mắc. Vấn đề mà HSC lo ngại là khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt 51% thì theo Luật Doanh nghiệp 2014, Công ty được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ gặp một số hạn chế khi đầu tư, kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần...

Liên quan đến vấn đề mở room đối với khối công ty chứng khoán, trong năm 2015, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã mở room lên 100%. Sau khi mở room, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại SSI nhanh chóng vượt 51% và công ty này cho biết, hoạt động của công ty vẫn bình thường, không gặp vướng mắc gì. Thực tế này khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng, sẽ có thêm công ty chứng khoán “mạnh dạn” nới room trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có thêm hướng dẫn, chuyển biến đáng kể nào về chính sách nới room của Nhà nước trong năm qua, HSC, REE, PNJ và những công ty có đặc điểm hoạt động tương tự như MWG, VSC, FPT, GMD, FCN…, hay doanh nghiệp có cổ đông lớn chưa đồng thuận như tại BBC, nhà đầu tư không kỳ vọng nhiều vào khả năng sẽ mở room trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2017.

Ngày 25/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/9/2015, trong đó quy định, các công ty đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định tại điều lệ công ty. Các công ty niêm yết chỉ cần được đại hội đồng cổ đông, hoặc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản đồng ý là có thể nới room.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã tháo bỏ “vòng kim cô” trói chặt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng ở mức tối đa 49% trong thời gian dài trước đó. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 13 công ty hoàn tất việc nới room. Đa số ý kiến cho rằng, Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã trao quyền tự quyết về room cho doanh nghiệp, nhưng có những vướng mắc về kỹ thuật và pháp lý, khiến nhiều doanh nghiệp khó nới room, e ngại nới room.

Về phía cổ đông, thông tin nới room luôn được thị trường săn đón bởi bên cạnh kỳ vọng thu hút thêm dòng vốn ngoại, được đánh giá là dài hạn và có chất lượng giúp doanh nghiệp khởi sắc thì thông tin này còn tạo cú hích cho giá cổ phiếu, đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ khi “bắt đúng bài”. Trong mùa đại hội cổ đông 2017, vấn đề mở room dự báo sẽ tiếp tục là đề tài làm nóng đại hội của nhiều doanh nghiệp.

Tin bài liên quan