Doanh nghiệp lên sàn còn tăng mạnh

Doanh nghiệp lên sàn còn tăng mạnh

(ĐTCK) Các quy định mới về gắn đấu giá cổ phần hóa với lên sàn, cũng như chế tài xử phạt nặng doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiêu lên sàn, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đang tạo ra hiệu ứng làm tăng nhanh số lượng doanh nghiệp lên sàn.

Thưa ông, đến thời điểm này việc áp dụng các nội dung mới về gắn đấu giá cổ phần hóa với lên sàn theo quy định tại Thông tư 115/2016 sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/11 vừa qua đã được HNX triển khai ra sao?

HNX đã tích cực phối hợp, tham gia cùng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, nên Sở đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất sớm.

Khi Thông tư 115/2016/TT-BTC có hiệu lực, HNX đã áp dụng ngay các quy định mới về gắn đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước với lên sàn. Theo đó, khi nộp một bộ hồ sơ để tiến hành IPO qua HNX, Sở đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp để hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng lý giao dịch trên UPCoM, với những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện thì lên niêm yết thẳng trên HOSE hoặc HNX.

Ông Nguyễn Thành Long 

Thực tế áp dụng quy định mới tại Thông tư 115/2016/TT-BTC đã đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu sau IPO lên sàn như thế nào, thưa ông?

Trước khi có quy định mới tại Thông tư 115/2016, doanh nghiệp phải hoàn thiện 3 bộ hồ sơ để thực hiện IPO, đăng ký lưu ký cổ phiếu và đăng ký lên sàn. 3 khâu này không gắn kết chặt chẽ với nhau, nên các công việc mà doanh nghiệp phải hoàn tất để đưa cổ phiếu lên sàn tốn khá nhiều thời gian. Bởi vậy, ngay cả một doanh nghiệp dù tích cực đưa cổ phiếu lên sàn sau IPO, thì nhanh cũng phải mất 4 - 5 tháng mới hoàn tất.

Trong khi đó, áp dụng quy định mới về gắn kết cả 3 khâu: đấu giá IPO, đăng ký lưu ký cổ phiếu qua VSD và đăng ký giao dịch, vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa các loại hồ sơ, giấy tờ, vừa rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên sàn sau IPO. Đây là một quá trình khép kín do Sở Giao dịch chứng khoán và VSD chủ động thực hiện, chứ không phải doanh nghiệp có muốn hay không. Trong vòng hơn 20 ngày sau IPO, cổ phiếu của doanh nghiệp đã hoàn tất quá trình lên sàn và các cổ đông dễ dàng tiến hành giao dịch cổ phiếu. Đây là bước tiến mới cả về tư duy lẫn trong cách thức tổ chức thực hiện, bởi bước cải cách này đã cụ thể hóa hoạt động chào bán gắn với niêm yết theo thông lệ quốc tế hiện đại, gắn IPO với thị trường giao dịch thứ cấp.

Trong khi Thông tư 115/2016 giúp đảm bảo không phát sinh các trường hợp doanh nghiệp sau IPO không lên sàn, thì chế tài mới tại Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/12 tới, được nhìn nhận sẽ tạo sức ép thúc đẩy doanh nghiệp IPO trước đó lên sàn. Những giải pháp tổng lực này, theo ông, có tạo ra làn sóng doanh nghiệp lên sàn trong thời gian tới?

Với quy định mới tại Thông tư 115/2016 là gắn kết đấu giá IPO với lên sàn, còn Nghị định 145/2016 lần đầu tiên bổ sung chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn (mức phạt cao nhất lên đến 400 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không đăng ký hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng) có thể thấy nhà quản lý một mặt tạo thông thoáng cho doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng mặt khác đưa ra chế tài mới có sức răn đe để xử phạt nặng các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn.

Giải pháp tổng lực trên cùng với thực tế đã chứng minh lên sàn làm tăng giá trị của doanh nghiệp (điển hình như trường hợp của Tổng công ty cổ phần Bia-rượu- nước giải khát Hà Nội lên UPCoM) đang vừa kích thích, vừa thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn. Từ đầu năm đến nay, riêng trên UPCoM đã có tới 100 công ty lên đăng ký giao dịch. Với việc hôm nay (21/11), 2,177 tỷ cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lên UPCoM, sẽ tạo bước đột biến về số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch, cũng như vốn hóa của sàn UPCoM.

Tin bài liên quan