Doanh nghiệp huy động vốn lớn để thực hiện M&A

Doanh nghiệp huy động vốn lớn để thực hiện M&A

(ĐTCK) Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp nội đang có những sắc thái mới. Trong đó, một số công ty niêm yết lên kế hoạch huy động vốn lớn nhằm thực hiện M&A.

VRC muốn mua 65% ADEC

Theo kế hoạch, trong quý IV/2017, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu, với giá dự kiến 11.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn, cổ phiếu VRC đang được giao dịch ở mức giá 27.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, VRC sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu 10,15 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền mua là 1:0,7; chào bán riêng lẻ 25,34 triệu cổ phiếu cho không quá 30 nhà đầu tư chiến lược.

Tổng số tiền thu về theo giá bán dự kiến là 390,44 tỷ đồng, VRC sẽ sử dụng 345,94 tỷ đồng để thực hiện đầu tư vào các công ty cùng ngành thông qua mua cổ phần và 44,5 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động.

Đối tượng mà VRC hướng đến để thực hiện M&A là Công ty cổ phần ADEC, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Mục tiêu của VRC là mua 65% vốn cổ phần của ADEC, với giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu, tối đa là 24.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, hai bên đang trong quá trình đàm phán, thỏa thuận và ký hợp đồng mua bán với các cá nhân/tổ chức nắm giữ cổ phiếu của ADEC, qua đó VRC không phải thực hiện chào mua công khai. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn thành trong quý IV/2017, sau khi VRC hoàn thành huy động vốn.

“Số tiền tối thiểu cần huy động được là 150 tỷ đồng, trong trường hợp chào bán không thu đủ số tiền này thì VRC sẽ ưu tiên thực hiện các hạng mục theo thứ tự như trên và nguồn vốn thiếu hụt của từng hạng mục sẽ được Công ty thu xếp bổ sung”, đại diện VRC cho biết.

Tính đến cuối tháng 8/2017, 100% vốn cổ phần của ADEC được nắm giữ bởi 66 cá nhân và 6 tổ chức, đều là cổ đông trong nước. Việc VRC thâu tóm ADEC gần như chắc chắn sẽ được thực hiện. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VRC đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ADEC từ tháng 5/2017.

ADEC hiện có vốn điều lệ 221,76 tỷ đồng, tổng tài sản 348,3 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bất động sản với 3 dự án đang triển khai tại Khu dân cư Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM), Khu dân cư Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và Khu dân cư Long An A (Long An), với tổng mức đầu tư hơn 285 tỷ đồng.

LEC dự kiến huy động 548 tỷ đồng nhằm M&A

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) vừa thông qua kế hoạch chào bán 54,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:2,1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Với số tiền thu được từ đợt phát hành là hơn 548 tỷ đồng, LEC dự kiến sẽ chi 186,6 tỷ đồng mua 72% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam; chi 148 tỷ đồng mua 26% cổ phần Công ty cổ phần An Thịnh Quảng Nam; góp 50 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng P&P (công ty con sau khi thực hiện M&A) nhằm bổ sung vốn lưu động thực hiện các hợp đồng xây dựng; chi 9,5 tỷ đồng khảo sát, tư vấn, quy hoạch Harmony giai đoạn 2 và phần còn lại gần 153,8 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Toàn bộ việc sử dụng tiền đầu tư sẽ được Công ty thực hiện từ nay đến hết năm 2017.

Trong thời gian qua, cổ phiếu LEC có biến động mạnh. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả đã giúp giá cổ phiếu này tăng trần 15 phiên liên tiếp, sau đó giảm sàn gần 10 phiên, hiện được giao dịch ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu (ngày 6/9).

LEC có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Lemony Hà Nội, tỷ lệ sở hữu 20,06%; Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển và Xây dựng Việt Trung, sở hữu 20,06%; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đoàn Linh Gia, sở hữu 20,06%.

MWG nâng ngân sách cho hoạt động M&A

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp huy động vốn để thực hiện nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích mua lại doanh nghiệp khác nhằm tận dụng lợi thế có sẵn của doanh nghiệp cùng ngành. Thậm chí, có doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho mục đích này.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ban đầu dự kiến chi 500 tỷ đồng cho hoạt động M&A, nhưng sau đó đã xin ý kiến cổ đông xem xét và thông qua mức ngân sách mới cho hoạt động này lên 2.500 tỷ đồng. MWG nâng ngân sách M&A nhằm thực hiện M&A các công ty bán lẻ.

Nguồn vốn tài trợ cho việc nâng ngân sách M&A đến từ vốn vay, phát hành trái phiếu, lợi nhuận chưa phân phối. Bên cạnh đó, Công ty dự kiến phát hành riêng lẻ 6,7 triệu cổ phiếu, chiếm 2,18% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cho không quá 10 nhà đầu tư.

Hiện tại, thị trường và cổ đông MWG đã biết đối tượng doanh nghiệp muốn mua lại là Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG).

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, MWG và TAG đang thương thảo để đưa ra quyết định cuối cùng, dự kiến thương vụ M&A này có thể sẽ hoàn tất trong tháng 11/2017.

Kỳ vọng hiệu quả

Từ năm 2014 đến nay, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm PAN (PAN Food) đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư, với mục tiêu sở hữu, hợp nhất các công ty có thế mạnh trong ngành thực phẩm chế biến như Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre...

Gần đây nhất, ngày 31/8/2017, PAN Food công bố nắm 7.720.577 cổ phiếu Bibica, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 50,07% tổng số cổ phiếu đang lưu hành và trở thành công ty mẹ của Bibica.

Thị trường đã chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp niêm yết được hồi sinh sau quá trình “thay máu cổ đông” như Công ty cổ phần Thép Việt Ý, Bê Tông Xuân Mai..., cũng như các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau khi M&A nhờ việc kết hợp sức mạnh giữa các bên. Theo đó, với các thương vụ M&A đang diễn ra, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

“M&A giúp KIDO khai thác triệt để thế mạnh kênh phân phối, logistic”

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido Group (KDC) 

Sau nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây như mua lại Vocarimex và Tường An, Tập đoàn KIDO vừa hoàn tất việc mua lại một công ty con của Công ty cổ phần Dabaco Việt Nam (DBC). Với việc thâu tóm thành công doanh nghiệp này, KIDO sẽ góp mặt ở 3 phân khúc quan trọng của ngành hàng thực phẩm tươi sống (thịt, xúc xích), đông lạnh và đồ hộp.

Với sự kết hợp này, dự kiến trong quý IV/2017, KIDO sẽ “trình làng” sản phẩm mới. Các ngành hàng mới mà KIDO đang nhắm đến sẽ giúp khai thác triệt để thế mạnh kênh phân phối, logistic của KIDO.

Không chỉ mua lại các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước, chúng tôi đang có ý định sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp ngoại trong khu vực ASEAN, với mục tiêu quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt đến các nước trong khối ASEAN và mang các sản phẩm trên các thị trường khu vực về Việt Nam. Đầu tư ra nước ngoài là bước đi quan trọng trong mục tiêu đưa KIDO trở thành công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam trong vài năm tới. 

“M&A sẽ giúp SHI hoàn thiện các phân khúc sản phẩm”

Ông Đàm Quang Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hà (SHI)

Dự kiến, trong tháng 10/2017, SHI sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án phát hành cổ phần huy động vốn nhằm thực hiện mua doanh nghiệp khác.

Nếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Hội đồng quản trị sẽ tiến hành các thủ tục có liên quan đối với việc phát hành cổ phiếu, nếu các thủ tục thuận lợi thì có thể hoàn tất trong năm 2017.

Chúng tôi đang đàm phán M&A với doanh nghiệp mục tiêu. Đây là doanh nghiệp cùng ngành nghề với SHI nên việc hoàn tất thương vụ M&A này sẽ giúp SHI hoàn thiện các phân khúc sản phẩm cũng như thị trường, phát huy hiệu quả hoạt động của Công ty.

Thực tế, chúng tôi đã có bước chuẩn bị và đàm phán từ năm 2016, nhưng đến nay mới hoàn thiện các nội dung giữa hai bên và tiến hành xin ý kiến cổ đông để thực
hiện M&A.

Tin bài liên quan