Doanh nghiệp hấp dẫn hơn khi phát triển bền vững

Doanh nghiệp hấp dẫn hơn khi phát triển bền vững

(ĐTCK) Kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là điểm cộng, mà đã trở thành tiêu chí bắt buộc của doanh nghiệp khi quỹ ngoại xem xét rót vốn.   

Không chỉ nhìn vào con số doanh thu, lợi nhuận, thị phần…, các quỹ đầu tư nước ngoài rất chú trọng đến các yếu tố phi tài chính của doanh nghiệp như môi trường, an sinh xã hội và quản trị công ty (ESG - Environmental, Social, Governance) khi đưa ra quyết định đầu tư.

Chẳng hạn, Quỹ đầu tư Dragon Capital Group (DCG) quy định rõ một “danh sách loại trừ” (Exclusion list) những ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh mà Quỹ không tham gia đầu tư.

Thực hiện nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, từ năm 2002 đến nay, DCG đã sửa đổi và cập nhật 7 lần chính sách và hệ thống lý quản lý ESG. Theo đại diện DCG, cùng với việc mở rộng lĩnh vực, quy mô, ngành nghề hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là nảy sinh các yếu tố rủi ro mới về ESG, thêm vào đó là sức ép và đòi hỏi sự tuân thủ các chuẩn mực về ESG ngày càng cao từ các định chế đầu tư tài chính và các đối tác quốc tế, các tiêu chí của ESG của Quỹ cũng ngày càng được nâng cao.

Mới đây, Quỹ VinaCapital Vietnam Oppotunity Fund (VOF) của VinaCapital và DEG - quỹ đầu tư thành viên của Tập đoàn KfW - Đức đã công bố rót 30 triệu USD vào CTCP Gỗ An Cường; trong đó, VinaCapital góp 70% và DEG góp 30%. An Cường là doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ ván ép, bề mặt trang trí và đồ nội thất từ gỗ và ván ép, có thị phần chi phối trong 2 dòng sản phẩm có thương hiệu, trên 50% đối với ván MFC và 70% đối với ván laminate.

Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 30 - 35%/năm. Năm 2015, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 70 triệu USD. Điều đáng chú ý là Gỗ An Cường đạt chứng chỉ về môi trường của Singapore. Được biết, trước khi quyết định đầu tư vào An Cường, hai quỹ ngoại đã có những buổi khảo sát rất kỹ về cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, xử lý ô nhiễm môi trường… và cả phỏng vấn thái độ hài lòng của nhân viên với lãnh đạo doanh nghiệp.

Trước đó, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) trao chứng chỉ quốc tế công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE cho dự án khu căn hộ The Bridgeview của CTCP Đầu tư Nam Long vào cuối năm 2014. Đó cũng là “điểm cộng” để sau đó IFC rót khoản đầu tư cổ phần trị giá 7,5 triệu USD hỗ trợ Nam Long xây dựng thêm các căn hộ EHome...

Thực tế là cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết như CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Tập đoàn PAN (PAN), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP)… có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi ngoài kết quả kinh doanh ổn định, bản thân doanh nghiệp đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, các thông lệ quản trị tốt, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội.

Khái niệm phát triển bền vững, phát triển xanh không còn mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt. Cụm từ “chiến lược phát triền bền vững” được hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán đề cập tới trong các bản báo cáo thường niên, trong các báo cáo của Hội đồng quản trị, ban điều hành trong mỗi kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp áp dụng những tiêu chí, chuẩn mực quốc tế về sử dụng năng lượng, về xả thải, về chính sách an sinh – xã hội trong cộng đồng doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế.

Những doanh nghiệp thực hành tốt chiến lược phát triển bền vững hiện tại đa phần là những doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp có cổ đông lớn là tổ chức quốc tế hoặc các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…

Không chỉ là câu chuyện thu hút vốn ngoại, việc tuân thủ các chuẩn mực về phát triển bền vững, phát triển xanh đang là đòi hỏi bức thiết với các doanh nghiệp trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu hơn với thế giới. Để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần phải tuân thủ những quy định rất khắt khe các tiêu chuẩn về an sinh – xã hội với người lao động, về môi trường từ phía đối tác mua hàng chính.

Chẳng hạn, với đối tác mua chính trong ngành dệt may và da giày như Nike và Adidas, bền vững là yếu tố quan trọng trong quyết định phát triển nhà cung cấp. Các chỉ tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch và khí thải được các hãng này đặt ra rất cụ thể.

Các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam ký kết cũng đưa ra các điều kiện tiên quyết về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội. Điều này có nghĩa là việc tuân thủ các chuẩn mực về phát triển bền vững với doanh nghiệp Việt là đương nhiên, là yếu tố không thể thiếu nếu muốn tham gia một sân chơi chuyên nghiệp và rộng lớn hơn.

Tin bài liên quan