Doanh nghiệp gặp khó với Thông tư 121 trong tối ưu hóa nguồn lực

Doanh nghiệp gặp khó với Thông tư 121 trong tối ưu hóa nguồn lực

(ĐTCK) Một trong những nội dung đặc biệt được chú ý tại Thông tư 121/2012/TT-BTC là ngăn ngừa xung đột lợi ích với các bên có liên quan của DN, để từ đó bảo vệ cổ đông bên ngoài, cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các cách hiểu khác nhau về văn bản này đang khiến DN cảm thấy bị mất đi cơ hội tối ưu hóa hiệu quả tài chính.

DN có nhu cầu…

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 công ty mẹ Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG) có viết: “Vào ngày 31/12/2015, Công ty có khoản cho các bên liên quan vay ngắn hạn và dài hạn trị giá lần lượt là 1.510.757.588 đồng và 2.703.320.877 đồng chưa được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) phê duyệt theo yêu cầu của Thông tư số 121/2012/TT-BTC. Ban Giám đốc cam kết sẽ xin phê duyệt các khoản cho vay các bên liên quan trên tại kỳ họp ĐHCĐ sắp tới và sẽ điều chỉnh chính sách quản lý về cho vay để phù hợp với Thông tư 121”.

Câu chuyện của HNG không mới. Tại cuộc họp ĐHCĐ cuối năm 2015 của một DN niêm yết trên HOSE ngành nông nghiệp khác, trong số các tờ trình, có một tờ trình nhấn mạnh đến nội dung: xin chủ trương ký kết các hợp đồng, giao dịch có liên quan của công ty.

Theo đó, ngoài việc thông qua chủ trương ký kết các hợp đồng, giao dịch giữa DN này có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản, nội dung “xin” ủy quyền có một điểm đáng chú ý: đề nghị cho phép DN cấp các khoản vay, bảo lãnh cho các thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát, tổng giám đốc điều hành và người có liên quan… với giá trị mỗi khoản vay, bảo lãnh vay không vượt quá 30% tổng giá trị tài sản ghi trong BCTC tài chính gần nhất của công ty đã được kiểm toán.

Cũng trong tờ trình này, HĐQT trình ĐHCĐ thông qua các giao dịch trong phạm vi nói trên đã thực hiện ở năm tài chính 2015 và đề nghị thông qua chủ trương thực hiện năm 2016.

Rà soát các DN niêm yết khác, nhất là với những đơn vị có quy mô lớn, việc xuất hiện giao dịch như: mua bán, cho vay, vay…giữa công ty con với công ty mẹ, công ty con với các công ty con khác trong cùng hệ thống diễn ra khá phổ biến. Cá biệt, có những giao dịch hàng nghìn tỷ đồng và có cả những khoản bảo lãnh cho vay của các đơn vị trong hệ thống với nhau trị giá nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một DN niêm yết ngành hạ tầng nhận xét: yêu cầu công ty mẹ được phép chủ động điều phối nguồn lực tài chính giữa công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết là bắt buộc ngay từ khi thành lập mới các DN, và các cổ đông lớn. “Vì có như vậy, hệ thống mới có thể tối ưu hóa được nguồn tiền, tránh tình trạng lãng phí chi phí”, vị này nói.

Giao dịch giữa công ty với các tổ chức, cá nhân là cổ đông lớn hoặc người có liên quan diễn ra khá phổ biến. Điều này, trong nhiều tình huống xuất phát từ chính đặc thù hoạt động các DN như công ty con sinh ra với mục tiêu cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ hoặc các công ty trong hệ thống; hoặc nhằm mục đích tối ưu hóa các nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong bối cảnh: đơn vị này thừa, đơn vị kia thiếu.

“Thay vì để một đơn vị đi gửi tiết kiệm lãi suất 5-6%/năm, còn một đơn vị phải đi vay với lãi suất 12%/năm, giao dịch giữa 2 bên diễn ra sẽ giúp tăng lợi ích cho cả hai”, lãnh đạo một tập đoàn cho biết. Việc bảo lãnh tín dụng cũng xuất hiện khá thường xuyên, bởi trong bối cảnh các DN đều đang mở rộng, không phải lúc nào việc vay vốn ngân hàng thế chấp bằng tài sản tự có của DN cũng diễn ra thuận lợi. Có bảo lãnh từ bên thứ 3 với tài sản bảo lãnh tốt sẽ giúp DN đàm phán được lãi suất vay hấp dẫn hơn. 

… nhưng gặp khó bởi quy định

Tối ưu hóa hiệu quả là nhu cầu chung của các DN, nhưng quy chế quản trị áp dụng cho công ty đại chúng có phần khá chặt chẽ, DN kêu khó thực thi.

Theo Khoản 1, Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014, giao dịch giữa công ty với các cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan, thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người có liên quan hoặc các DN mà các đối tượng này có cùng sở hữu trên 10% vốn điều lệ phải được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận.

Với quy định này, DN hiểu là họ được phép cấp khoản vay, bảo lãnh khoản vay với cổ đông sở hữu từ 10% trở lên, hoặc người có liên quan… nếu được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận. Thế nhưng, Khoản 3 Điều 24 Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định: “Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty. Công ty đại chúng không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các cổ đông và những người có liên quan”.

Đối chiếu với quy định này, DN sẽ bị hiểu là không được phép cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh vay cho cổ đông và người có liên quan.

Tuy nhiên, Điều 35 Điều lệ mẫu ban hành kèm Thông tư 121 nói trên lại mở hơn, cho phép các giao dịch này, nếu được Đại hội chấp thuận. Thậm chí, giao dịch với giá trị hợp đồng dưới 20% tổng giá trị tài sản ghi trong BCTC nhưng được HĐQT cho phép thực hiện một cách trung thực… với các đối tượng nói trên cũng không bị vô hiệu hóa.

Vậy DN có được phép tối ưu hóa tài chính theo cách này?

Trao đổi với ĐTCK, một DN niêm yết cho biết, hiện nay, số dư tiền mặt của toàn hệ thống khá lớn. Tuy nhiên, với chủ trương tối ưu hóa nguồn lực tài chính và chuyên nghiệp hóa, các công ty con chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, tiền nhàn rỗi được chuyển về cho công ty mẹ. Khi công ty con phát sinh nhu cầu vay vốn, sẽ được vay với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi. Với hoạt động này, công ty con không bị thiệt hại gì, công ty mẹ cũng được hưởng lợi.

Lần dở lại quá khứ, đã từng xuất hiện DN niêm yết ngành khoáng sản mang toàn bộ tiền gửi của công ty (chiếm trên 60% tổng tài sản) đi gửi ở công ty do vợ của chủ tịch HĐQT đứng tên, với lãi suất dưới 5%/năm, dù khi đó, lãi suất thị trường đang ở mức hơn 13%/năm, gây thiệt hại không nhỏ cho cổ đông.

Vì thế, quy định liên quan đến ngăn ngừa xung đột trong quản trị công ty đại chúng là đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, nếu siết quá chặt, thiệt hại cho các DN quy mô lớn là điều dễ nhìn thấy, nếu họ muốn trung thực, không che giấu thông tin. Vì thế, với các giao dịch này, nên chăng, bảo vệ cổ đông cần xuất phát từ cơ chế minh bạch thông tin, thay vì chặn, để DN cảm thấy mình không bị mất đi lợi ích từ việc niêm yết, đại chúng hóa?           

Tin bài liên quan