Việc huy động vốn trong thời gian này rất khó khăn, dù phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ

Việc huy động vốn trong thời gian này rất khó khăn, dù phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ

Doanh nghiệp gặp khó trong tìm vốn mới bằng cổ phiếu

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, các DN thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian qua chủ yếu nhờ hình thức chia thưởng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm trước để lại, trong khi việc huy động vốn thông qua hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ gặp không ít khó khăn.

CTCP Tasco (HUT) là một trong những DN có tốc độ tăng vốn khá nhanh trong 3 năm trở lại đây. Tháng 4/2014, HUT thực hiện chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu, thu ròng gần 200 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 846,5 tỷ đồng. Tháng 1/2015, HUT tiến hành chuyển đổi 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (phát hành năm 2013) thành 10 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 946,5 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2015, Công ty phát hành riêng lẻ thành công 20 triệu cổ phiếu với giá 13.500 đồng/CP (thị giá khoảng 15.000 đồng/CP), thu ròng hơn 267 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 1.146,5 tỷ đồng. Tháng 7/2015, HUT nâng vốn điều lệ lên trên 1.284 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc phát hành gần 13,76 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.

Tháng 2/2016, ĐHCĐ bất thường HUT đã thông qua việc tăng vốn “khủng” từ 1.284  tỷ đồng lên 2.683 tỷ đồng, tức tăng gần 1.400 tỷ đồng, bằng việc chào bán cho cổ đông hiện hữu 89,88 triệu cổ phần (tỷ lệ 10:7) với giá phát hành 10.000 đồng/CP, tương ứng 898,83 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phần với mức giá bằng 80% giá bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp trước ngày phát hành, nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, không suôn sẻ như những lần trước, tới thời điểm hiện tại, HUT vẫn đang dở dang với kế hoạch tăng vốn.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco cho biết, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn ở thời điểm hiện tại là không dễ dàng. Đối với việc phát hành tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu, nếu cổ đông không đăng ký mua, Công ty sẽ chuyển quyền mua cho một số đối tác chiến lược. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, việc tìm kiếm và lựa chọn các đối tác chiến lược hiện nay rất khó khăn.

Với định hướng kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản của Chính phủ, DN thuộc lĩnh vực này, trong đó có HUT, phải tự thân vận động trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Lãnh đạo Tasco cho biết, trong trường hợp đợt chào bán không đạt tỷ lệ tối thiểu (70%), HUT sẽ vay vốn từ các tổ chức, cá nhân; hợp tác liên doanh liên kết để thực hiện các dự án hoặc chuyển phần dự án chưa được thực hiện sang các năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, HUT cần giải ngân một số dự án như Dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (470 tỷ đồng); Dự án Khu nhà ở cho cán bộ nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng và Báo Nhân dân (150 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 theo hình thức BT (346,5 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 từ Quán Toan đến Cấu Nghìn, Hải Phòng theo hợp đồng BOT (356,5 tỷ đồng)…

Không riêng gì HUT, lãnh đạo CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal (SCR) cũng đang gặp khó với kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu. Năm 2015, với mục tiêu cơ cấu lại nợ và cấn trừ công nợ, SCR đã lên kế hoạch phát hành tổng cộng gần 59,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn lên gần 2.470 tỷ đồng. Trong đó, phát hành 9,38 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 100: 5) và chào bán 50,11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP (tỷ lệ 100: 26,7). Tuy nhiên, sau 2 đợt, SCR chỉ chào bán được hơn 20 triệu cổ phiếu, nên Công ty phải hủy việc phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu còn lại và mức vốn điều lệ chỉ tăng tới 2.171 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ 2016 mới đây, SCR đã trình cổ đông phương án lựa chọn nhà đầu tư, đối tác chiến lược trong và ngoài nước thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu thường với giá trị 10-20% vốn điều lệ của SCR (2.171 tỷ đồng), tương đương với mức vốn cần huy động thêm từ 217 đến 434 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HĐQT SCR cũng trình phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ 5% từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nhiều lãnh đạo DN có kế hoạch tăng vốn thừa nhận, việc huy động vốn trong thời gian này vô cùng khó khăn, dù phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ, nếu DN không có hướng thuyết phục cổ đông hoặc không có các cổ đông lớn “đỡ đầu”.

Lãnh đạo một DN trong ngành cao su chia sẻ, Công ty đã rất khó khăn trong việc tìm vốn để triển khai các dự án, càng chật vật hơn khi phải thực hiện huy động vốn gần 200 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu mà giá phát hành cao hơn so với thị giá. Cuối cùng, toàn bộ số cổ phiếu cổ đông hiện hữu từ chối mua đã được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam “ôm” toàn bộ nhằm đảm bảo giúp DN có đủ vốn thực hiện các dự án đầu tư. Tất nhiên, không phải DN nào cũng gặp may mắn như trường hợp này.               

Tin bài liên quan