Doanh nghiệp dệt may vừa lên sàn, vừa "lăn tăn" bị thâu tóm

Doanh nghiệp dệt may vừa lên sàn, vừa "lăn tăn" bị thâu tóm

Ngành dệt may có quy mô tới 6.000 doanh nghiệp, năng lực sản xuất trị giá 35 tỷ USD/năm, nhưng số lượng doanh nghiệp lên sàn chưa đầy con số 30. 

Điểm mặt doanh nghiệp mới chào sàn

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) là tên tuổi mới nhất trong ngành dệt may đã chào sàn chứng khoán trong những ngày đầu năm 2017. 50 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này được niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán FTM. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá là 500 tỷ đồng.

"Doanh nghiệp không mặn mà với việc lên sàn, bởi nhiều lý do, trong đó có nỗi lo thường trực là sợ bị thâu tóm"

- Ông Nguyễn Mạnh Hà, đại diện Công ty May 10

Ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch HĐQT Fortex cho hay, việc lên sàn thể hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu, minh bạch, vững mạnh trong ngành sợi dệt, tạo thêm niềm tin cho đối tác trong việc hợp tác kinh doanh, thu hút nguồn vốn để tăng đầu tư phát triển sản xuất.

Sau sự kiện FTM chào sàn, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong những ngày đầu tháng 2/2017, là sự kiện 500 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lên sàn UPCoM với mã chứng khoán VGT.

Trước Fortex, tháng 6/2016, một tên tuổi trong ngành sợi, vải dệt thoi là Công ty cổ phần Dệt Damsan cũng niêm yết 16,07 triệu cổ phiếu ADS trên sàn HOSE.

Cái tên tiếp theo có kế hoạch lên UPCoM trong năm 2017 là Tổng công ty cổ phần May 10. Sau một thời gian trì hoãn, May 10 cho biết, sẽ niêm yết trên sàn UPCoM vào cuối năm 2017. Mọi thủ tục cần thiết cho sự xuất hiện này đang được doanh nghiệp hoàn tất theo đúng quy định.

Ngại niêm yết vì sợ bị thâu tóm

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà, đại diện May 10 cho biết, doanh nghiệp không mặn mà với việc lên sàn, bởi nhiều lý do, trong đó có nỗi lo thường trực là sợ bị thâu tóm, lo ngại về mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm sẽ không còn được như trước.

Bởi khi niêm yết trên sàn, các nhà đầu tư nước ngoài, với tiềm lực tài chính dồi dào, sẽ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty, từ đó chiếm dần quyền chi phối, thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ngại niêm yết vì lo bị thâu tóm có vẻ là tâm lý của không ít doanh nghiệp dệt may, không chỉ là câu chuyện của riêng May 10.

Năm 2016 là một năm khó khăn nhất của ngành dệt may, tính trong 10 năm trở lại đây. 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dồn cho xuất khẩu, nhưng xuất khẩu tăng trưởng thấp, chỉ đạt 4,9%, hụt 1,7 tỷ USD so với mục tiêu, nên hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết không suôn sẻ.    

Năm 2016 được ví như “điểm rơi” của xuất khẩu dệt may trong 10 năm gần đây, khi các chỉ tiêu của ngành đều giảm. Năm 2017 tiếp tục là năm khó dự báo của thị trường dệt may thế giới cũng như thị trường dệt may Việt Nam.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán có thể thấy rõ sự khó khăn này. Kết thúc năm 2016, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 31%, đạt 1.358 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 83% kế hoạch năm. Lãi sau thuế đạt gần 29 tỷ đồng, giảm 60% và chỉ đạt 23% kế hoạch đề ra.

Một “đại gia” dệt may đã niêm yết là Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng ghi nhận doanh thu năm 2016 đạt 3.070 tỷ đồng, tuy tăng 10%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 114 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước. Cả doanh thu và lãi ròng đều không đạt kế hoạch đề ra, tương ứng thực hiện 94% và 72%.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, với 2 hiệp định quan trọng mà Việt Nam tham gia là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thì TPP hiện chưa biết sẽ ra sao, còn EVFTA có hiệu lực vào năm 2018 với một số dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn, còn phần lớn sẽ phải theo lộ trình 3-7 năm, vì vậy Hiệp định này sẽ chưa có tác động lớn đến doanh nghiệp dệt may của Việt Nam trong năm 2017.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu đã có hiệu lực, nhưng thị phần của Việt Nam còn quá nhỏ bé (120 triệu USD trên tổng lượng tiêu dùng khoảng 13 tỷ USD của toàn Liên minh).

“Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, các quốc gia mới nổi như Campuchia, Myanmar sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp dệt may của Việt Nam trong việc cạnh tranh đơn hàng”, ông Trường cho biết thêm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, vì vậy, doanh nghiệp dệt may không chỉ lo lên sàn sẽ bị khối ngoại thâu tóm, mà còn lo cổ phiếu bết bát, giá trị doanh nghiệp bị tụt giảm.

Tin bài liên quan