Doanh nghiệp cỡ vừa xoay vốn trái phiếu

Doanh nghiệp cỡ vừa xoay vốn trái phiếu

(ĐTCK) Sau các “ông lớn” như BIDV, Vinacomin…, một loạt doanh nghiệp nhỏ hơn đang tham gia vào làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), do khó khăn trong tiếp cận tín dụng truyền thống.

Ngày 11/11, CTCP Xây dựng Tasco (HUT) thông báo kế hoạch phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi; ngày 12/11, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) công bố kế hoạch phát hành 420 tỷ đồng trái phiếu thường; ngày 13/11, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành trái phiếu thường.

Ba công ty bất động sản này có quy mô tài sản lần lượt là 4.100 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng và 4.600 tỷ đồng. Quy mô này chỉ bằng 1/2, thậm chí bằng 1/10 các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thành công từ đầu năm tới nay như Hoàng Anh Gia Lai hay CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM.

Trước đó, CTCP Du lịch Thiên Minh, với tổng tài sản 1.600 tỷ đồng, đã chào bán khối lượng 1.000 tỷ đồng TPDN, làm dấy lên nhiều thắc mắc trong giới đầu tư.

Chia sẻ về việc chọn phát hành TPDN, lãnh đạo một trong các công ty nói trên cho biết, tài sản đảm bảo là nguyên nhân lớn khiến công ty lựa chọn TPDN, thay vì đi vay ngân hàng. Khi vay vốn qua TPDN, công ty có thể vay cùng lúc nhiều ngân hàng bằng một hoặc một nhóm tài sản đảm bảo, với tỷ lệ giá trị tài sản trên giá trị khoản vay ở mức nhất định.

Trong khi đó, nếu công ty đi đàm phán vay từng ngân hàng, mỗi ngân hàng riêng lẻ lại yêu cầu một tài sản đảm bảo với giá trị cao hơn nhiều so với khoản tín dụng, khiến tổng số tài sản và tổng giá trị tài sản phải đem ra thế chấp cao hơn nhiều so với đi vay bằng TPDN.

Doanh nghiệp cỡ vừa xoay vốn trái phiếu ảnh 1

Mỗi ngân hàng yêu cầu một tài sản đảm bảo với giá trị cao hơn nhiều so với khoản tín dụng

Lãnh đạo của một công ty bất động sản khác bổ sung, ngoài việc chịu thế chấp các tài sản lớn, khoản tín dụng đó cũng không được chuyển cho doanh nghiệp ngay, mà phải giải ngân theo tiến độ và theo kết quả thẩm định việc sử dụng vốn vay. Khi công ty muốn trả nợ trước hạn thì lại bị ngân hàng phạt rất nặng.

“Tính tổng tất cả các yếu tố như vậy, chi phí vay ngân hàng thực ra đắt hơn nhiều con số lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng và tính khả thi đối với những doanh  nghiệp như chúng tôi thấp hơn nhiều so với việc đi vay bằng TPDN”, ông nói.

Tuy nhiên, cũng chính vì những điểm tiện lợi của TPDN so với tín dụng, nên công cụ này xưa nay được coi là công cụ dành riêng cho “nhà giàu”, nghĩa là chỉ những doanh nghiệp lớn, đã có quan hệ tín dụng tin cậy từ lâu với ngân hàng và có vị thế lớn trong ngành hoặc có yếu tố đủ hấp dẫn để ngân hàng mạo hiểm cho vay theo phương thức này. Thực tế, những thương vụ phát hành TPDN từ đầu năm tới nay chủ yếu là của những “ông lớn” như Vinacomin, VPBank hay BIDV.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngược lại, đang vật lộn để vượt qua khó khăn trong tình hình suy giảm kinh tế chung: TDH ghi nhận lãi sau thuế 9 tháng đầu năm chỉ bằng 23% so với cả năm 2012 và bằng 2,5% so với năm 2010; HUT báo cáo lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm giảm 80% so với cùng kỳ 2012 do chi phí giá vốn tăng cao; trong khi đó, IJC báo cáo lợi nhuận 9 tháng giảm 74% so với cùng kỳ 2012 và doanh thu giảm 72%. Trái phiếu chuyển đổi của HUT thậm chí không có tài sản đảm bảo.

Những yếu tố đó khiến giới đầu tư đặt câu hỏi: ai sẽ mạo hiểm mua trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này? Trên thực tế, CTCP Du lịch Thiên Minh sau hơn 2 tháng thăm dò thị trường, đến nay vẫn chưa chốt được danh sách bên mua trái phiếu. Riêng TDH, lãnh đạo Công ty vừa cho biết, đã hoàn tất thỏa thuận với một ngân hàng về việc mua 400 tỷ đồng trái phiếu.

Giám đốc tư vấn của một công ty chứng khoán lớn cho biết, trong vài tháng gần đây, ông đã phải từ chối đề nghị của nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn thuê tư vấn phát hành TPDN, bởi rất khó tìm được bên mua.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nỗ lực phát hành TPDN là điều tốt, vì đây là hoạt động tái cấu trúc tài chính của công ty. Chẳng hạn, TDH đã nêu rõ trong kế hoạch sử dụng 420 tỷ đồng tiền phát hành trái phiếu là “để tái cấu trúc tài chính công ty”. “Động thái đó ít nhất cũng cho thấy sự chủ động minh bạch của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và với thị trường”, một ý kiến nhận xét.

>> Thật ảo trái phiếu doanh nghiệp

>> Trái phiếu doanh nghiệp “nổi sóng”

>> Trái phiếu doanh nghiệp cần thêm điểm tựa để phát triển

>> Trái phiếu doanh nghiệp: "Điểm nổ"

>> “Nóng” kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp