Đo lường khẩu vị vốn ngoại

Đo lường khẩu vị vốn ngoại

(ĐTCK) “2/3 nhà đầu tư của chúng tôi là các gia đình giàu có tại Thụy Sỹ và một vài tổ chức tại London, sau bầu cử tổng thống Mỹ, họ có lo lắng nhất định và trao đổi với chúng tôi về nhiều vấn đề, trong đó có TTCK Việt Nam”, giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô khá lớn tại Việt Nam chia sẻ. 

Theo lời kể của ông,  các nhà đầu tư quan tâm đến nhiều vấn đề, trong đó có triển vọng kinh tế Việt Nam và đặc biệt là câu chuyện tỷ giá. Nếu biến động tỷ giá trên 5% trong năm tới, có lẽ nhà đầu tư sẽ cân nhắc bỏ vốn vào Việt Nam, còn 2-3% thì không.

Các nhà đầu tư châu Âu nhìn châu Á, Đông Nam Á với rất nhiều kỳ vọng và họ thấy còn nhiều tiềm năng, họ không muốn lỡ chuyến tàu.

Theo vị giám đốc quỹ đầu tư này, những quỹ, nhà đầu tư quan tâm đến TTCK Việt Nam chưa có ai ngỏ lời sẽ rút vốn khỏi quỹ trong năm tới.

Bên cạnh những câu hỏi về kinh tế vĩ mô Việt Nam, mối quan tâm về việc liệu chính phủ Việt Nam có cân bằng được tăng trưởng và phát triển bền vững, an toàn của nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đã hiểu rõ hơn rất nhiều về Việt Nam, về bản chất và sự vận động của nền kinh tế. Họ hỏi những câu rất cụ thể như nên đầu tư vào đâu, vào doanh nghiệp nào, cổ phiếu nào?

Bên cạnh những câu trả lời chung như VinaCapital đã đưa ra với các nhà đầu tư của mình là cần quan tâm tới các doanh nghiệp có chiến lược khai thác thị trường nội địa, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, một số quỹ đã chuẩn bị khá nhiều thông tin và các bản báo cáo về những doanh nghiệp lớn sắp lên sàn.

Những cái tên như Sabeco, ACV, VEAM, Vinatex hay Vietnam Airlines được tin tưởng rằng sẽ góp phần thay đổi hình ảnh của TTCK Việt Nam, kéo PE của thị trường nói chung xuống mức hợp lý hơn so với hiện nay (hiện là 16 lần, tăng 4 so với đầu năm 2016).

Tuy kỳ vọng vào tiềm năng của TTCK Việt Nam, song một quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng không quên nhắc đến những hạt sạn mà họ cho rằng cần phải được xử lý, để “bữa ăn” của các nhà đầu tư không bị bỏ dở.

Trước hết là sự quan ngại về khả năng VN-Index không phản ánh thực chất diễn biến chung của cả thị trường. Bởi một số mã đầu cơ chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số có sự tăng giảm rõ rệt mang tính chất kỹ thuật, đẩy VN-Index tăng trưởng cao, trong khi không phản ánh diễn biến chung cả thị trường.

Một tính toán cho thấy, chỉ tính riêng cổ phiếu Sabeco tới đây được niêm yết trên HOSE tăng trần 8 phiên (tương tự như cổ phiếu Habeco đã đạt được khi lên UPCoM), VN-Index sẽ tăng tới 30 điểm. Tiếp đến là những câu chuyện về chất lượng hàng hóa, khả năng đạt chuẩn niêm yết của các cổ phiếu mới lên sàn và không thể không nhắc tới niềm tin của các nhà đầu tư vào một thị trường được tổ chức và quản lý minh bạch, công bằng.

Tin bài liên quan