“Đọ” hiệu quả các quỹ ngoại với VN-Index

“Đọ” hiệu quả các quỹ ngoại với VN-Index

(ĐTCK) Năm 2015 mặc dù VN-Index tăng 6,13% tuy nhiên nếu điều chỉnh theo USD, chỉ số VN-Index chỉ tăng 1,1%. Một con số khiêm tốn nhưng không phải quỹ ngoại nào cũng chiến thắng thị trường. 

Thống kê cho thấy, ít nhất có 5 quỹ không thắng nổi VN-Index trong năm 2015, trong đó đáng chú ý có Quỹ VOF của VinaCapital.

Một quỹ khác mua tới 44% lượng mua ròng của khối ngoại trong năm 2015 là PYN Elite (Quỹ quản lý Mutual Elite Fund) khi quỹ này chi 60 triệu USD mua cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trong khi khối ngoại mua ròng trên toàn thị trường 137 triệu USD.

Mặc dù mua rất nhiều, nhưng Quỹ PYN Elite lại lỗ 7% trong năm 2015 do quỹ này sở hữu tới 9,88 triệu cổ phiếu MWG (chiếm 11,1% giá trị tài sản ròng của Quỹ) trong khi năm vừa qua giá cổ phiếu MWG giảm 28%.

“Đọ” hiệu quả các quỹ ngoại với VN-Index ảnh 1

Trong phạm vi 11 quỹ ngoại được thống kê trên, Quỹ ngoại có NAV tăng mạnh nhất trong năm 2015 qua chính là Vietnam Equity UCITS Fund (VEUF) của Dragon Capital. Quỹ này có giá trị tài sản ròng (NAV) chỉ 16,78 triệu USD, rất nhỏ so với các quỹ lớn như VinaCapital hay VEIL. Do quy mô quỹ khiêm tốn, nên việc giao dịch cổ phiếu của Quỹ dễ hơn việc giải ngân hàng trăm triệu USD của các quỹ lớn.

Trong năm 2015, VEUF tăng trưởng tài sản ròng 13,3% nhờ nắm giữ cổ phiếu VNM, CTD, VIC, NT2, FPT, MBB, BMP…, đều là các cổ phiếu có cơ bản tốt và tăng trưởng trong năm vừa qua, đặc biệt là CTD và VNM.

Vietnam Holdings đứng thứ 2 với mức tăng 8,4% trong năm 2015. Trong báo cáo gửi các nhà đầu tư, ông Jean-Christophe Ganz, Chủ tịch Quỹ Vietnam Holdings Asset Management cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tại các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đang có mức tăng trưởng rất tích cực. Trong nhóm 85 cổ phiếu niêm yết đại diện 88% vốn hóa tại Sở GDCK TP. HCM, Bloomberg dự báo, mức tăng trưởng EPS trong năm 2016 có thể đạt mức 19%”.

Trong năm 2015, NAV của quỹ VNH tăng 8,4% và giá chứng chỉ quỹ tăng 13,1%. Danh mục của VNH trong năm 2015 có gần 26% là cổ phiếu vốn hóa lớn, 68% là cổ phiếu midcap còn lại 2% cho cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Danh mục của VNH tại thời điểm cuối năm 2015 bao gồm VSC (8,89% danh mục), TRA (7,91%), FPT (7,65%), BMP (6,84%), VNM (6,64%), PNJ (6,08%), TNG (5,73%), DXG (4,61%), HPG (4,52%), HSG (4,5%), trong đó 3 cổ phiếu VNM, BMP, FPT đã tăng rất mạnh trong năm 2015 nhờ thông tin SCIC thoái vốn.

“Đọ” hiệu quả các quỹ ngoại với VN-Index ảnh 2

Ông Min - Hwa Hu Kupfer, Chủ tịch Vietnam Holidng Limited cho biết, năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,7% trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng quanh mức 0% đã khiến Việt Nam trở thành một trong những câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn nhất trên thế giới.

Đứng thứ ba là Quỹ VEEF của PXP. Quỹ này tăng trưởng 6,3% trong năm 2015, quỹ này nắm giữ 22,6% danh mục là cổ phiếu Vinamilk, ngoài ra nắm giữ cổ phiếu HCM, HPG, FPT, STB, REE, DRC, VSC và CTD.

Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của Dragon Capital trong năm 2015 tăng 5,6% tính theo USD. Quỹ này có mức tăng vượt trội so với VN-Index nhờ nắm giữ cổ phiếu Vinamilk chiếm 13,38% danh mục. Cuối năm ngoái VEIL đã hợp nhất với quỹ anh em là VGF để tạo thành một quỹ có tổng giá trị tài sản ròng lớn nhất Việt Nam, đạt gần 800 triệu USD, vượt quỹ VOF của VinaCapital.

Sang năm 2015, Dragon Capital cho rằng, Việt Nam sẽ đối mặt với các ảnh hưởng từ thị trường toàn cầu, nhưng chuyên gia Dragon Capital vẫn tin tưởng vào giá trị của các cổ phiếu Việt Nam được hỗ trợ bởi kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và các chính sách vĩ mô.

Năm 2016, Dragon Capital đánh giá 50 công ty hàng đầu trên TTCK sẽ có PE khoảng 11,5 và tăng trưởng EPS khoảng 16,9%. Trong khi đó, việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ mang tới một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn. Ngoài ra, các cải cách đang diễn ra tại thị trường vốn sẽ giúp Việt Nam dần đáp ứng được các điều kiện vào rổ các thị trường mới nổi MSCI, và nếu đạt được như vậy Việt Nam sẽ trở thành một địa chỉ thu hút các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

DWS Vietnam Fund có giá trị tài sản ròng hơn 314 triệu USD, tăng trưởng khoảng 4,6% trong năm qua. Quỹ này cũng như PXP, VIEL có NAV tăng mạnh nhờ nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu Vinamilk (hơn 7 triệu cổ phiếu).

Ngoài ra, DWS còn nắm giữ khoảng 7 triệu cổ phiếu FPT, hơn 8 triệu cổ phiếu HPG, 6,23 triệu cổ phiếu HSG và 3,25 triệu cổ phiếu VCB. Quỹ VOF của VinaCapital mặc dù có 14,8% NAV là cổ phiếu Vinamilk nhưng năm 2015 NAV của VOF vẫn giảm nhẹ hơn 1%. VOF hiện vẫn nắm giữ Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội.

Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) do quỹ SAM quản lý, trên website của quỹ này công bố trong năm qua NAV của quỹ tăng trưởng 3% nhưng tính theo đồng EUR, nếu quy ra USD có thể quỹ này lỗ, vì trong năm qua EUR giảm rất mạnh so với USD.

VEH nắm giữ cổ phiếu FPT, VNM, PVD, DIC và JVC, có lẽ cổ phiếu JVC là trái đắng mà VEH không muốn thử lại khi mua vào 7 triệu cổ phiếu này tại vùng giá khoảng 7.000-8.000 đồng/cổ phiếu trong khi cổ phiếu này giờ chỉ giao dịch quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Hai quỹ có NAV giảm mạnh nhất trong năm qua là FTSE Vietnam UCITS ETF (giảm 13,6%) và Market Vector Vietnam ETF (giảm 18,9%).       

Tin bài liên quan