Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK và bà Nguyệt Anh, chuyên gia QTCT của IFC phụ trách nhóm chấm QTCT tại vòng chung khảo bình chọn Báo cáo thường niên 2015

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK và bà Nguyệt Anh, chuyên gia QTCT của IFC phụ trách nhóm chấm QTCT tại vòng chung khảo bình chọn Báo cáo thường niên 2015

DN không còn ngại công bố thu nhập của HĐQT

(ĐTCK) Lương, thưởng của HĐQT, Tổng giám đốc là một thông tin quan trọng, thể hiện sự minh bạch, tính trách nhiệm của lãnh đạo DN trước cổ đông và thị trường.

Trong 8 năm thực hiện Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) - Cuộc bình chọn do Sở GDCK TP. HCM và Báo Đầu tư Chứng khoán sáng lập, được tài trợ độc quyền bởi Dragon Capital và sự hợp sức của Sở GDCK Hà Nội, IFC, ACCA, Cuộc bình chọn đã chỉ ra nhiều điểm DN Việt Nam cần cải thiện, trong đó có thông tin về lợi ích của những người có trách nhiệm nhất tại DN.

Điểm đáng mừng, theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng BCTN 2015 kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM bà Phan Thị Tường Tâm, trong BCTN năm nay, có nhiều DN đã công bố lương, thưởng của HĐQT, Ban giám đốc. DN không chỉ công bố theo tỷ lệ như một số năm gần đây (những năm đầu thực hiện Cuộc bình chọn, không có DN nào công bố khoản mục này), mà công bố lợi ích của Ban lãnh đạo bằng số tuyệt đối. Nhiều thành viên Hội đồng chia sẻ, Cuộc bình chọn năm nay mang đến niềm hạnh phúc lớn hơn cho những người thực hiện, khi được chứng kiến sự tiến bộ thực sự của nhiều DN trong nỗ lực minh bạch thông tin, tôn trọng cổ đông, quan tâm đến sự phát triển bền vững so với các năm trước.

Về lương, thưởng - điểm nhạy cảm hàng năm, nhưng năm nay không chỉ những DN đầu ngành, mà nhiều DN khác cũng sẵn sàng công bố thẳng thắn. Tại CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HCM), Hội đồng quản trị gồm 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên chuyên trách, 2 thành viên kiêm điều hành hưởng lương có mức tổng thù lao là gần 560 triệu (đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân).

Trong Báo cáo thường niên, HCM công bố cụ thể mức lương, thưởng hàng tháng của 4 thành viên là 10 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch và 2 thành viên kiêm điều hành thì hưởng lương công ty. Tương tự, Ban kiểm soát của HCM có 3 thành viên, tổng thù lao 322,66 triệu đồng trong năm 2014. BCTN của HCM cũng nêu rõ, ngoài chế độ thù lao cho thành viên HĐQT và BKS nêu trên, các thành viên HĐQT độc lập, không điều hành và BKS không nhận bất cứ khoản tiền thưởng từ Quỹ khen thưởng.

CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), một doanh nghiệp đang quay trở lại chu kỳ kinh doanh sau thời gian tái cơ cấu các khoản nợ, cũng là doanh nghiệp rất minh bạch trong vấn đề lương thưởng. Tổng thù lao HĐQT TTF năm 2014 là 592 triệu đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT là 100 triệu đồng/năm, thành viên 72 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, HĐQT không có các khoản lợi ích nào khác trong năm 2014. Ban kiểm soát của TTF gồm 3 thành viên, Trưởng ban kiểm soát hưởng thù lao 60 triệu đồng/năm, 2 thành viên hưởng 24 triệu đồng/năm. TTF cũng công bố chi tiết luôn mức lương của 7 thành viên Ban điều hành với mức lương của Tổng giám đốc là 1,2 tỷ đồng/năm, của Phó tổng là 780 triệu đồng/năm, các thành viên còn lại từ 420 triệu đồng-560 triệu đồng/năm. Ngoài mức lương như trên, Ban Điều hành không có khoản lợi ích nào khác so với CBCNV trong Công ty.

BCTN của CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) cũng đáng để các DN khác tham khảo khi trình bày rõ ràng nhiều thông tin về DN. TDH lập thành bảng biểu bao gồm cả mức lương thưởng thù lao và tỷ lệ sở hữu của từng thành viên HĐQT.

Cụ thể, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc có mức thu nhập (gồm thù lao, lương, thưởng trước thuế TNCN) 465,5 triệu đồng; 2 thành viên kiêm Phó tổng là hơn 300 triệu đồng/năm; 2 thành viên còn lại là 16,6 triệu đồng và 22,2 triệu đồng. Thu nhập của Ban tổng giám đốc, Ban kiểm soát cũng công bố tương tự, thậm chí, TDH còn công bố cả thu nhập của Kế toán trưởng với mức tổng thu nhập 296 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng công bố thông tin cụ thể về lương, thưởng của Ban lãnh đạo. Phần còn lại, các DN chọn cách công bố con số lương thưởng theo tỷ lệ lương, thưởng, thù lao trong tổng thu nhập. Trên thực tế, khi công bố điểm nhạy cảm này, DN dễ gặp phải nhiều câu hỏi chất vấn của cổ đông.

Chẳng hạn, tại CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD), có cổ đông cho rằng, lợi nhuận Công ty giảm đều nhưng HĐQT vẫn có tờ trình thù lao HĐQT cao, chiếm tới 10% lợi nhuận sau thuế, tương đương 10 tỷ đồng.

Một số ĐHCĐ khác, cổ đông phản đối hoặc chất vấn về các tờ trình thù lao, cổ phiếu thưởng ESOP khi mà mức độ đóng góp của các thành viên chưa đáng kể… Cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố cụ thể mức lương cũng có thể gây giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi đối thủ đưa ra mức lương cao hơn để mời chào nhân sự chủ chốt…

Tuy nhiên, nhìn rộng ra các DN tiên tiến, có chất lượng quản trị tốt, đa phần công bố cụ thể mức lương tương ứng với từng vị trí trong công ty. Đây là một trong các thông lệ tốt mà OECD khuyến nghị các DN đại chúng nên thực hiện để DN và cổ đông cùng đánh giá được mức độ đóng góp tương ứng của từng thành viên cho công ty.

Tin bài liên quan