DIG, QBS và khoảng hở về xử phạt

DIG, QBS và khoảng hở về xử phạt

(ĐTCK) Từng được giao dịch ở mức 146.000 đồng/CP vào năm 2009, tương đương mức giá quy đổi (tính đến các yếu tố hưởng quyền) khoảng 42.700 đồng/CP, đến nay cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) chỉ còn giá 7.500 đồng/CP. 

Điều này cũng không quá ngạc nhiên, bởi vào giai đoạn có thị giá cao, DIC Corp từng ghi nhận con số lãi tới 573 tỷ đồng trên vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm nay, Công ty lỗ gần 4 tỷ đồng trên vốn điều lệ xấp xỉ 2.317 tỷ đồng.

Là một tổng công ty lớn, DIC Corp nhận được sự quan tâm đặc biệt của thị trường. Thế nhưng, công chúng đầu tư quan tâm đến cổ phiếu DIG đã có một sự thất vọng không hề nhỏ khi họ từng ra quyết định mua vào dựa trên con số 47,5 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế “các công ty thuộc tổ hợp DIC Group” được công bố trên website của doanh nghiệp, để rồi thực tế, DIC Corp công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng lỗ gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có vẻ như DIC Corp đã không cố tình thông tin sai lệch mà nguyên nhân do cách hạch toán thường thấy của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn có nguồn gốc nhà nước.

Nhưng câu chuyện của Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) thì khác. Không thể nói QBS “vô can” trong việc mang “một nửa sự thật” đến nhà đầu tư. Từ mức giá 12.500 đồng ngày 18/7/216, cổ phiếu này có 10 phiên giảm sàn, xem giữa 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên tham chiếu. Đến ngày 5/8, QBS chỉ còn giá 6.000 đồng/CP. Theo giải trình của Ban lãnh đạo Công ty, thông tin lãi 28 tỷ đồng công ty mẹ đưa ra cuối tháng 7 trong bối cảnh cổ phiếu sụt giảm mạnh, nên có thể hiểu rằng, nó mang tính trấn an cổ đông. Nhưng, chưa rõ cổ đông “được” trấn an, hay bị tung hỏa mù, khi QBS chỉ nói một nửa sự thật, và vấn đề nghiêm trọng hơn, là khoản hạch toán dự phòng lớn hơn hẳn con số lợi nhuận công ty mẹ - lại bị lờ đi?

Vậy, công bố thông tin như thế nào được coi là chuẩn mực?

Đồng ý là doanh nghiệp nên công bố thông tin kịp thời để bảo vệ nhà đầu tư trước những diễn biến bất thường về giá. Nhưng công bố thông tin kiểu QBS, với việc lờ đi thông tin trọng yếu, thì có được coi là hành động bảo vệ nhà đầu tư?

Các chế tài về công bố thông tin đã có, nhưng sau những vụ việc như QBS hoặc nhẹ hơn là DIC Corp, có lẽ quy định như hiện nay chưa đủ, khi mới hướng đến xử phạt những thông tin sai lệch. Đã đến lúc chuẩn công bố thông tin doanh nghiệp cần được nâng lên một mức mới, không chỉ là công bố thông tin sai, mà công bố không đầy đủ dẫn đến gây hiểu lầm cho nhà đầu tư cũng cần được coi là vi phạm.

Tin bài liên quan