Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014: Đón dòng vốn lớn

Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014: Đón dòng vốn lớn

(ĐTCK) Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 đã chính thức khai mạc sáng ngày 19-6 tại TP. HCM. Hơn 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn trong đó có các quỹ đầu tư và nhà đầu tư đến từ Nhật, Mỹ và châu Âu… đã đăng ký tham dự Diễn đàn này.

15h30, sau phần trình bày của TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK, Diễn đàn bước vào phiên thảo luận buổi chiều với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?. Phiên thảo luận này do ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital điều phối.

Mở đầu phiên thảo luận, ông Andy Ho đã bắt đầu với câu hỏi cho TS. Marc Faber: Ông nghĩ trong vòng 6-7 tháng tới có nên đầu tư vào Việt Nam? 

TS. Marc Faber: Tôi có một niềm tin rất tốt với Công ty FPT, cũng như nhiều công ty khác ở Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam nếu có đi xuống cũng ít hơn các thị trường khác.

“Vậy làm thế nào để các nhà đầu tư có thể đầu tư được vào FPT?” - một nhà đầu tư nêu câu hỏi.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT: Room cho nhà đầu tư nước ngoài tại FPT đã hết, Công ty cũng đang hy vọng có một giải pháp nào đó.

Chia sẻ về hoạt động của Công ty, ông Ngọc cho biết, một phần doanh thu của FPT đến từ nước ngoài, hiện tại là 8%, sau 2 năm tới là 20% trên tổng doanh thu. Chúng tôi sẽ đi sâu vào các giải pháp công nghệ cho ngành bảo hiểm ngân hàng, bên cạnh sự tăng trưởng hữu cơ, chúng tôi cũng sẽ tăng cường M&A. Hôm qua chúng tôi đã công bố một thương vụ M&A đầu tiên ở nước ngoài. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục các thương vụ này.

Về cơ hội cho Việt Nam như thị trường mới nổi, theo ông Ngọc, ngoài nông nghiệp, Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng khác nhau. Công nghệ cũng đang được xem như thị trường mới nổi. các dịch vụ công nghệ thông tin sẽ ngày càng mở rộng thị trường đang là 1.000 tỷ đồng. Một số quốc gia phát triển họ không muốn làm ngành này và đang muốn thuê các quốc gia khác làm và Việt Nam có thể xuất khẩu các dịch vụ này cho thế giới vì chúng ta có con người có năng lực.

Một câu hỏi được đặt ra TS. Vũ Bằng: ông nghĩ sao về việc cho người nước ngoài sở hữu thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp và sở hữu bất động sản?

TS. Vũ Bằng: Chủ trương của Chính phủ  từng bước mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng đã thay đổi, hy vọng chính sách này tiếp tục có sự thay đổi.

Về những thắc mắc về thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Vũ Bằng cho rằng, thủ tục này trên TTCK rất đơn giản, chỉ cần đăng ký 1 mã số tại Trung tâm Lưu ký, sau đó có thể đầu tư tự do trên thị trường chứng khoán.

15h, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cũng có bài trình bày về thị trường chứng khoán Việt Nam và cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

TS. Vũ Bằng cho rằng, việc mở room đối với doanh nghiệp nói chung và khối ngân hàng nói riêng sẽ là động lực thúc đẩy khối ngoại rót vốn vào Việt Nam. Đồng thời, UBCK sẽ xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn, theo đó cần khuyến khích tổ chức đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn vào Việt Nam, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài chính ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư.

Tăng cường quản lý, giám sát, tăng cường tính công khai, minh bạch chế độ báo cáo, thống kê các hoạt động lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Rà soát, phân loại để nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt  Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

"Nhưng trước mắt, thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo lộ trình cam kết WTO, trong đó, đặc biệt khuyến khích các tổ chức tài chính lớn có uy tín, chuyên nghiệp tham gia sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước", ông Bằng cho biết.'

14h20, sau phần trình bày của Tổng giám đốc AFC, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital Group sẽ có bài tham luận: Việc Nam sẽ là điểm đến của dòng vốn quốc tế?

Mở đầu bài trình bày của minh, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital Group đặt câu hỏi, Việt Nam có phải là điểm đến cho dòng đầu tư mới? Câu hỏi này sau đó được chính vị CEO này trả lời sau đó bằng những dẫn chứng thực tế.

“Việt Nam đã đi qua một con đường gập gềnh năm 2010. Năm 2013 trở đi, niềm tin của nhà đầu tư đã quay trở lại. Thị trường đã tăng trưởng mạnh từ tháng 3/2014. Khi chúng tôi gặp một số nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ, họ có chút lo lắng về những vấn đề gần đây, nhưng với nhà đầu tư châu Á, họ tin rằng, đó chỉ là khó khăn trong ngắn hạn. Thời điểm nhà đầu tư Việt Nam bán ròng vì thông tin biển Đông, thì nhà các nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng. Đây là những thông tin rất thú vị. Việt Nam đã nhận được cam kết đầu tư nước ngoài cao nhất trong ASEAN. Giá trị thị trường của Việt Nam đang tăng lên dù vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi sẽ thúc đẩy sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế”, ông Don Lam nói.

13h30, Thomas Hugger mở đầu phiên thảo luận buổi chiều bằng bài thuyết trình: Tại sao là thị trường biên châu Á?

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, các thị trường biên châu Á đang được nghiên cứu và có tiềm năng đem lại lợi tức cao trong khi ít chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Các thị trường biên châu Á cũng hứa hẹn lợi tức hấp dẫn, cùng các chỉ số P/E và P/B thấp. Các thị trường biên châu Á cũng được đánh giá hấp dẫn so với các nước mới nổi ở châu Á. Thị trường chứng khoán biên châu Á đang bị định giá thấp và có khả năng bắt kịp với định giá tại các thị trường mới nổi.

Theo Thomas Hugger, ngoài những lĩnh vực đầu tư chính của AFC Frontier Fund (hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và tài chính), Quỹ cũng đang hướng đến những lĩnh vực cụ thể đang tăng trưởng mạnh tại từng quốc gia. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; dệt may ở Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Việt Nam...; du lịch ở Campuchia, Maldives, Shi Lanka; thị trường phát điện ở Lào...

Nói về lý do chọn Việt Nam để đầu tư, Thomas Hugger nói rằng, vì môi trường kinh đoanh của thị trường này đang ngày càng cải thiện. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang chảy mạnh vào sản xuất (riêng Samsung đầu tư 5 tỷ USD). Đây cũng là thị trường ổn định về chính trị. Ngoài ra, việc đẩy nhanh quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do TPP và ASEAN 2015 cũng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn. 

12h30 phiên thảo luận Kết nối đầu tư: cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam kết thúc.

Phiên thảo luận buổi chiều sẽ được tiếp nối bằng bài tham luận: Chiến lược đầu tư tại các thị trường mới nổi tại Việt Nam do Thomas Hugger, Tổng giám đốc AFC trình bày.

10h30, Diễn đàn tiếp tục sau giờ giải lao với phiên thảo luận “Kết nối đầu tư”. Phiên thảo luận này có sự tham dự trực tiếp của ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc CTCP FPT, ông Lê Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB - mã MBB), ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Gemadept (GMD). Điều phối phiên họp này là TS. Nguyễn Anh Tuấn,Tổng biên tập Báo Đầu tư.

Tại phiên thảo luận, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, trước khủng hoảng, Công ty tăng trưởng trên 20%, trong khủng hoảng, tăng trưởng của Công ty chỉ đạt 10%, nhưng vượt qua khủng hoảng, Công ty sẽ lại tăng trưởng 15%-20%.

Theo ông Ngọc, dịch vụ quản trị cao cấp, quản trị các dự án lớn của Việt Nam rất cần các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Hiện room cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết, nên ông Ngọc hy vọng sẽ được nới room.

Trong khi đó, ông Lê Hải, Phó tổng giám đốc MB - 1 trong 30 công ty vốn hóa lớn nhất sàn HOSE và được nhiều nhà đầu tư giá trị quan tâm - cho biết, MB hướng đến tập đoàn ngân hàng bảo hiểm - chứng khoán - quỹ, hoạt động xoay quanh ngân hàng tài chính. Ngân hàng mong muốn tìm kiếm đối tác hỗ trợ hoạt động công nghệ, tăng năng lực tài chính và quản trị.

Còn ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ, hoạt động của Công ty tại khu vực Đông Dương chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp với cây cao su, mía đường, cọ dầu và gần đây phát triển cả mảng bò sữa. Hoàng Anh Gia Lai đã rút khỏi bất động sản tại Việt Nam, chỉ còn đầu tư tại Myanmar.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Gemadept cho biết,  Gemadept là công ty hiếm hoi ở Việt Nam có thể đáp ứng trọn gói các dịch vụ trong lĩnh vực logistic. Về lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) hỏi ông Bình: Việt Nam có thể cạnh tranh với Singapore về dịch vụ logistic hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Bình cho biết, xét về mặt vị trí, Việt Nam có tiềm năng để trở thành trung tâm trung chuyển dịch vụ của thế giới, nhưng để tiềm năng thành hiện thực còn cần nhiều vấn đề như vốn,  đất, công nghệ thông tin và năng lực điều hành.

“Chúng ta đang cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm điều hành lớn như Hồng Kông, Singapore và Malaysia… Chúng ta còn cả một chặng đường dài mới đuổi kịp các trung tâm này”, ông Bình nói.

Một nhà đầu tư nước ngoài hỏi: Thượng Hải cũng đã đề cập đến việc phát triển logistic của châu Á, ông Bình nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Kế hoạch của Gemadept từ nay đến 2020 đảm bảo lưu thông hàng hóa tốt nhất. Đối với thị trường nói chung các công ty logistic cần khẩn trương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cảng biển. Thứ hai là hoạt động contract logistic đang nằm trong tay của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Đây là mảng hoạt động các công ty Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh bằng cách nâng cao công nghệ thông.

Một nhà đầu tư hỏi: MB có tham gia tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không? 

Ông Lê Hải: về chủ trương, MB muốn tham gia, chúng tôi ưu tiên dùng room cho các đối tác muốn gắn bó với MB trong 6 - 8 năm.

Một nhà đầu tư khác hỏi: ông Hải có thể nói rõ về việc MB muốn dùng công nghệ để mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư?

Ông Lê Hải: trong chiến lược phát triển của MB, chúng tôi đang muốn thay đổi cơ cấu về thẻ với dịch vụ chiếm cao hơn 30-40% ,thay vì 20% như hiện nay. MB đang phát triển mobie banking, đang kết hợp với Viettel xây dựng và quản trị hệ thống khách hàng. Sẽ có những sản phẩm về home banking.

Một nhà đầu tư đặt câu hỏi cho đại diện FPT: Giáo dục có vai trò như nào đối với FPT?

Ông Bùi Quang Ngọc: FPT có giấy phép đầu tư vào giáo dục từ 2006 chủ yếu nhằm vào phục vụ cho nhu cầu công nghệ thông tin của Công ty, vì sự giáo dục ở môi trường đại học có một số khác biệt so với môi trường doanh nghiệp.

8h, Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?” TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức diễn đàn chia sẻ, diễn đàn này là không gian để các chuyên gia, các nhà quản lý và các doanh nghiệp hàng đầu gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề kinh tế tài chính toàn cầu về sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi cũng như  triển vọng phát triển kinh tế và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: Lê Toàn

Hơn 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn trong đó có các quỹ đầu tư và nhà đầu tư đến từ Nhật, Mỹ và châu Âu… đã đăng ký tham dự Diễn đàn này. TS. Marc Faber-một trong những nhà đầu tư huyền thoại của thời đại với biệt danh Mr. Doom (Ngài U Ám) là một trong những diễn giả chính của Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014.

Từ năm 2010 đến nay TS. Marc Faber đã có nhiều dự báo đầu tư liên quan trực tiếp đến Việt Nam như đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, đầu tư dài hạn tốt nhất trong năm 2014 là chứng khoán Việt Nam…

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4-2014 tại Việt Nam đã có 16.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 100 nước và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ USD. Trong đó, có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam. 

 TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 phát biểu khai mạc - Ảnh: Lê Toàn

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện có trên 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và không ngừng gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp.

Liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng đã thông qua chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2015. Chương trình này đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, tham gia cổ đông chiến lược tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tại Diễn đàn ông Dũng nhấn mạnh rằng, quá trình phát triển, đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam-một nền kinh tế mới nổi- đang mở ra những cơ hội mới đối với các nhà đầu tư.

“Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế và cam kết sẽ làm hết mình để các nhà đầu tư tiếp cận với những cơ hội đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam, vì lợi ích chính đáng của cả hai bên”, ông Dũng nói.

Sau phiên khai mạc, Mr. Doom đang bắt đầu bài thuyết trình của mình với tiêu đề: Liệu chúng ta đã bước vào giai đoạn cuối của bong bóng tài sản và tín dụng toàn cầu khổng lồ chưa?

TS. Marc Faber  - Mr. Doom thuyết trình tại Diễn đàn - Ảnh: Thu Hương

Theo Mr Doom, hiện tượng bong bóng do vay mượn tiêu dùng nhiều hơn số tiền làm ra. Câu chuyện này cũng xảy ra ở Mỹ, tiêu dùng rất mạnh trong những năm 2000 dẫn đến thâm hụt thương mại. Bài học được rút ra khi chúng ta thâm hụt tài khoản khi chúng ta nhập nhiều hơn xuất. Hiện tại, hiện tượng này đã giảm ở Mỹ, nhưng lại xảy ra ở Trung Quốc. Đây cũng là điều đáng lo ngại.

Tiến sỹ Marc Faber đến Việt Nam lần đầu năm 1989, bắt đầu đầu tư vào Đà Nẵng năm 1994 với việc đầu tư vào Khách sạn Furama và sau đó đầu tư vào một loạt khách sạn khác.

Nội dung chi tiết chủ đề thảo luận: Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội cho Việt Nam sẽ được cập nhật chi tiết trên báo ĐTCK số ra ngày mai, 20/6.

Tin bài liên quan