Tâm điểm nhóm ngân hàng
Hàng loạt ngân hàng lớn như Sacombank, BIDV, Vietcombank, MBBank sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 này.
Trên thị trường đang xuất hiện nhiều đồn đoán về các vị trí “ghế nóng” tại Sacombank trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 28/4 tới. Tuy nhiên, kết quả sẽ chắc chắn phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước khi đang sở hữu 51% Sacombank và theo quy định, muốn tham gia quản trị, điều hành ngân hàng thì tổ chức, cá nhân nào cũng phải vượt qua vòng kiểm duyệt của cơ quan quản lý này.
Danh sách đề cử, ứng cử cũng như kết quả bầu cử ban lãnh đạo mới được kỳ vọng sẽ làm rõ câu chuyện ai sẽ tham gia đề án tái cấu trúc Sacombank trong năm 2017, có nhân tố mới hay tiếp tục cơ cấu từ nội bộ.
Được biết, cuối tháng 2/2017, cha con ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa đã rút khỏi Hội đồng quản trị theo lộ trình tái cơ cấu. Theo đó, số lượng thành viên Hội đồng quản trị Sacombank giảm từ 9 xuống 7 thành viên. Ngay sau đó, Sacombank “ nóng” với câu chuyện nhóm nhà đầu tư bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công gửi đề xuất phương án tái cấu trúc đến Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, Tập đoàn Nova Group có tờ trình gửi đến Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank, nhưng đã rút lui vào đầu tháng 4/2017.
Hội đồng quản trị Sacombank trong thời gian tới sẽ phải giải quyết tình trạng nợ xấu tăng cao, chiếm 5,35% tổng dư nợ, nguyên nhân chính là “gánh nặng” Ngân hàng Phương Nam sau khi sáp nhập vào Sacombank. Bên cạnh đó, bài toán cải thiện kết quả kinh doanh cũng cần lời giải khi lợi nhuận của Ngân hàng suy giảm trong 2 năm qua.
Tại Eximbank, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2017 sẽ được tổ chức ngày 21/4. Ngân hàng này cho biết, đã nhận được danh sách 3 ứng viên ứng cử vào Hội đồng quản trị và trình lên Ngân hàng Nhà nước, nhưng thông tin chi tiết chưa được tiết lộ.
Nhiều dự đoán cho rằng, ứng viên là đại diện của các nhóm cổ đông lớn từ lâu vẫn tìm cách đưa người vào Hội đồng quản trị. Thị trường kỳ vọng, nhân sự tại Eximbank sẽ sớm ổn định, các nhóm cổ đông tìm tiếng nói chung để phát triển Ngân hàng, không còn cảnh mâu thuẫn, tranh giành quyền lực như trước.
Với BIDV, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được tổ chức vào ngày 22/4, thị trường đang chờ đợi ai là tân Chủ tịch Hội đồng quản trị sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ tháng 9/2016. Hiện ông Trần Anh Tuấn, ủy viên Hội đồng quản trị đang điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị BIDV.
Được biết, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc và ông Đặng Xuân Sinh, ủy viên Hội đồng quản trị BIDV là 2 người đại diện cho phần vốn nhà nước tại Ngân hàng. Với tỷ lệ sở hữu 95% của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng tân Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV sẽ là một trong những nhân sự cấp cao hiện tại.
Đối với PGbank, cơ cấu nhân sự cấp cao có thể thay đổi sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 26/4 tới, khi được dự báo sẽ sớm sáp nhập vào ViettinBank. Trước đó, kế hoạch sáp nhập đã được ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đề cập tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh VietinBank diễn ra đầu năm 2017.
Tại Vietcombank, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 dự kiến tổ chức vào ngày 28/4. MBBank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông vào ngày 26/4. Chương trình họp dự kiến của hai ngân hàng này đều có nội dung về miễn nhiệm và bầu thay thế chức danh trong Hội đồng quản trị.
Chủ trương tái cơ cấu giai đoạn 2 của hệ thống ngân hàng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục “dọn” ngân hàng yếu kém thông qua hợp nhất, sáp nhập. Theo đó, đội ngũ nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng dự báo còn nhiều biến động và nhân sự sẽ là vấn đề nóng trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông.
Kỳ vọng nhân tố mới
Tại nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, mùa đại hội đồng cổ đông năm nay đã và đang ghi nhận những “nhân tố mới” trong hội đồng quản trị và ban lãnh đạo.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (Tân Liên Phát) đã thoái gần như toàn bộ vốn đầu tư và không còn là cổ đông lớn vào cuối tháng 3/2017.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng U&I mua vào 20% cổ phần TTF trong đợt Tân Liên Phát thoái vốn vừa qua. 10 ngày sau khi Xây dựng U&I trở thành cổ đông lớn của TTF, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Xây dựng U&I được TTF bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị TTF miễn nhiệm, bổ nhiệm lại Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng Công ty.
Ông Mai Hữu Tín hiện đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Ngân hàng Kiên Long và nổi tiếng với thương vụ “giải cứu” Giấy Sài Gòn năm 2013. Nhiều cổ đông TTF kỳ vọng, Ban lãnh đạo mới sẽ sớm đưa Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Tại Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CAV), có 3 nhân sự mới trúng cử thành viên Hội đồng quản trị tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 11/4. Trong đó, đáng chú ý là ông Nguyên Văn Tuấn - một doanh nhân trẻ tuổi đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp lớn như Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam (STG), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Đường sông Việt Nam (SWC), Tổng giám đốc Gelex (GEX).
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM). Trước khi tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông ngày 15/4, VNM đề xuất số lượng thành viên Hội đồng quản trị sẽ tăng từ 6 người lên 9 người, trong đó có 2 đại diện từ F&N, 2 đại diện từ SCIC và 5 thành viên độc lập. Trong danh sách được công bố, có 2 ứng viên mới là ông Đỗ Lê Hùng, Giám đốc kiểm toán và kiểm toán nội bộ của Big C và ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Coteccons.
Sự xuất hiện của ông Đỗ Lê Hùng không quá bất ngờ khi VNM đang thực hiện hay đổi cơ cấu quản trị hướng theo thông lệ quốc tế từ mô hình Ban kiểm soát độc lập với Hội đồng quản trị sang Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị, kinh nghiệm của ông Hùng là cần thiết với VNM và Big C là đối tác quan trọng của VNM từ lâu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Nguyễn Bá Dương gây nhiều chú ý khi VNM và Coteccons là 2 doanh nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực khác nhau. Theo ông Dương, tham gia VNM là theo đề nghị của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM.
Được biết, VNM đã và đang có động thái phát triển kênh phân phối mới, táo bạo như thương mại điện tử, hợp tác với FPT Retail. Do vậy, sự tham gia của ông Dương là nhằm tận dụng kinh nghiệm quản trị, điều hành cho VNM giai đoạn tới, hay sẽ xuất hiện một hình thức hợp tác bất ngờ giữa 2 bên là một ẩn số. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dày dạn, uy tín, tên tuổi được khẳng định, những nhân tố mới kỳ vọng đem đến “làn gió mới” trong quản trị, điều hành để VNM duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp thành công trên thị trường đều có dấu ấn đậm nét của những người lãnh đạo trong quản lý, điều hành. Sự thay đổi, tham gia của những nhân tố mới thường là bước chuẩn bị cho sự chuyển giao quyền lực, kế thừa, tìm hướng đi mới đưa công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy mạnh phát triển.