Nhiều CTCK đã và đang tính đến việc M&A là để xóa lỗ lũy kế.
Đơn cử như trường hợp của VIS và OSC, trước khi hợp nhất, OSC có vốn điều lệ 135 tỷ đồng và VIS có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cả 2 công ty này đều lỗ, thậm chí VIS còn âm hết vốn chủ sở hữu.
Sau khi hợp nhất, Công ty mới vẫn được đặt tên là VIS với số vốn điều lệ mới là 60 tỷ đồng, nhưng điều quan trọng là các khoản lỗ lũy kế trước đó của cả 2 đơn vị được xóa sạch.
Ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc CTCK Sacombank (SBS) cho biết, trong năm 2015, SBS sẽ tìm mọi biện pháp để xoá lỗ luỹ kế thông qua M&A với một CTCK khác, sau đó tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ.
Tại ĐHCĐ năm 2015, SBS cũng đã trình xin ý kiến cổ đông để thông qua kế hoạch M&A, dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2015. Hiện tại, SBS đang tìm kiếm và thực hiện các bước rất thận trọng, phù hợp với điều kiện cả hai bên, sau đó sẽ đi từng bước cụ thể.
Một thương vụ M&A khác cũng dự kiến được thực hiện trong năm 2015 là giữa CTCP Chứng khoán Hải Phòng (HPC) và CTCP Chứng khoán Á - Âu (AAS). ĐHCĐ HPC mới đây đã thông qua đề án hợp nhất giữa HPC và AAS.
Thực tế, HPC đã đặt ra mục tiêu M&A với một CTCK khác từ năm 2014 nhằm xóa khoản lỗ lũy kế, đồng thời giúp Công ty có thể tồn tại được trên thị trường, bởi theo theo đề án tái cấu trúc TTCK, những công ty yếu kém, thua lỗ lớn sẽ bị giải thể, thu hồi giấy phép. Bởi vậy, đối với HPC, với khoản lỗ lũy kế tính đến thời điểm hết năm 2014 là gần 200 tỷ thì việc hợp nhất là phương án phù hợp để xóa lỗ.
Tuy nhiên, vấn đề mà thị trường lo ngại là việc M&A với một CTCK nhỏ về quy mô, yếu về hoạt động, thậm chí bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như AAS liệu có thể giúp HPC lớn mạnh lên không, hay chỉ đạt được mục tiêu duy nhất là xóa lỗ? Tuy biết rằng việc tìm một đối tác lớn hơn, có tiềm lực tài chính tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Công ty nhưng theo đại diện HPC, rất khó để tìm một CTCK lớn hơn, bởi những CTCK tốt lại không có động lực để hợp nhất với HPC.
Từng là người tư vấn M&A cho VIS và OSC về mặt luật pháp, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cho rằng, M&A của khối CTCK sẽ là xu hướng rõ nét trong năm 2015, bởi hiện tại có rất nhiều CTCK tồn tại lay lắt, thậm chí là “chết lâm sàng”.
“Nếu chậm chân, nhiều CTCK sẽ bỏ lỡ cuộc chơi, nhất là với các công ty yếu kém, nên việc M&A nếu suôn sẻ có thể giúp các CTCK hồi sinh trở lại” ông Đức nói.
CTCP Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APS) đã “manh nha” ý tưởng M&A với một CTCK khác từ năm 2012, tuy nhiên, bản thân lãnh đạo APS cũng cho biết, việc tìm kiếm một đối tác phù hợp quả là rất khó, vì những CTCK mình mong muốn sáp nhập thì khó thuyết phục, trong khi những CTCK sẵn sàng đồng ý lại là những CTCK bằng hoặc thấp hơn mình (xét cả về mọi mặt).
Sau nhiều thời gian tìm kiếm, CTCK Sen vàng (mã cổ phiếu GLS) đã đồng ý sáp nhập với APS với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Theo đó, APS sẽ phát hành 13,5 triệu cổ phần hoán đổi cổ phần GLS, việc sáp nhập 2 CTCK cũng sẽ hoàn tất trong năm 2015.
Bên cạnh mục tiêu xóa lỗ lũy kế, một trong những động lực và quyết tâm để các CTCK thực hiện M&A là để không bị buộc xóa sổ.
Hiện Thông tư 210 vẫn đang được UBCK sửa đổi và ở nội dung bổ sung Điều 40 của Thông tư 210, trường hợp CTCK đang bị hoặc chưa khắc phục được tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và có lỗ lũy kế từ 50% vốn điều lệ trở lên, UBCK sẽ ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh của CTCK và yêu cầu công ty thực hiện thủ tục giải thể. Điều này đang khiến các CTCK nhỏ thực sự lo lắng.
Tại ĐHCĐ mới đây, CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) đã thông qua việc sáp nhập với một CTCK có tiềm năng khác để mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực tài chính của Công ty. Mục tiêu của ORS cũng như những CTCK đang có ý định M&A là muốn tìm kiếm những đối tác có lợi thế cạnh tranh, để sau khi tái cơ cấu có thể gia tăng năng lực cạnh tranh cho Công ty.
Mong muốn là như vậy và tiến hành M&A là điều cần thiết để tồn tại, song việc tìm được một đối tác đồng thuận về định hướng phát triển đang là bài toàn khó đặt ra đối với nhiều CTCK có ý định M&A.