Ngoài hàng tồn kho, tài sản cố định..., nhiều doanh nghiệp còn dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn

Ngoài hàng tồn kho, tài sản cố định..., nhiều doanh nghiệp còn dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn

Điểm mặt doanh nghiệp thế chấp vốn vay bằng cổ phiếu như HAG

(ĐTCK) Câu chuyện của “bầu Đức”, của Hoàng Anh Gia Lai đang phải chờ đợi sự trợ giúp của Chính phủ trong việc giãn các khoản nợ, chủ yếu đảm bảo bằng cổ phiếu đã cho thấy mặt trái của một vấn đề: khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn cũng là lúc những khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu có thể khiến các chủ nợ cùng… “chết điếng”.

Trên sàn, Hoàng Anh Gia Lai chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp đang có các khoản nợ thế chấp bằng tài sản là cổ phiếu của chính mình. 

Câu chuyện của Saigontel

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT) cho biết, tại ngày 31/3/2016, Saigontel đang có 1.665 tỷ đồng nợ phải trả trên tổng vốn chủ sở hữu 463,46 tỷ đồng, vốn điều lệ 740 tỷ đồng.

Trong số này, nợ vay, thuê tài chính ngắn, dài hạn là 797 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là các khoản phải trả, phải nộp dài hạn, một số khoản người mua trả tiền trước.

Trong số các khoản nợ này, ngoài một số khoản vay tín chấp, các khoản vay có tài sản đảm bảo là tài sản hình thành trong tương lai, bất động sản…, Saigontel có một số khoản vay được đảm bảo bằng cổ phiếu.

Cụ thể, khoản vay trị giá 149,029 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) theo hợp đồng ký với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank, hiện đã hợp nhất về PVCombank) ký năm 2011, có thời hạn 60 tháng, dự kiến đáo hạn cuối tháng 5/2016, được đảm bảo bằng 4,5 triệu cổ phiếu SQC của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn.

Tương tự, 2 khoản vay tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (trước kia là Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank) trị giá 78,5 tỷ đồng, thời gian đáo hạn dự kiến nửa đầu năm 2018, cũng được đảm bảo bởi 1,39 triệu cổ phiếu SQC. Trong đó, khoản vay trị giá 37 tỷ đồng được đảm bảo bằng 1,2 triệu cổ phiếu SQC, còn khoản vay 41,5 tỷ đồng được đảm bảo bằng 190.000 cổ phiếu này.

Với mức giá SQC đầu năm 2016 khoảng 80.000 đồng/CP (hầu như không có giao dịch), giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay nói trên lần lượt là 360 tỷ đồng, 96 tỷ đồng và 15,2 tỷ đồng cho các khoản vay trị giá tương ứng 149 tỷ đồng, 37 tỷ đồng và 41,5 tỷ đồng. Nhìn vào tương quan này, dường như chỉ có khoản vay trị giá 41,5 tỷ đồng tại Navibank là chưa ổn, khi giá trị tài sản đảm bảo nhỏ hơn nhiều các khoản vay.

Thế nhưng, nếu nhìn kỹ hơn vào cổ phiếu SQC và thực trạng kinh doanh của Saigontel, rủi ro cho các chủ nợ là không nhỏ. SQC bị thua lỗ 3 năm liên tiếp và doanh nghiệp bị hủy niêm yết từ ngày 19/5/2016. Trong khi đó, ngay cả khi chưa bị hủy niêm yết, cổ phiếu này cũng gần như không có giao dịch và giá trị sổ sách (theo hạch toán) mỗi cổ phiếu chỉ chưa tới 8.000 đồng.

Với giá trị sổ sách chỉ còn xấp xỉ 8.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/10 thị giá “treo” trên sàn đó, tổng giá trị các khoản cầm cố vay vốn các ngân hàng nói trên của SQC bỗng trở nên quá nhỏ bé so với số dư vay nợ mà các ngân hàng đang cho vay.

Trong khi đó, khả năng trả nợ của Saigontel là khá mơ hồ.

Lần  giở báo cáo tài chính của Công ty được biết, trong 2 năm 2014, 2015, Công ty hạch toán số lãi vay vào chi phí kinh doanh trong kỳ tương ứng là 81,449 tỷ đồng và 67,241 tỷ đồng. Thế nhưng, số tiền lãi vay mà Công ty thực trả cho các chủ nợ chỉ là 25,194 tỷ đồng cho năm 2014 và 10,344 tỷ đồng năm 2015. Một phần rất lớn lãi vay đã không được trả cho các chủ nợ.

Và đáng nói hơn, Saigontel có nhiều khoản nợ quá hạn.

Khoản vay CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng có số dư nợ gốc 50,55 tỷ đồng, lãi vay phải trả chưa thanh toán là 47,409 tỷ đồng, có thời hạn thanh toán là 31/12/2015, đến ngày 31/3/2016 vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc gia hạn thanh toán.

Khoản vay CTCP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn có số dư gốc 28,812 tỷ đồng, có thời hạn trả nợ là 31/8/2013. Khoản vay Ngân hàng Công thương Bắc Ninh trị giá 94,973 tỷ đồng có hạn thanh toán là 31/3/2016, nhưng trên báo cáo tài chính lập tại ngày này, vẫn còn treo nợ.

Trong quý I/2016, Saigontel chỉ thanh toán được 1 khoản nợ quá hạn cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với số dư gốc tại ngày 1/1/2016 là 8,63 tỷ đồng, nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, Công ty chỉ thực chi 6,454 tỷ đồng nợ gốc.

Kinh doanh èo uột, Saigontel có thể sẽ là một nỗi ám ảnh cho các chủ nợ nói chung, các chủ nợ cho vay với tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu nói riêng, khi tài sản này gần như không còn giá trị. 

Những doanh nghiệp có vay vốn thế chấp bằng cổ phiếu

Không chỉ có Saigontel, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, Nông nghiệp Quốc tế HAGL, nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đang sử dụng cổ phiếu của các ông chủ hoặc các khoản đầu tư cổ phiếu khác như một tài sản đảm bảo hiệu quả cho các khoản vay của mình.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho thấy, tại ngày 31/12/2015, Hòa Phát có 6.116,8 tỷ đồng vay nợ.

Thuyết minh báo cáo tài chính của công ty này không đề cập chi tiết đến các khoản vay cũng như tài sản đảm bảo, nhưng viết: “Tại ngày 31/12/2015, các khoản vay ngắn hạn bằng VND và các khoản vay bằng USD với giá trị ghi sổ tương ứng là 5.394.158 triệu VND và 55.508 triệu VND được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định, chi phí trả trước dài hạn của Tập đoàn và một số cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (cổ phiếu HPG) thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT của Công ty”.

Ngoài Hòa Phát, một doanh nghiệp lớn cũng có hàng nghìn tỷ đồng vay nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu là CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN). Tại ngày 31/12/2015, nhóm công ty Masan có 17.300 tỷ đồng trái phiếu được đảm bảo bằng 403 triệu cổ phiếu MSC của CTCP Hàng tiêu dùng Masan – công ty con sở hữu 77,8% vốn điều lệ. Trong quý I/2016, 1 khoản trái phiếu trị giá 2.200 tỷ đồng, được đảm bảo bởi 110 triệu cổ phiếu MSC đã được hoàn trả.

Bên cạnh đó, cùng thời điểm này, Masan cũng có khoản vay ngắn hạn 380 tỷ đồng được đảm bảo bằng 158 triệu cổ phiếu của CTCP Tài nguyên Masan; 3.700 tỷ đồng trái phiếu được đảm bảo bằng lợi ích vốn chủ của Công ty TNHH Masan Nutri-Science trong Anco và Proconco.

Không thể phủ việc dùng cổ phiếu đảm bảo cho các khoản vay của doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp có thể huy động được vốn trong bối cảnh nhu cầu vốn kinh doanh lớn. Thế nhưng, câu chuyện của HAGL, Saigontel lại cho thấy mặt trái của vấn đề là khả năng thu hồi vốn của chủ nợ khi doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh.

Khi cầm cố bằng chính cổ phiếu của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ, thì xác suất để giá cổ phiếu rơi tự do với độ mất giá quá lớn (lên tới 80% - 90% như các trường hợp trên) là rất thấp. Ngân hàng an toàn mọi bề. Thế nhưng, khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn, không có dòng tiền, không có khả năng trả nợ, giá cổ phiếu sẽ lập tức rơi sâu và đó là lúc các chủ nợ - ngân hàng phải thực hiện quyền siết tài sản đảm bảo, nhưng còn bao nhiêu nữa để thu hồi?               

Tin bài liên quan