Để vốn nhà nước thoát cảnh “mang đến lại mang về”

Để vốn nhà nước thoát cảnh “mang đến lại mang về”

(ĐTCK) Công tác bán vốn nếu được chuẩn bị chu đáo, bài bản, minh bạch sẽ dễ bán được phần vốn nhà nước với giá tốt. Ngược lại, chất lượng hàng hóa kém, không có phương án bán vốn hấp dẫn, thì rất có thể rơi vào tình cảnh “mang đến lại mang về”.

Tốt hơn nữa

Tại Diễn đàn M&A 2017 do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, thương vụ thoái 5,4% vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với giá trị 500 triệu USD của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hồi cuối năm 2016 đã được bình chọn là thương vụ tiêu biểu. Các chuyên gia đã đánh giá cao yếu tố minh bạch trong công bố thông tin của thương vụ này.

Trước đó, trong các cuộc họp tổng kết của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, 2 thương vụ thoái vốn của SCIC tại CTCP Du lịch Kim Liên và CTCP Du lịch Đồ Sơn cũng được nêu ra như những kinh nghiệm điển hình.

Cụ thể, 51,47% vốn nhà nước tại CTCP Du lịch Kim Liên đã bán được với giá  gần 1.000 tỷ đồng, gấp 9 lần giá khởi điểm. Còn đợt thoái 55,63% % vốn tại CTCP Du lịch Đồ Sơn, SCIC đã chốt được mức giá 336.600 đồng/cổ phần, cao gấp 4,7 lần mức giá khởi điểm.

Điểm chung của những thương vụ trên là có quy trình bán cổ phần chặt chẽ, thông tin về doanh nghiệp và phương án bán vốn được công bố minh bạch, rộng rãi đến các nhà đầu tư, thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông và họ có nhiều bài phản ánh, phân tích kỹ.

Người uống bia có thể sẽ 'gánh' thêm 2.000 tỷ đồng mỗi năm vì dán tem

Nhìn rộng hơn, trong 10 năm qua, SCIC đã triển khai việc bán vốn nhà nước tại 961 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 862 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 80 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 7.763 tỷ đồng, thu về 27.215 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Chia sẻ về những kinh nghiệm để triển khai các đợt bán vốn thành công, lãnh đạo SCIC cho biết, việc xây dựng quy chế, quy trình và tổ chức thực hiện công tác bán vốn luôn quán triệt và tuân thủ các nguyên tắc: Thứ nhất, bảo toàn, phát triển giá trị vốn nhà nước đã giao cho Tổng công ty; Thứ hai, đảm bảo công khai, minh bạch, gắn với thị trường và phù hợp với quy định pháp luật; Thứ ba, việc xác định giá khởi điểm khi bán cổ phần nhà nước phải đảm bảo phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trong đó bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật.

Công tác bán vốn tại doanh nghiệp của SCIC đã từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp: lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới nhà đầu tư tốt.

Điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là lựa chọn thời điểm bán phù hợp, tổ chức đấu giá công khai minh bạch hoặc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô (như tại CTCP Du lịch Kim Liên); bán cho nhà đầu tư chiến lược (như tại CTCP Giày Đông Anh).

Còn nhiều việc phải làm

Chín tháng đầu năm nay, SCIC đã bán vốn tại 28 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.522 tỷ đồng, thu về 12.428 tỷ đồng (trong đó, bao gồm cả số thoái của VNM năm 2016 với gá trị thu về 11.286 tỷ đồng).

Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Vietcombank, việc bán vốn tại các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, có lợi thế về quỹ đất lớn thường tương đối thuận lợi. Ngược lại, với các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, hoạt động bán vốn nhà nước sẽ chậm hơn do nguồn cung khó gặp đúng nhu cầu. Nhưng chính các doanh nghiệp kém hiệu quả là điểm mấu chốt để hoàn thành kế hoạch thoái vốn nhà nước trong thời gian tới.

Để thị trường có thể “tiêu hóa” được cổ phần của doanh nghiệp nhà nước kinh doanh yếu kém, thua lỗ, theo một số chuyên gia, cần loại bỏ nhiều rào cản của quá trình bán vốn. 

Thoái vốn tại Vinamilk: Cuộc chơi cho nhà đầu tư lớn và bài học “gái đẹp ế chồng“

Đại diện Công ty Chứng khoán Tân Việt chia sẻ cái khó khi bán vốn cho một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đang trong tình trạng kinh doanh khá bi bét, báo cáo tài chính không được kiểm toán. Đáng nói hơn là lãnh đạo doanh nghiệp không có sự hợp tác với đơn vị tư vấn. Mỗi khi cần, đơn vị tư vấn không có cách nào để liên hệ với vị lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ASEAN lại cho biết, ở một số doanh nghiệp mà họ tư vấn bán vốn nhà nước, do lo sợ mất ghế khi cổ đông Nhà nước thoái vốn, lãnh đạo doanh nghiệp đã không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, không muốn tiếp xúc với các nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp.

Trường hợp thoái vốn nhà nước tại CTCP Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương là ví dụ điển hình cho câu chuyện thiếu hợp tác từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Công ty này có vốn điều lệ 144 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước 24%, SCIC triển khai bán vốn từ năm 2014. Doanh nghiệp có 17 lô đất lớn trên địa bàn Bình Dương, nhưng chưa cung cấp đầy đủ thông tin về đất đai nên việc xác định giá khởi điểm gặp nhiều khó khăn.

Thực tế thoái vốn tại không ít bộ ngành vừa qua cũng cho thấy, nếu không được thực hiện bài bản đợt thoái vốn có thể có những tác động tiêu cực.

Hồi cuối tháng 8/2016, Bộ Quốc phòng đã có công văn yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội dừng tổ chức phiên đấu giá cổ phần Bộ Quốc phòng sở hữu tại CTCP Xi măng X18, để có điều kiện xác minh một số nội dung thông tin, đảm bảo sự công khai, minh bạch và không làm thất thoát vốn nhà nước.

Trước đó, đợt đấu giá cổ phần này đã thu hút 7 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hơn 6,7 triệu cổ phần với mức giá bằng giá khởi điểm 10.000 đồng, gấp 3 lần lượng chào bán.

Rất nhiều câu chuyện liên quan đến thoái vốn nhà nước đang trở thành đề tài nóng của nền kinh tế. Theo chuyên gia VietcombankSC, để thoái vốn Nhà nước thành công và hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất là phải luôn bám sát thị trường, làm sao để cung và cầu gặp nhau mà vẫn đảm bảo thu hồi vốn tốt cho Nhà nước.

“Qua trực tiếp thực hiện tư vấn bán vốn với nhiều cơ quan đại diện vốn nhà nước, chúng tôi thấy, việc xây dựng một quy trình bán vốn chi tiết, chặt chẽ, khoa học và có đội ngũ cán bộ am hiểu về tài chính thực hiện bán vốn chuyên nghiệp như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã làm là một mô hình rất hiệu quả”, vị chuyên gia đánh giá.

Đối với các cơ quan chủ quản thoái vốn, cần lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để giảm bớt những rủi ro, thiếu sót trong quá trình thoái vốn (thiếu công bố thông tin hoặc công bố không đầy đủ, xây dựng giá khởi điểm chưa phù hợp, thiếu căn cứ pháp lý…).

Khi thoái vốn đã trở thành chủ trương quan trọng, đơn vị nào triển khai không tốt có nguy cơ bị tuýt còi. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất đến ngày 30/9 tới, nếu Bộ Công thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.

Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến
năm 2020.

Cụ thể, có 5 doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn: Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang; Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển HPI; Công ty TNHH một thành viên In và phát hành biểu mẫu thống kê; Công ty TNHH một thành viên In thống kê TP.HCM.

2 doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ là: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020.

Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp xử lý theo phương thức đặc thù: CTCP Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế; CTCP dịch vụ thương mại công nghiệp; CTCP XNK Vĩnh Lợi.

4 doanh nghiệp SCIC chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 là: CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman; CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; CTCP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC.

Việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC nhằm tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Tin bài liên quan