Để nhà đầu tư không mất niềm tin

Để nhà đầu tư không mất niềm tin

(ĐTCK) Các doanh nghiệp thu tiền của nhà đầu tư từ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) rồi “làm thinh” việc đưa cổ phiếu lên sàn có ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư

Điểm đáng chú ý tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay của nhiều công ty đại chúng quy mô lớn như: Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1)…, là cổ đông chất vấn ban lãnh đạo vì sao quá chậm trễ lên sàn?

Chẳng hạn, tại ĐHCĐ mới đây của Sabeco, cổ đông đề nghị Chủ tịch HĐQT Sabeco Võ Thanh Hà cho biết, bao giờ cổ phiếu của Tổng công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, bởi qua 2 lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, chỉ thấy hứa chứ chưa thành hiện thực? Tại ĐHCĐ của Vinatex, cổ đông đề nghị Ban lãnh đạo Vinatex xây dựng kế hoạch niêm yết sớm, khi vấn đề này không được Tập đoàn đưa vào chương trình họp trình đại hội xem xét thông qua...

Cổ đông “nóng mặt” chất vấn là vậy, nhưng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đưa ra phản hồi mù mờ về thời điểm lên sàn. Đơn cử, Ban lãnh đạo Vinatex từng cam kết thực hiện niêm yết theo đúng kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ lần đầu. Thế nhưng, nội dung niêm yết tại nghị quyết ĐHCĐ lần đầu của Vinatex năm 2015 rất chung chung: 100% ý kiến biểu quyết thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu của Vinatex tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (không nêu thời điểm cụ thể).

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thu tiền của nhà đầu tư từ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) rồi “làm thinh” việc đưa cổ phiếu lên sàn có ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư, thậm chí ảnh hưởng đến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài lý do từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, còn do pháp luật chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn sau IPO.

Đòi hỏi doanh nghiệp sau IPO phải lên sàn của cổ đông là chính đáng, bởi sau khi bỏ tiền ra mua cổ phần, họ có quyền được tự do giao dịch cổ phiếu, chứ không thể bị “đóng băng” như hiện tại, do thời gian dài sau IPO, nhiều doanh nghiệp không niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đó là chưa kể việc chậm lên sàn còn khiến doanh nghiệp “né” tuân thủ các nghĩa vụ về minh bạch thông tin, gây khó khăn cho các cổ đông trong nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp và tạo ra rủi ro cho đồng vốn đầu tư của các cổ đông.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết, kiểu IPO và lên sàn bị “cắt khúc” thành hai khâu khác nhau chỉ có ở Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế thì hai khâu này là một, IPO tức là lên sàn, lên sàn để IPO.

Để nhà đầu tư không mất niềm tin vào các đợt IPO sắp tới, qua đó đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần xử lý trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, đồng thời có chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm. Theo đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm với chế tài đủ sức răn đe trong lĩnh vực chứng khoán.

Tin bài liên quan