Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ.

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ.

Để không phải trả giá khi vào thị trường Mỹ

Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường xuất khẩu số 1 đối với hàng hoá của Việt Nam. Tuy nhiên, để vào thị trường Hoa Kỳ, đã rất nhiều doanh của Việt Nam phải trả giá đắt cho việc chậm trễ khi chuẩn bị cho mình những chiến lược bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường này.

 

Chính vì vậy, nhiều luật sư Việt Nam và Hoa Kỳ khuyến cáo, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tới việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và tìm hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ tới các sản phẩm.

 

Thị trường lớn của doanh nghiệp Việt Nam

 

Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường xuất khẩu số 1 đối với hàng hoá của Việt Nam, xu hướng này càng trở nên rõ rệt hơn khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

 

Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 8 tỉ USD trong năm 2006, dự kiến 2007 đạt hơn 10 tỉ USD. Hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm vừa qua đã chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam . Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang thị trường này (không kể dầu thô) là dệt may, thuỷ sản, giày da và đồ gỗ.

 

Tính đến tháng 6 năm 2007, 4 mặt hàng này chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Trong đó, với mặt hàng dệt may, Việt Nam đứng thứ tư trong số các nhà xuất khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ (chiếm 4% thị phần nhập khẩu), thủy sản đứng thứ 6 (4,2% thị phần), đồ gỗ đứng thứ 6 và giày dép đứng thứ 2.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ mặc dù tăng mạnh nhưng vẫn bộc lộ bất cập. Ngoài dầu thô thì các mặt hàng thuỷ sản, dệt may là những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong khi đó những mặt hàng có hàm lượng chất xám cao lại chưa xuất khẩu được nhiều, thậm chí số lượng còn rất khiêm tốn.

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Traphaco, bà Vũ Thị Thuận cho biết doanh nghiệp của bà đã nhận thấy các sản phẩm sinh học, thực phẩm chức năng, dược phẩm có nguồn gốc thảo dược đang là xu hướng sử dụng của thế giới và Traphaco rất mong muốn có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường Hoa Kỳ.

 

Tuy nhiên, theo bà Thuận, cho đến nay, các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng từ thảo dược của Việt Nam vẫn chưa sang được thị trường Hoa Kỳ bởi hàng rào kỹ thuật vô cùng nghiêm ngặt quy định tại thị trường này.

 

Cần chú ý đến vấn đề thương hiệu

 

Theo các luật sư, để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ nổi tiếng nhiều vụ kiện, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần được doanh nghiệp đặc biệt lưu tâm. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các phương thức đăng ký bảo hộ ở Hoa Kỳ để bảo vệ nhãn hiệu một cách hữu hiệu, nhanh chóng và tiết kiệm.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý vận dụng quy định quốc tế để chủ động có chiến lược xâm nhập thị trường nước ngoài.

 

Khuyến cáo của ông Neil F. Greenblum, Giám đốc Công ty Luật Greenblum & Bernstein, PLC (Hoa Kỳ), đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện bảo vệ thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ.

 

Theo ông Neil F. Greenblum thì các doanh nghiệp khi vào thị trường Hoa Kỳ cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phải am hiểu Luật sáng chế Hoa Kỳ. Theo Luật này, để yêu cầu bảo hộ đối với sáng chế thì tính hữu ích của sản phẩm phải được doanh nghiệp chứng minh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chứng minh được tính mới, phát hiện lần đầu tiên của sản phẩm để yêu cầu được bảo hộ. Thời gian bảo hộ thường từ 17 đến 20 năm tính từ khi bắt đầu nộp đơn của doanh nghiệp.

 

Ông Neil F. Greenblum cũng đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp chuyên về dược phẩm, sinh học và hoá học, khi vào thị trường Hoa Kỳ, cần chú ý tới Đạo luật Hatch-Waxman.

 

Các luật sư Hoa Kỳ cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý tới thủ tục tranh tụng trước toà khi bị xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký tại nước sở tại. Theo đó, tại Hoa Kỳ, toà án cấp quận sẽ là nơi xét xử đầu tiên tất cả các vụ kiện xâm phạm sáng chế.

 

Theo ông Neil F. Greenblum, các quốc gia châu Á quan tâm và hoạt động rất nhiều trong lĩnh vực dược thảo truyền thống.  Tuy nhiên lĩnh vực dược thảo lại có sức cạnh tranh rất cao. Với sự tham gia của nhiều đối thủ cạnh tranh nên giá dược thảo rất thấp. Mặt khác hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm tại Hoa Kỳ lại không chi trả cho vấn đề liên quan đến dược thảo. Ở Hoa Kỳ người tiêu dùng có biết đến dược thảo nhưng không được phổ biến và yêu thích như các nước châu Á, thậm chí so với châu Âu.

 

Giám đốc Công ty luật Greenblum & Bernstein cho rằng cách thức tốt nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ là nên sản xuất các sản phẩm nguyên liệu trung gian để bán cho các công ty khác. “Khi sản xuất các nguyên liệu trung gian như vậy, các bạn chắc chắn sẽ không bị kiện bởi vì trong trường hợp có vi phạm sở hữu trí tuệ thì cái mà các bạn sản xuất không phải thuốc thành phẩm”, ông nói.

 

Trong trường hợp bị kiện, theo ông Neil F. Greenblum, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết nên trông chờ vào sự phối hợp của các luật gia. Chính các luật gia là người đưa ra những tư vấn phù hợp có nên tiếp tục vụ kiện hay không và tiếp tục theo hướng nào.

 

Doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị từ trước khi đưa hàng vào Hoa Kỳ các tình huống có thể bị kiện và khi bị kiện thì đối phó như thế nào. Ông Neil F.Greenblum lưu ý các doanh nghiệp: “Trước hết chúng ta nên có sự tham vấn từ các luật sư Việt Nam . Sau đó chính các luật sư Việt Nam sẽ tìm hiểu xem có nên mời cả luật sư Hoa Kỳ không, để đi đến phương án tốt nhất”.