Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, không dễ!

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, không dễ!

(ĐTCK) Triển vọng khởi sắc của ngành ngân hàng đang thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán chảy vào nhiều cổ phiếu ngành này. Nhưng, lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời với nhóm “cổ phiếu vua” một thời là không đơn giản.

Những cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền

Cổ phiếu MBB đã trở thành tâm điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng, với mức tăng tới 80% từ đầu năm tới nay. Hiện MBB đang được giao dịch quanh thị giá 22.600 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, trong tuần từ 23 - 27/10, cổ phiếu này chứng kiến lượng giao dịch rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, khối ngoại đã mua vào hơn 5,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 136 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 2,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 54 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng hơn 82 tỷ đồng cổ phiếu MBB trong tuần qua. 

Sức hút của cổ phiếu MBB với nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo đánh giá của giới đầu tư, là vì Ngân hàng tăng trưởng nhanh, bền vững và vùng giá hiện vẫn còn khá hấp dẫn so với giá trị thực của cổ phiếu.

Cổ phiếu VCB cũng gây chú ý trong một tháng trở lại đây khi tăng từ 36.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 11%. Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, đà tăng của cổ phiếu VCB bắt đầu từ khi thị trường xuất hiện tin đồn về việc một quỹ đầu tư của Singapore đang đàm phán mua cổ phần của ngân hàng này. 

Không chỉ trên sàn niêm yết, mà trên thị trường tự do, cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch sôi động hơn. Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng HDBank được giới đầu tư quan tâm và rốt ráo tìm mua trong thời gian gần đây.

Kỳ vọng sắc xanh cổ phiếu ngân hàng

Theo thông tin từ một số môi giới chứng khoán, trong vòng hơn một tháng qua, cổ phiếu này đã tăng mạnh từ mức 18.000 đồng/cổ phiếu lên 26.000 đồng/cổ phiếu và tăng hơn 73% so với mức đầu năm (khoảng 15.000 đồng cổ phiếu).

Theo một nhà đầu tư có kinh nghiệm, sở dĩ cổ phiếu HDBank được giới đầu tư săn mua là bởi Ngân hàng vừa thông báo chốt danh sách chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu 7% và chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2%. Sức hấp dẫn của HDBank còn nằm ở khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Vietjet Air (VJC). Được biết, HDBank là một trong những cổ đông sáng lập của VJC, hiện đang sở hữu 4,95% vốn VJC. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VJC đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank.

VJC, hãng hàng không giá rẻ, chi phí thấp đang có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Đây cũng là doanh nghiệp trả cổ tức rất cao trên thị trường hiện nay. Năm 2016, VJC chia cổ tức tiền mặt và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 119%.

Năm 2017, VJC tiếp tục dự kiến chia cổ tức 50%, trong đó tối đa 30% bằng tiền. Mới đây, VJC tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017 tỷ lệ 20% bằng tiền mặt cho cổ đông. Hiện cổ phiếu VJC đang giao dịch quanh mức 113.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 50% so với thời điểm niêm yết vào hồi cuối tháng 2/2017.

Chín tháng đầu năm nay, HDBank đạt kết quả kinh doanh rất tích cực. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.912 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ HDBank đạt 1.713 tỷ đồng, cao hơn 1,5 lần so với con số thực hiện cả năm 2016. Ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 khoảng 2.400 tỷ đồng, gấp gần 2 lần kế hoạch đề ra. Trong vòng 5 năm qua, quy mô tổng tài sản của HD Bank đã tăng hơn 8 lần, hiện đạt hơn 174.000 tỷ đồng.

Không dễ đầu tư

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến dòng tiền bắt đầu trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đó là, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhìn chung đã được cải thiện sau quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt, Nghị quyết số 42 của Quốc hội được kỳ vọng đã và đang đẩy nhanh quá trình giải quyết “cục máu đông” nợ xấu của ngành.

Bên cạnh đó, kinh tế đang đà tăng trưởng và liên tục cải thiện, xuất nhập khẩu tăng, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, nhu cầu vay tiêu dùng, vay sửa nhà..., các dạng vay vốn của người dân, hộ gia đình đều tăng về cuối năm.

Mặt khác, xét về nội tại của ngành, nếu như trước đây tăng trưởng tín dụng, huy động và cho vay là động lực chính cho tăng trưởng của các ngân hàng thì gần đây, với xu thế phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tài chính, các hoạt động dịch vụ phi tín dụng cũng ngày càng đóng góp vào tăng trưởng của khối ngân hàng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của toàn khối ngân hàng đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ.

Tại một hội thảo kinh tế mới đây, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HD Bank nêu quan điểm, các ngân hàng đã thấm thía bài học về tăng trưởng tín dụng nóng giai đoạn trước nên càng ngày càng chú trọng đến chất lượng cấp tín dụng. Điều này củng cố đà phát triển mang tính bền vững hơn của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Tuy vậy, cơ hội tăng khó trải đều với các cổ phiếu ngành ngân hàng. Có thể thấy, đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng kể trên hầu như đều xuất phát từ những “câu chuyện riêng”. So với nhiều cổ phiếu nhóm ngành khác như chứng khoán, năng lượng, năng lượng, thép…, đà tăng của nhóm này cũng không nổi trội, thậm chí thấp hơn.

“Dòng tiền có quay lại nhóm này, nhưng chỉ vào một số mã, chẳng hạn như VCB, MBB, ACB  tăng, nhưng STB lại giảm. Với các cổ phiếu mới lên sàn, cũng có mã tăng như VPB, nhưng có mã giảm như LPB”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, cơ hội đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có, nhưng nhà đầu tư cần phải thận trọng xem xét dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là phân tích các yếu tố cơ bản của cổ phiếu, triển vọng lợi nhuận của ngân hàng đó.

Tin bài liên quan