Đào tạo chứng khoán, học còn vênh với hành

Đào tạo chứng khoán, học còn vênh với hành

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Đào tạo thị trường vốn tiểu vùng sông Mê Kông (GMS CMEF 2015) đang diễn ra, các chuyên trong nước và quốc tế cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực chứng khoán, cần có cơ chế hợp tác để học bớt vênh với hành.

Phân vai nhưng đừng tạo “lỗ hổng”         

Phân vai giữa các cơ sở đào tạo, CTCK, công ty quản lý quỹ trong đào tạo người hành nghề và công chúng đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị này, thì sẽ tạo ra “lỗ hổng” trong hoạt động đào tạo, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không cao.

Các chuyên gia cảnh báo tại Diễn đàn GMS CMEF 2015 do Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) tổ chức. Ngoài nước chủ nhà Việt Nam với đại diện HNX, HOSE, các CTCK tham dự…, Diễn đàn còn thu hút sự tham gia của đại diện các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Thái Lan, Lào, Campuchia.

“Tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới, nhưng nội dung và phương pháp đào tạo các sinh viên chuyên ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán của các trường đại học hiện vẫn thiên về lý thuyết, thiếu thực hành. Điều này khiến sinh viên sau khi tốt nghiệp có ít kỹ năng làm việc, nên các CTCK phải đào tạo lại thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect nhìn nhận.

Phản hồi từ các trường đại học cho thấy, không phải họ không biết thực trạng học còn vênh với hành. Đại diện Học viện Ngân hàng đặt câu hỏi, để khắc phục tình trạng này, các trường đại học có nên tăng cường đào tạo chuyên sâu, tăng thời lượng đào tạo thực hành hay không? Có nên phân vai như hiện tại trong hoạt động đào tạo giữa các trường đại học, SRTC, các đơn vị sử dụng nhân sự như CTCK, công ty quản lý quỹ?

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hiện là cố vấn cao cấp cho SRTC, từ kinh nghiệm quốc tế, cũng như trực tiếp làm việc với các chuyên gia nước ngoài, sự phân vai trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chứng khoán là cần thiết.

“Nếu các trường đại học quá đi sâu vào hoạt động đào tạo nhân lực cho lĩnh vực chứng khoán sẽ không phù hợp. Dù rất cố gắng nhưng vẫn sẽ có độ vênh so với nhu cầu sử dụng. Do đó, các trường đại học chỉ nên đào tạo kiến thức nền tảng, còn đào tạo chuyên sâu nên có sự phối hợp với các CTCK, công ty quản lý quỹ. SRTC thực hiện nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người hành nghề chứng khoán”, ông Hùng nói và lưu ý, điều quan trọng là các trường đại học, SRTC, các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực chứng khoán cần phối hợp chặt chẽ trong thiết kế các chương trình, tổ chức đào tạo để tận dụng thế mạnh của nhau, đồng thời nâng cao được chất lượng đào tạo.

Từ kinh nghiệm đào tạo của một TTCK phát triển hơn trong khu vực, TS. Krisada Sektrakul, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thị trường, Sở GDCK Thái Lan (SET) chia sẻ, mô hình đào tạo mới đang áp dụng tại Thái Lan nhấn vào 3 trụ cột: phát triển nội dung đào tạo, đổi mới hệ thống hạ tầng cũng như thi sát hạch, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực chứng khoán. Điểm mấu chốt của mô hình này là ngày càng tăng cường sự phối hợp, gắn kết các chương trình, cách thức đào tạo giữa SET, các trường đại học và CTCK.

“SET đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo với hơn 20 trường đại học ở Thái Lan. Chúng tôi mở ra nhiều dự án đào tạo thông qua cơ chế hợp tác này như: tham gia soạn thảo giáo trình, thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng các phòng thực hành… Đặc biệt, gần đây chúng tôi mở ra các trung tâm hỗ trợ các trường đại học triển khai hoạt động đào tạo tại 7 tỉnh trên cả nước. Chúng tôi mời các nhà môi giới uy tín tới giảng dạy, nói chuyện với sinh viên - người hành nghề trong tương lai, đồng thời là NĐT tiềm năng. Qua đó, giúp sinh viên gắn kết học lý thuyết với thực hành”, ông Krisada Sektrakul nói. 

Nên “làm mới” chương trình đào tạo

TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên nhu cầu về nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ông Giang cho rằng, SRTC cần làm mới chương trình đào tạo, thi sát hạch.

“Thay vì phải tham gia các khóa học tập trung kéo dài tại SRTC nếu muốn tham gia thi và lấy chứng chỉ theo quy định của UBCK, SRTC nên đổi mới cách thức đào tạo theo thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù và nhu cầu của người hành nghề chứng khoán. Vì tính chất công việc, họ rất khó thu xếp thời gian để theo học tập trung các khóa học kéo dài tại SRTC. Do đó, SRTC nên thiết kế thêm các khóa học từ xa, học trực tuyến, đồng thời tổ chức thi trực tuyến, để tiết kiệm thời gian và tạo sự thuận lợi cho người học”, ông Giang khuyến nghị.

Từ những ý kiến trao đổi của các chuyên gia trong và ngoài nước, Phó chủ tịch UBCK Phạm Hồng Sơn cho rằng, GMS - CMEF 2015 tạo cơ hội hợp tác song phương cũng như đa phương giữa các thành viên thị trường vốn khu vực GMS, các CTCK, trường đại học và học viện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ TTCK, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thị trường khu vực, hướng tới hội nhập thị trường vốn ASEAN và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. 

Diễn đàn GMS - CMEF là nơi để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm

Đào tạo chứng khoán, học còn vênh với hành ảnh 1

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

Diễn đàn GMS - CMEF 2015 có chủ đề “Hợp tác đa phương thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên thị trường vốn khu vực GMS”, tập trung thảo luận 3 nội dung: thực trạng hoạt động đào tạo và kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo đối với người hành nghề chứng khoán; thực trạng đào tạo công chúng đầu tư; tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính.

Bên lề Diễn đàn, nhóm Ủy ban Công tác dự án đào tạo người hành nghề chứng khoán (GMS PEWC) họp bàn về các vấn đề cấp phép hành nghề tư vấn đầu tư chứng khoán của các Sở GDCK, chiến lược phát triển nguồn nhân lực hành nghề chứng khoán cho thị trường trong khu vực.

Diễn đàn GMS CMEF là sáng kiến của SET khởi xướng từ năm 2013 và được SET duy trì tổ chức hàng năm để các cơ quan quản lý, các Sở GDCK, các trường và học viện đào tạo chứng khoán khu vực GMS chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo công chúng đầu tư và quản lý hành nghề chứng khoán.


Cần thành lập Hội đồng đào tạo GMS - CMEF

Đào tạo chứng khoán, học còn vênh với hành ảnh 2

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán

Để thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương trong Diễn đàn GMS - CMEF, SRTC đề nghị thành lập Hội đồng chung chịu trách nhiệm về công tác đào tạo người hành nghề trên thị trường vốn của các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Hội đồng bao gồm các thành viên đến từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông, bầu ra Chủ tịch Hội đồng và Ban thư ký thường trực, xây dựng cơ chế làm việc của Hội đồng.

Hội đồng có trách nhiệm rà soát nội dung chương trình đào tạo, rà soát các loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán của các nước nhằm tìm kiếm điểm chung, trên cơ sở đó đưa ra chuẩn mực chung trong chương trình đào tạo, chứng chỉ hành nghề, tiến tới sự công nhận chung trong các nước.

Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi giảng viên trong GMS - CMEF thông qua các chuyến khảo sát, học tập, nghiên cứu, đào tạo nhằm tạo ra đội ngũ các chuyên gia theo từng nội dung, lĩnh vực được Hội đồng thừa nhận, qua đó hỗ trợ đào tạo cho các nước thành viên. Ngoài chú trọng chuyển giao công nghệ đào tạo giữa các nước thành viên, cũng cần tính đến lập dự án hỗ trợ kinh phí cho triển khai các chương trình đào tạo


Nên tổ chức các lớp đào tạo theo đợt cho từng CTCK

Đào tạo chứng khoán, học còn vênh với hành ảnh 3

Ông Trần Hải Hà,Tổng giám đốc CTCK MB (MBS)

MBS luôn quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ nhân sự. Công ty hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, nhân viên tham gia các khóa học để thi lấy chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đào tạo đội ngũ nhân sự, MBS triển khai nhiều chương trình, khóa học cho khách hàng, cung cấp cho NĐT khả năng tư duy hệ thống và tự xây dựng hệ thống phân tích đầu tư, cũng như cung cấp các kỹ năng cơ bản trong việc phân tích đầu tư. Sau mỗi khóa đào tạo, NĐT được cấp Giấy chứng nhận tham gia chương trình của MBS.

Trong thời gian tới, SRTC nên trao đổi, mở rộng phối hợp với các thành viên thị trường để tổ chức các lớp đào tạo theo đợt cho từng công ty, giúp các thành viên chủ động hơn trong việc bổ sung chứng chỉ chuyên môn và chứng chỉ hành nghề cho số lượng lớn cán bộ cùng lúc. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động, công tác đào tạo, phổ biến kiến thức về thị trường này cần được đẩy mạnh.


Nên có sự công nhận chứng chỉ hành nghề giữa các nước


Đào tạo chứng khoán, học còn vênh với hành ảnh 4

Ông Phan Anh Vũ, Phó tổng giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS)

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu hàng đầu đối với mỗi CTCK, bản thân VCBS cũng rất chú trọng đến vấn đề đào tạo cũng như nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên. Nhưng nhìn rộng hơn, tôi cho rằng, cần có lộ trình cho các CTCK hòa nhập với xu hướng hội nhập quốc tế, với sự công nhận chứng chỉ hành nghề chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

VCBS đề xuất, UBCK và SRTC tiếp tục phối hợp với các CTCK xây dựng và tổ chức thêm nhiều chương trình đào tạo dành riêng cho từng vị trí chức danh, từng vị trí chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức chuyên môn.

Bên cạnh đó, có thể kết hợp với các trường đại học chuyên ngành tài chính để đưa chứng khoán vào các môn học, bao gồm cả lý thuyết và thực hành tại các CTCK, kết hợp với việc cấp chứng chỉ của SRTC với một số trường.

Kết thúc khóa học, có thể tổ chức các cuộc thi, trắc nghiệm có phần thưởng là các vị trí thực tập và làm việc tại các CTCK liên kết để nâng cao nhận thức và mức độ phổ cập về chứng khoán đối với sinh viên khối kinh tế, tài chính. Ngoài ra, có thể đào tạo cán bộ thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật
Tin bài liên quan