Để đầu tư dự án Đạm Cà Mau, DPM sẽ phải huy động 11.000 tỷ đồng.

Để đầu tư dự án Đạm Cà Mau, DPM sẽ phải huy động 11.000 tỷ đồng.

Đạm Phú Mỹ: Chọn dự án hay chọn đối thủ?

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM), 67,75% số phiếu có quyền biểu quyết về việc DPM mua lại dự án Nhà máy Đạm Cà Mau từ cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, nắm giữ 63% vốn tại DPM) đã không thông qua (PetroVietnam không được phép bỏ phiếu về vấn đề này). Ông Nguyễn Ngọc Sự, đại diện lãnh đạo PetroVietnam cho rằng, có lẽ cổ đông không được ban lãnh đạo DPM cung cấp đầy đủ thông tin nên mới từ chối một dự án như vậy.

Ông Sự cho biết, Đạm Cà Mau là một dự án đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao cho DPM trong dài hạn. Dự án Đạm Cà Mau được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong 5 năm đầu, thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu có hoạt động sản xuất - kinh doanh, miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, miễn thuế thuê đất trọn đời dự án.

Theo ông Sự, đây là thời điểm thuận lợi để đầu tư. Nếu hai ba năm nữa đầu tư một dự án tương đương thì phải mất 1,5 - 2 tỷ USD, chứ không phải 900 triệu USD như hiện nay.

“Trong nội bộ PetroVietnam có ý kiến cho rằng, nên lập một công ty riêng để đầu tư dự án, sau đó bán bớt cổ phần ra thị trường, PetroVietnam sẽ thu về nhiều hơn. Nhưng DPM là một công ty con của PetroVietnam nên được ưu tiên chuyển giao dự án để tập trung đầu tư một lĩnh vực. Đặc biệt, PetroVietnam đầu tư bao nhiêu thì ‘chuyển giao’ bằng giá cho DPM. Nếu DPM không thông qua dự án này thì PetroVietnam vẫn phải triển khai, vì đây là dự án trọng điểm”, ông Sự nói.

Theo chủ ý của lãnh đạo DPM thì DPM sẽ gửi thông tin đầy đủ đến các cổ đông để cổ đông quyết định có đầu tư dự án Đạm Cà Mau hay không. Nhưng các cổ đông nhỏ tham gia ĐHCĐ lại tỏ ra tự tin với những đánh giá của mình về dự án. Thực tế, các cổ đông nhỏ còn ngồi lại đến hết buổi ĐHCĐ của DPM (đến 3 giờ chiều) chủ yếu là những người đại diện cho NĐT chuyên nghiệp (quỹ đầu tư, CTCK), chứ không phải đối tượng “cổ đông gật”.

Các cổ đông này cho biết, tính toán những con số cơ bản thì họ lo ngại về hiệu quả của dự án. Ông Khổng Văn Minh, Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Jaccar nhận xét, công suất thiết kế của hai nhà máy gần như tương đương, nhưng vốn đầu tư của Đạm Cà Mau (800.000 tấn/năm) lên tới 900 triệu USD, cao gấp 2,4 lần vốn đầu tư Đạm Phú Mỹ chỉ có 390 triệu USD, công suất 740.000 tấn/năm. “Một dự án có vốn đầu tư cao như thế sẽ không hấp dẫn NĐT, đó là chưa tính đến việc trượt giá đồng tiền”, ông Minh nói.

Đại diện một CTCK cho rằng, để đầu tư dự án Đạm Cà Mau, DPM sẽ phải huy động 11.000 tỷ đồng. Các chỉ số tài chính của DPM sẽ trở nên kém hấp dẫn khi tổng vốn đầu tư gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

“Một dự án nhiều rủi ro”, một NĐT nước ngoài thốt lên khi được biết nguồn vốn tự có của DPM chỉ đáp ứng được khoảng 30% vốn đầu tư dự án Đạm Cà Mau, 70% còn lại là vốn vay. Chỉ tính lãi suất vay USD thấp nhất là 3 - 4%/năm thì mỗi năm DPM phải trả lãi khoảng 415 tỷ đồng.

Một NĐT khác thì cho rằng, các chỉ số IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ), NPV (giá trị hiện tại ròng), thời gian hoàn vốn mà ban điều hành dự án công bố cho các NĐT không thực sự hấp dẫn. Thời gian hoàn vốn lên tới 10,5 năm, IRR 14,06% khá thấp so với chi phí cơ hội sử dụng vốn đầu tư vào các dự án khác. Còn NPV của dự án là 248,8 triệu USD, ban điều hành dự án cần cung cấp nhiều số liệu chi tiết để chứng minh rõ ràng.

“Với một dự án 900 triệu USD, cần có nhiều số liệu để thuyết phục NĐT hơn”, cổ đông DPM là chuyên viên tư vấn đầu tư của một ngân hàng lớn của Mỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam nói.

Với công suất 800.000 tấn urê/năm, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ vượt công suất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ (740.000 tấn urê/năm). Nếu cả hai nhà máy chạy hết công suất thiết kế thì mỗi năm sản xuất 1.540.000 tấn urê, đưa DPM trở thành DN đứng đầu cả nước và thuộc hàng đầu trong khu vực về sản xuất phân bón, hóa chất. Khi đó, DPM phải tính đến xuất khẩu đạm (Báo cáo thường niên năm 2008 của DPM đánh giá: “Triển vọng kinh doanh mặt hàng phân đạm nội địa sau năm 2010 sẽ khó khăn hơn do cung lớn hơn cầu”).

DPM sẽ có thêm một dự án mới hay sẽ có thêm một đối thủ cạnh tranh sau vài năm nữa nếu các cổ đông nhỏ kiên quyết không thông qua dự án Đạm Cà Mau, buộc PetroVietnam phải lập một công ty con để thực hiện dự án này? Câu hỏi còn đang để ngỏ.

Thông tin tóm lược dự án

Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau có diện tích sử dụng 62 héc-ta, cùng với Nhà máy Khí và Nhà máy Điện tạo thành một cụm liên hoàn Khí - Điện - Đạm, đặt ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Công suất thiết kế 800.000 tấn phân urê/năm.

Theo lộ trình tăng giá khí, giá bán khí cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ tương đương giá bán khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau (5,03 USD/triệu BTU) ở thời điểm Đạm Cà Mau đi vào hoạt động.

Nhà máy Đạm Cà Mau đang thực hiện hợp đồng EPC ký từ tháng 7/2008, thời gian thực hiện hợp đồng 43 tháng, dự kiến tháng 1/2012 sẽ hoàn thành. Đến hết tháng 12/2008, Đạm Cà Mau đã tạm ứng và thanh toán 69.447.613 USD.