Đại hội không phải để PR quá đà

Đại hội không phải để PR quá đà

(ĐTCK) Trong các góp ý cho công tác tổ chức ĐHCĐ của một DN lớn diễn ra cuối tuần qua có lời nhắn: phần trình bày về kế hoạch tăng trưởng của 2 thành viên HĐQT độc lập quá dài dòng và không phù hợp với đại hội. Đây cũng là chia sẻ chung mà nhiều cổ đông của DN cảm nhận.

Khách quan mà nói, đại hội được tổ chức chuyên nghiệp, diễn ra ở một khách sạn 5 sao tại thủ đô, lãnh đạo DN cởi mở và thẳng thắn trong trao đổi và trả lời câu hỏi của các cổ đông, DN cũng thuộc nhóm làm ăn hiệu quả nhất trên sàn, nên cổ đông cũng không có gì quá phàn nàn. Họ chỉ tiếc một điều, nếu thời gian được phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả hơn, đại hội sẽ thành công hơn rất nhiều.

Có lẽ để 2 thành viên HĐQT mới, người nước ngoài trình bày một phần về triển vọng thị trường thế giới, đang còn rất nhiều không gian cho DN tăng trưởng cũng là cách khéo léo để giới thiệu đến các cổ đông nhân sự mới cũng như cái nhìn tốt đẹp về tương lai của DN. Nhưng trong bối cảnh một phiên họp ĐHCĐ vốn một năm mới có một lần, cổ đông thường muốn nghe từ chính những người lãnh đạo sát sườn với DN hơn là nghe một chuyên gia từ một nơi xa xôi nào đó nói về những vấn đề cũng khá xa xôi.

Một tình huống có ý tốt tương tự như trên nhưng diễn ra với hình thức khác cũng gây dở khóc, dở cười cho cổ đông và cả lãnh đạo DN. Chuyện là khi được chất vấn về những gì DN đã làm được năm qua ở một dự án lớn, ông chủ tịch quá say sưa, đã kể rất nhiều, trong đó tiết lộ những thông tin ở thì tương lai của DN, vốn cũng là bí mật kinh doanh mà DN chưa muốn chia sẻ. Chẳng ai ngờ, khi những thông tin như vậy được đưa lên báo, công chúng và những nhà báo nhạy tin đã phát hiện ra, trong số những thông tin được lãnh đạo DN công bố, có những việc DN không được phép làm hoặc làm mà chưa đủ điều kiện pháp lý để thực hiện. Vậy là sau đại hội, DN lo cuống cuồng tìm cách thu lại thông tin, còn có cổ đông thì bực dọc vì trót tin lời chủ tịch công ty, đã mua thêm hoặc trì hoãn bán ra cổ phiếu.

Cung cấp thông tin đầy đủ cho cổ đông, song đừng để rơi vào những tình cảnh PR thái quá như các DN trên. Ở chiều ngược lại, có không ít lãnh đạo DN thường né tránh các câu hỏi khó, hoặc không có sự chuẩn bị để trả lời cổ đông một cách thấu đáo… Cách ứng xử phổ biến nhất là, câu hỏi A, B này chúng tôi sẽ thu thập thêm thông tin và cử người liên hệ với cổ đông để trả lời bằng văn bản. Có cổ đông của Tổng công ty Vinaconex từng bức xúc vì cách trả lời của ban lãnh đạo tại ĐHCĐ 2014 như vậy.

Dù cuộc họp ĐHCĐ ở không ít DN chỉ mang tính hình thức vì các vấn đề đã được thống nhất và định đoạt bởi các cổ đông lớn, song mỗi năm mới có một lần, cách thức tổ chức như thế nào để mọi cổ đông đều cảm thấy hài lòng và được tôn trọng lại không hề dễ dàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cuộc họp ĐHCĐ của DN thất bại, phải tổ chức 2 - 3 lần, hoặc rơi vào bế tắc, phát sinh vấn đề sau kỳ đại hội.

Tin bài liên quan