Đã đến lúc nên bán các thước đo sự sợ hãi

Đã đến lúc nên bán các thước đo sự sợ hãi

(ĐTCK) Đó là câu nói trong báo cáo dài 7 trang, viết ngày 15/2/2016, của các nhà phân tích Goldman Sachs khi khuyến nghị bán vàng thời điểm này, vì giá vàng có thể rơi từ mức 1.207 USD/ounce hiện tại xuống 1.100 USD/ounce trong 3 tháng tới. 

Tuy nhiên, báo cáo của Goldman Sachs cho rằng, rủi ro hệ thống bắt nguồn từ sự sụp đổ của giá dầu và giá hàng hóa là rất nhỏ.

Giá dầu

Đã thành một thói quen, các NĐT chứng khoán Việt Nam trước khi đi ngủ thường mở smart phone xem diễn biến chứng khoán thế giới và giá dầu, sáng tỉnh dậy xem lại giá đóng cửa nhằm đưa ra các quyết định giao dịch.

Đã đến lúc nên bán các thước đo sự sợ hãi ảnh 1

Về giá dầu, từ đầu tháng 12/2015 đến nay đã giảm từ 40 USD/thùng về mức thấp nhất là 26 USD/thùng, hiện phục hồi lên trên ngưỡng 30 USD/thùng. Giá dầu tăng trở lại sau khi Iran (nước vừa trở lại thị trường xuất khẩu dầu sau thời gian dài bị phương Tây cấm vận vì chương trình hạt nhân) ủng hộ thỏa thuận “đóng băng” sản lượng sản xuất dầu của Nga và Ả rập Xê út khi đề xuất về mức trần sản lượng.

Trước đó, giới đầu tư lo ngại, nếu Iran tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu dầu ra thị trường thì cái bắt tay của Nga và Ả rập Xê út về việc không tăng thêm sản lượng sẽ gần như không có tác dụng.

Theo báo cáo của Goldman Sachs, giá dầu cần phải ở mức thấp một thời gian đủ dài để không khuyến khích các nước có chi phí sản xuất cao ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng.

Trong một tuyên bố tại Tuần lễ Dầu Quốc tế diễn ra tại London vừa qua, chuyên gia Goldman Sachs dự báo, trong ngắn hạn, giá dầu có thể rơi xuống mức “teen” (dưới 20 USD/thùng), song tổ chức này cho rằng, giá dầu có khả năng phục hồi, nằm trong khoảng 40 - 60 USD/thùng vào cuối năm 2016.

Lịch sử cho thấy, giá dầu thường hồi phục mạnh sau khi sụt giảm trước đó, với mức hồi phục bình quân 30% trong năm 1987, 1999 và 2010 (xem Biểu đồ trên). 

Thị trường Trung Quốc

Diễn biến kinh tế, tài chính, tiền tệ của Trung Quốc cũng được các NĐT Việt theo dõi chặt chẽ và có ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định mua bán.

Theo số liệu của Uỷ ban Điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc (CBRC) vừa công bố, tới tháng 12/2015, nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng 51% so với năm trước đó, lên mức 1.270 tỷ Nhân dân tệ (196 tỷ USD). Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,67%, từ mức 1,25% năm 2014, đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2006 trong bối cảnh nền kinh tế nước này duy trì đà tăng trưởng ở mức chậm nhất trong 1/4 thập kỷ qua.

Các con số công bố gần đây cho thấy, sức khỏe của kinh tế Trung Quốc đang thực sự có vấn đề. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc 6 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm, thể hiện sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất. Dự trữ ngoại hối năm 2015 giảm 512,7 tỷ USD, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012. Cũng trong năm 2015, khoảng 841 tỷ USD đã bị rút ra khỏi TTCK Trung Quốc.

Đã đến lúc nên bán các thước đo sự sợ hãi ảnh 2

NĐT Trung Quốc hiện vẫn bán mạnh cổ phiếu và nỗi lo kinh tế nước này “hạ cánh cứng” là nỗi lo của toàn cầu. Nhà quản lý quỹ phòng hộ J. Kyle Bass, sáng lập viên của Hayman Capital có trụ sở ở Dallas (Mỹ) cảnh báo, có một “quả bom hẹn giờ” trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó, Kyle Bass đã dự đoán sai khi dự đoán sự sụp đổ của thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Hiện tại, thị trường trái phiếu Nhật vẫn đang ổn định.

Nhật Bản tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ và lần đầu tiên áp dụng lãi suất âm. Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới là Quỹ Đầu tư hưu trí Quốc gia Nhật Bản (GPIF) hiện có quy mô 1.200 tỷ USD đã hạ tỷ lệ trái phiếu trong nước nắm giữ trong danh mục từ 35% xuống còn 25%. Điều này có thể dẫn đến việc GPIF sẽ tính đến chuyện mua một lượng cổ phiếu khoảng 6.200 tỷ yen (JPY), tương đương 54 tỷ USD để phân bổ đúng tỷ trọng trong danh mục. 

Sắc màu nào cho TTCK Việt Nam 2016?

Trong tuần TTCK Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, TTCK thế giới đã có nhiều phiên rực lửa khi giá dầu có lúc giảm xuống sát 26 USD/thùng, mức thấp nhất trong 13 năm qua. Khi giá dầu phục hồi hơn 12% trong phiên thứ Sáu tuần trước (12/2), TTCK toàn cầu tăng mạnh trở lại đã khiến tâm lý NĐT trong nước trong phiên mở đầu năm Bính Thân lạc quan hơn rất nhiều, cho dù khối ngoại tiếp tục bán ròng.

Một cuộc khảo sát ý kiến NĐT của ĐTCK với 1.428 phiếu tính đến ngày 15/2/2016 cho kết quả: 52% NĐT cho rằng, thị trường sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2016; 16% cho rằng, thị trường sẽ giảm so với năm 2015; 32% cho rằng, thị trường khó đoán định. Con số 32% khó đoán định cho thấy một dòng tiền không nhỏ vẫn lưỡng lự đứng ngoài thị trường.

Đã đến lúc nên bán các thước đo sự sợ hãi ảnh 3 

Trao đổi với ĐTCK, trưởng phòng phân tích một quỹ đầu tư trong nước cho rằng, năm 2016 là một năm có nhiều ẩn số và NĐT cần đề cao thận trọng. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp, giúp cho việc nắm giữ cổ phiếu an toàn, tuy nhiên nguồn tiền không còn dồi dào nên không kỳ vọng cho sóng tăng ở mốc điểm hiện tại. Ngoài ra, diễn biến kém khả quan của thị trường thế giới và xu hướng lãi suất tăng trở lại cũng khiến dòng tiền chưa mặn mà tham gia thị trường.

Theo vị chuyên gia trên, các yếu tố hỗ trợ thị trường ở thời điểm hiện tại như nới “room”, triển vọng giao dịch trong ngày, chứng khoán phái sinh… vẫn chỉ mang yếu tố kỹ thuật. Việc thu hút dòng tiền vào thị trường sẽ phụ thuộc vào nội tại của từng doanh nghiệp nhiều hơn.

Hiện đang là mùa công bố báo cáo tài chính năm 2015, nhiều doanh nghiệp đầu ngành có kết quả kinh doanh khả quan như: Vingroup đạt 33.829 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 23% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 1.419 tỷ đồng; Vinamilk lãi sau thuế 7.770 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014; Coteccons lãi ròng 666 tỷ đồng, gấp đôi năm 2014, chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 14.770 đồng; Nhựa Bình Minh lãi ròng 500 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2014, EPS đạt 10.997 đồng…

Theo báo cáo nhận định thị trường năm 2016 của CTCK Sài Gòn, năm 2016 sẽ là năm bản lề cho đà tăng trưởng của chứng khoán. NĐT tỏ ra thận trọng trước những diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc và thế giới, lãi suất tăng trở lại và thâm hụt ngân sách là những rủi ro ngắn hạn sắp xảy ra.

Trong khi đó, những lợi ích từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đem lại có thể thấy được nhiều hơn trong giai đoạn 2016 - 2017 và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế có thể bị trì hoãn cho đến khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 hoàn thành vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, SSI Reseach cho rằng, bất cứ sự sụt giảm nào trong năm 2016 cũng sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu có nền tảng quản trị tốt, có thị phần nội địa lớn và có tiềm năng tăng trưởng trong 2 - 3 năm tới. Với cổ phiếu dầu khí, tâm lý bi quan đối với ngành dầu khí trong giai đoạn này có thể là cơ hội tốt để tích lũy những cổ phiếu hàng đầu trong ngành.

Tin bài liên quan