ThS. Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

ThS. Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

Cuộc hành trình của nhận thức, quyết tâm và sáng tạo

(ĐTCK) Sau 15 năm xây dựng và phát triển, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, Chính phủ và là kênh đầu tư được đông đảo công chúng quan tâm. Đây là kết quả của một hành trình về nhận thức, tầm nhìn, sự quyết tâm và sáng tạo của nhiều thế hệ.

Tháng 11/2003, tôi được lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) điều động làm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC).

Thời gian khá dài làm thư ký giúp việc cho ông Lê Văn Châu, Chủ tịch đầu tiên của UBCK và sau đó là thời gian làm việc tại Văn phòng UBCK đã giúp tôi rất nhiều trong tích lũy kiến thức và kinh nghiệm về tổ chức và điều hành thị trường. Tuy vậy, tôi và các đồng nghiệp tại HaSTC không khỏi băn khoăn trước một khối công việc khổng lồ và những khó khăn vô hình đang chờ đợi trước mắt.

Hai câu hỏi lớn trong đầu chúng tôi trong suốt quá trình chuẩn bị là lấy đâu ra hàng hóa để mở cửa thị trường và làm sao để có được một hệ thống công nghệ tin học phù hợp, đáp ứng được mô hình ban đầu cũng như mô hình phát triển trong tương lai của Trung tâm.

Thủ tướng Chính phủ gõ cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm Ất Mùi 2015 tại Sở GDCK Hà Nội 

Xây hệ thống công nghệ “made in Việt Nam”

Hệ thống công nghệ là xương sống trong hoạt động của bất kỳ TTCK nào, nhưng việc xây dựng và vận hành được hệ thống công nghệ không hề đơn giản, nhất là khi cả hai vấn đề cốt lõi là mô hình hoạt động và kinh phí chưa được xác định rõ ràng.

Năm 1999, Trung tâm GDCK TP. HCM (HoSTC) đã được bố trí một khoản kinh phí hàng triệu USD dành cho đầu tư công nghệ, nhưng không thể triển khai ngay được, nên UBCK đã tìm một giải pháp tương đối an toàn và thực hiện được nhanh là nhận tài trợ một hệ thống phần mềm giao dịch từ Thái Lan.

Vào thời điểm 1999 - 2000, chưa ai dám tin một đơn vị trong nước có thể cung cấp được giải pháp công nghệ cho giao dịch chứng khoán. Nhưng đến năm 2003, UBCK sau khi cân nhắc đã quyết định để HaSTC đấu thầu, tìm kiếm một đơn vị trong nước thực hiện xây dựng và triển khai hệ thống tin học. Theo tôi, đây là một quyết định cực kỳ táo bạo của UBCK, vì nó sẽ là hệ thống giao dịch chứng khoán đầu tiên do Việt Nam tự phát triển.

Quả thực, đây là vấn đề quá mới và quá khó, bắt buộc cán bộ của HaSTC phải tự nghiên cứu ra các bài toán liên quan và phối hợp cùng với nhà thầu thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Tôi còn nhớ, theo dự toán được duyệt thì HaSTC được cấp khoảng 3,4 tỷ đồng để mua phần cứng, mạng và khoảng 850 triệu đồng để phát triển hệ thống phần mềm phục vụ giao dịch cho 10 công ty chứng khoán thành viên và 40 loại chứng khoán. Đây là những chỉ tiêu cứng mà chúng tôi không thể thay đổi. 

Khó khăn đầu tiên là quyết định mô hình hệ thống. Mặc dù hồ sơ thầu đã xác định phương thức giao dịch khớp lệnh định kỳ và giao dịch thỏa thuận tương tự như hệ thống của HoSTC, nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn vì phương thức giao dịch đó dường như không phù hợp với định hướng mô hình của HaSTC và không thực sự linh hoạt cho tương lai phát triển.

Vì thế, chúng tôi đã đi đến thống nhất xin xây dựng hệ thống phần mềm theo hướng: áp dụng song song cả phương thức giao dịch thỏa thuận và phương thức khớp lệnh liên tục trong toàn bộ phiên giao dịch. Lúc đó, chúng tôi gọi phương thức giao dịch mới này là “giao dịch báo giá” cho gần gũi và dễ hiểu, thể hiện phương thức giao dịch với các lệnh giao dịch khi đã nhập vào hệ thống sẽ được khớp lệnh ngay nếu có các lệnh đối ứng trên hệ thống thỏa mãn được về mức giá giao dịch.

Đây là một thay đổi có phần hơi táo bạo, vì thay đổi tư duy tổ chức thị trường tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế sẽ làm cho công việc thiết kế, xây dựng hệ thống khó khăn hơn, mất nhiều thời gian và công sức hơn. Ở thời điểm đó, lãnh đạo UBCK, nhất là Phó Chủ tịch Vũ Bằng (nay là Chủ tịch) trực tiếp phụ trách, cũng băn khoăn nhiều lắm, nhưng cuối cùng cũng “bật đèn xanh” cho chúng tôi thực hiện.

Đơn vị xây dựng phần mềm được lựa chọn là FPT. Họ cũng hơi ngỡ ngàng khi chúng tôi đề nghị thay đổi bài toán của hệ thống giao dịch, bởi hơn ai hết họ biết rõ bài toán khớp lệnh liên tục khó hơn nhiều, trong khi họ chưa nghiên cứu thấu đáo. Hơn nữa, chúng tôi lại yêu cầu không được tăng kinh phí.

Tôi nhớ, sau mấy ngày thảo luận, anh Dương Dũng Triều, Giám đốc Trung tâm Giải pháp phần mềm (FIS) - FPT gặp tôi, nghiêm nghị nói một câu ngắn gọn: “Ok, FPT chấp nhận cùng Trung tâm GDCK Hà Nội chiến đấu vì màu cờ sắc áo”. Chúng tôi bắt tay nhau rất chặt và giữ lâu hơn so với thuờng lệ, bâng khuâng như hai người lính trước một trận chiến cam go.

Cuộc hành trình của nhận thức, quyết tâm và sáng tạo ảnh 2

Các đợt đấu giá cổ phần tại HNX thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia 

Mùa hè năm 2004 là quãng thời gian không thể nào quên đối với chúng tôi. Trước sức ép về tiết kiệm kinh phí, HaSTC buộc phải thực hiện cắt điện sau giờ làm việc và không sử dụng điều hòa. Riêng Phòng tin học được sử dụng điện đến 9 giờ tối. Các phòng phát triển phần mềm được ưu tiên sử dụng điều hòa và điện 24/24 giờ. Tuy nhiên, những chiếc máy điều hòa được tiếp nhận từ đơn vị cũ thường xuyên bị hỏng và anh em vẫn phải làm việc không kể ngày đêm dưới cái nóng hầm hập.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những căn phòng tồi tàn đầy tàn thuốc lá, những tấm lưng đẫm mồ hôi, những cặp mắt đỏ hoe và giọng nói khản đặc của anh em làm tin học sau nhiều đêm miệt mài không ngủ để xây dựng hệ thống phần mềm giao dịch. Sau khoảng gần 1 năm liên tục như thế thì hệ thống hoàn thành và bước vào quá trình chạy thử.

Cán bộ HaSTC trở thành những đại diện giao dịch tại sàn, cũng nhập lệnh, đẩy lệnh vào hệ thống, theo dõi và so sánh khớp giữa kết quả giao dịch tính bằng tay và kết quả hệ thống trả ra. Từng mảnh ghép của hệ thống đã dần được hình thành, gọt giũa và lắp ráp lại thành một thực thể hoành chỉnh, sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Gian nan tạo hàng

“Chúng tôi đang nghiên cứu”, “chúng tôi có kế hoạch niêm yết trên sàn TP. HCM”… là những câu trả lời chúng tôi thường gặp khi tiếp xúc vận động doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Chúng tôi hiểu rằng, nếu không có các biện pháp đột phá, thì phải mất rất nhiều thời gian mới có “hàng” để mở cửa thị trường. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBCK đã ủng hộ và cấp cho chúng tôi 100 triệu đồng để đi vận động doanh nghiệp. Đây là khoản kinh phí đầu tiên cấp riêng cho công tác tạo hàng nằm ngoài các khoản chi ngân sách thông thường của Ủy ban.

Chúng tôi tổ chức thành các đoàn công tác, làm việc với từng địa phương, từng tập đoàn kinh tế, tiếp cận với các doanh nghiệp để vận động, thuyết phục tham gia thị trường. Với nhiều địa phương, chúng tôi phải mời lãnh đạo UBCK tham gia tiếp cận.

Với doanh nghiệp, chúng tôi thường mời thêm công ty chứng khoán tham gia để nếu thuận lợi thì họ có thể ký hợp đồng tư vấn luôn. Giai đoạn đi “tạo hàng” cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị về nhận thức, tầm nhìn của lãnh đạo các bộ ngành và địa phương. Chúng tôi đã rất may mắn nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương như UBND TP. Hà Nội, Hải Phòng.

Lãnh đạo trực tiếp ở các địa phương này đã có những quyết sách hết sức mạnh dạn, tạo điều kiện hỗ trợ về tinh thần, vật chất cần thiết, tạo điều kiện đặc biệt để đưa các doanh nghiệp lên sàn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt Sở Tài chính Hà Nội thuyết phục các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký giao dịch trên HaSTC, đặc biệt đã ra quyết định dùng tiền ngân sách Thành phố để hỗ trợ toàn bộ chi phí tư vấn và kinh phí kiểm toán cho những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện đăng ký giao dịch.

UBND TP. Hải Phòng cũng đã ban hành một quyết định tương tự, nhưng ngoài nội dung hỗ trợ toàn bộ kinh phí về tư vấn và kiểm toán, còn ưu đãi 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong vòng 2 năm tiếp theo sau khi hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Khi thấy chúng tôi băn khoăn, ở thời điểm đó, anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng (hiện là Thứ trưởng Bộ Tài chính) quả quyết: “Chúng tôi xử lý được”. Anh còn trực tiếp gọi Giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng để giao chỉ tiêu và nhiệm vụ...

Tuy được ủng hộ như vậy, nhưng việc đưa doanh nghiệp lên sàn vẫn gặp khó khăn, do doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc chưa đủ điều kiện. Danh sách doanh nghiệp mục tiêu của chúng tôi lúc đầu tăng nhanh, rồi sau đó cứ giảm dần. Đến ngày khai trương, có 6 doanh nghiệp lên sàn. Chúng tôi an ủi nhau, kết quả như vậy không có gì đáng buồn, vì HoSTC ngày đầu mở cửa cũng chỉ có 2 doanh nghiệp, hơn nữa quá trình tạo hàng đã gợi mở cho chúng tôi nhiều giải pháp để có thể xúc tiến về sau, như gắn cổ phần hóa với niêm yết, hoặc dùng quyền biểu quyết của đại diện phần vốn Nhà nước tại ĐHCĐ.

Những dấu mốc đáng nhớ

Khoảng quý III/2004, khi chúng tôi đang ráo riết chạy thử hệ thống giao dịch để chuẩn bị cho việc khai trương Trung tâm thì nhận được lệnh chuẩn bị các điều kiện đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và phải chuẩn bị rất khẩn trương. Chúng tôi tổ chức triển khai ngay việc xây dựng các quy trình nghiệp vụ và phần mềm, nhưng thực sự lúng túng không biết các cuộc đấu giá sẽ được tổ chức tại đâu.

Rồi một buổi chiều, chúng tôi bất ngờ được tin Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng - nay là Chủ tịch Quốc hội - đến thăm HaSTC. Mặc dù đã được làm việc cùng với Bộ trưởng một số lần cùng UBCK, nhưng tôi không khỏi hồi hộp. Lãnh đạo UBCK cũng có mặt tại HaSTC để cùng đón Bộ trưởng.

Bộ trưởng đến, không đi vào phòng họp mà đi thẳng vào các phòng làm việc kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất của HaSTC. Ông dừng lại khá lâu ở sảnh lớn, nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng trước sự nhếch nhác, xuống cấp của một không gian vốn rất đẹp theo lối kiến trúc Pháp nay trở thành nơi trông giữ ôtô, xe máy (trụ sở cũ của HNX tại số 2 Phan Chu Trinh).

Trong cuộc hội ý ngắn sau đó, ông quyết định phải sửa sang lại trụ sở của HaSTC cho sạch sẽ trước khi khai trương và chỉ đạo phải thực hiện thật nhanh. Các đơn vị liên quan ở Bộ Tài chính và UBCK được huy động để giúp đỡ chúng tôi hoàn thành các thủ tục về thiết kế và tổ chức thi công.

Ông cũng cho thành lập Ban chỉ đạo khai trương HaSTC do Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm làm Trưởng ban. Mấy tháng sau đó, cứ khoảng một đến hai tuần, Bộ trưởng lại xuống kiểm tra tiến độ thực hiện một lần.

Ông xuống thường không báo trước, hay đi vào ngoài giờ làm việc hoặc vào thứ Bảy, Chủ nhật. Thời gian đó, chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ nên thường có cơ hội đón và báo cáo tiến độ công việc với ông. Sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, của Ban chỉ đạo và của UBCK đã đẩy tiến độ chuẩn bị đi rất nhanh. Đến đầu năm 2005, tất cả các phần việc từ sửa sang trụ sở, hệ thống công nghệ phục vụ cho giao dịch, đấu giá, đấu thầu và các quy trình nghiệp vụ đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Tháng 1/2005, Bộ Tài chính có quyết định ban hành Quy chế tạm thời tổ chức giao dịch chứng khoán tại HaSTC, trong đó có hai nội dung quan trọng là tổ chức đấu giá doanh nghiệp cổ phần hóa và tổ chức đăng ký giao dịch cho những doanh nghiệp chưa niêm yết. Chúng tôi đón Tết Nguyên đán năm đó trong tâm trạng khó tả, vừa phải tranh thủ các ngày nghỉ để rà soát lại lần cuối chức năng các phần mềm, vừa hồi hộp chờ đến ngày khai trương đưa HaSTC đi vào hoạt động, mà theo chúng tôi nhận thức sẽ có nhiều “giờ G”, chứ không phải một “giờ G” như thông lệ.

Ngày 8/3/2005, Lễ khai trương HaSTC được tổ chức rất trọng thể, chúng tôi vinh dự đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành đến tham dự. Ngay sau ngày khai trương, những cuộc đấu giá doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tiên qua HaSTC theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP được tổ chức cho Nhà máy Thiết bị Bưu điện (ngày 9/3/2005) và Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (ngày 11/3/2005). Từ đó trở đi, hình ảnh về các cuộc đấu giá lớn được tổ chức đồng thời ở cả hai trung tâm GDCK và được truyền hình trực tiếp bắt đầu quen thuộc với nhà đầu tư trong cả nước. Chúng tôi một mặt duy trì các hoạt động đấu giá, mặt khác tiếp tục chuẩn bị cho ngày ra đời của thị trường truyền thống.

Tôi còn nhớ gương mặt trầm tư của Chủ tịch UBCK Trần Xuân Hà - hiện là Thứ trưởng Bộ Tài chính - căn dặn tôi trước ngày mở của thị trường thứ cấp, anh nói đã mở cửa thị trường thì phải bảo đảm có giao dịch. Tôi hỏi anh kỳ vọng giá trị giao dịch mỗi phiên bao nhiêu. Anh trầm ngâm một lúc rồi nói: “Cố gắng đạt được 2 tỷ một phiên, tối thiểu cũng phải được 500 triệu”.

Hai tỷ thì tôi chưa dám mơ, nhưng 500 triệu thì chắc được, đó cũng là mức giao dịch của những ngày đầu ở HoSTC, tôi nghĩ và báo cáo với anh như vậy. Thế là ngày 14/7/2005 được chọn để mở sàn thứ cấp với 6 doanh nghiệp được đăng ký giao dịch. Với quan điểm thận trọng, lãnh đạo UBCK cho phép chúng tôi mở cửa thị trường một tuần 3 phiên và chỉ áp dụng hệ thống giao dịch thỏa thuận.

Sự đón nhận của công chúng đầu tư khá dè dặt, nhưng hoạt động giao dịch diễn ra suôn sẻ và do đó, lãnh đạo UBCK cho phép chúng tôi đưa hệ thông khớp lệnh liên tục vào hoạt động.

Sáng ngày 2/11/2005, cả HaSTC gần như nín thở. Đây là ngày đầu tiên hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán của Trung tâm chạy đầy đủ cả hệ thống giao dịch thỏa thuận và hệ thống giao dịch khớp lệnh liên tục.

Sáng hôm ấy không có lễ khai trương, chúng tôi cũng không mời lãnh đạo xuống chỉ đạo. Tất cả anh em liên quan đều tập trung ở phòng máy chủ, sàn giao dịch thứ cấp hoặc chờ đợi ở sàn đấu giá bên ngoài. Từng thao tác được thực hiện cẩn thận, vừa tận mắt nhìn vừa lo lắng, vừa động viên nhau.

Giờ G đã tới, tôi nhắm mắt lại, nghe ngóng và không thấy âm thanh gì lạ, tôi cảm nhận được thế là hệ thống đã chạy suôn sẻ. Có ai đó vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi từng cái bắt tay ấm áp. Không có tiếng vỗ tay chúc mừng, vì anh chị em vẫn chăm chú theo dõi từng biến động trên các màn hình, còn thị trường vẫn náo nhiệt với những âm thanh thường nhật.

Khi phiên giao dịch khép lại mà không có một sai sót nào, niềm vui như vỡ òa. Tôi chợt nhận ra nhiều cặp mắt đỏ hoe, không phải do làm việc thâu đêm, mà do kìm nước mắt sung sướng.

Vậy là bao nhiêu công sức nhọc nhằn của cả một đội ngũ gần 2 năm trời đã có kết quả khả quan, vì hệ thống giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam do họ dày công xây dựng đã được hiện thực hóa.

Cái ngày ấy đã cách đây 10 năm, cũng như 15 năm của TTCK Việt Nam, HaSTC đã chứng kiến biết bao thay đổi. HaSTC nay đã trở thành Sở GDCK Hà Nội (HNX) với 3 thị trường hoạt động hiệu quả. Trong đó, thị trường niêm yết mà chúng ta đã nhọc nhằn xây dựng ban đầu nay đã có trên 360 doanh nghiệp niêm yết, với tổng giá trị niêm yết đạt gần 100.000 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường cũng tăng hàng trăm lần, từ 3,7 tỷ đồng/phiên trong thời kỳ đầu, năm 2014 giá trị giao dịch bình quân đạt 807,8 tỷ đồng/phiên. 10 năm qua, HNX đã giúp các doanh nghiệp niêm yết huy động hơn 58.787 tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Đến nay, trên UPCoM có hơn 200 công ty đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 30.400 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt 38.600 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với cuối năm 2009. Thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện đáng kể, thời kỳ đầu giá trị giao dịch bình quân chỉ 4 tỷ đồng/phiên, thì năm 2014 đạt 21,9 tỷ đồng/phiên và đến tháng 6/2015 đạt 40,7 tỷ đồng/phiên.

6 năm qua, đặc biệt từ năm 2012 trở đi, đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) qua HNX đã trở thành kênh chủ đạo trong huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, góp phần huy động 654.493 tỷ đồng ngân sách.

Đến nay, tổng giá trị TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 680.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 và tương đương 18% GDP. Quy mô thị trường TPCP đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 5 năm qua, được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN + 3.

Giá trị giao dịch bình quân phiên đã tăng gấp 7,5 lần trong vòng 5 năm, từ 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 2.734 tỷ đồng/phiên trong năm 2014. Hệ thống giao dịch phiên bản 3 được HNX khai trương tháng 9/2014, kết nối với Hãng thông tin kinh tế tài chính Bloomberg, cho phép tự động hóa quy trình chuyển lệnh, nhập lệnh từ hệ thống Bloomberg về hệ thống giao dịch TPCP của HNX, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong tìm kiếm thông tin, đặt lệnh và giao dịch trái phiếu chỉ trên một màn hình HNX.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, công cụ chỉ báo trên thị trường, HNX đã đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số mới. Năm 2012, HNX ra mắt chỉ số HNX 30; cuối năm 2013, HNX đã cho ra mắt 6 chỉ số mới: chỉ số tổng hợp HNX FF Index, ba chỉ số ngành (công nghiệp, xây dựng, tài chính) và hai chỉ số quy mô (HNX Large Cap Index và HNX Mid/Small Cap Index).

Tháng 12/2014, HNX chính thức vận hành chỉ số HNX 30 – TRI là công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư của các quỹ đầu tư vào chỉ số HNX30. Ngày 29/12/2014, chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên đã chính thức giao dịch trên HNX. Đối với các sản phẩm phái sinh, HNX đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng TTCK phái sinh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.

15 năm qua, TTCK đã phát huy được hiệu quả, thực sự trở thành kênh huy động vốn của doanh nghiệp, của Chính phủ và là kênh đầu tư được đông đảo công chúng quan tâm.

Chúng tôi không còn phải mở những chiến dịch tạo hàng nữa, mà đã trở về được với công việc truyền thống của một Sở GDCK và tiếp tục hoạch định những sản phẩm mới, đề án mới cho tương lai. Những cán bộ trẻ của HaSTC thời đó nay đã trở thành những cán bộ già dặn, bản lĩnh trong công việc.

Tất cả chúng tôi đều coi những ngày gian khó chuẩn bị ra đời HaSTC là những trải nghiệm khó quên, là điểm tựa để chúng tôi vượt qua những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển sau này. Chúng tôi tin tưởng trong giai đoạn tiếp theo, TTCK Việt Nam sẽ có những bước phát triển bền vững, ấn tượng hơn, mang lại cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp, cơ hội đầu tư cho người dân và phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Tin bài liên quan