Tổng giám đốc ACBS Phạm Phú Khôi

Tổng giám đốc ACBS Phạm Phú Khôi

CTCK sẽ phải tự thân vận động tìm nguồn vốn

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) khẳng định, khi Thông tư 36/TT-NHNN có hiệu lực, để tìm nguồn vốn thay thế cho nguồn vốn vay từ các ngân hàng bị siết chặt trong vòng 2 tháng là bài toán nan giải cho các công ty chứng khoán có sử dụng vốn ngân hàng. Các CTCK sẽ phải tự thân vận động tìm nguồn vốn mới.

Theo ông, Thông tư 36/2014/TT-NHNN tác động như thế nào đến diễn biến của TTCK?

Thông tư 36/2014/TT-NHNN với những quy định mới theo hướng siết chặt hơn điều kiện cho vay đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến diễn biến của TTCK trong ngắn hạn. Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong tổng số trên 17.000 tỷ đồng dư nợ giao dịch ký quỹ, ước tính, có khoảng 50% là nguồn vốn vay từ các ngân hàng.

Việc tìm nguồn vốn cho vay NĐT, thay thế cho nguồn vốn từ các ngân hàng trong vòng 2 tháng tới (Thông tư có hiệu lực từ 1/2/2015 - PV) là bài toán nan giải đối với các CTCK có sử dụng vốn vay lớn của các ngân hàng. Đặc biệt, thời điểm tháng 12 và tháng 1 là thời điểm bất lợi, vì thanh khoản TTCK thường giảm, do các NĐT nước ngoài nghỉ lễ cuối năm. Nếu có giải chấp thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng.

Về dài hạn, tôi vẫn tin tưởng vào triết lý đầu tư cơ bản, thị trường sẽ phục hồi và sẽ phản ánh đúng giá trị thật của mỗi cổ phiếu. 

Các CTCK, nhất là những CTCK có ngân hàng hỗ trợ sẽ chịu ảnh hưởng ra sao khi bị hạn chế nguồn vốn vay?

Với những CTCK hoàn toàn dựa vào vốn của ngân hàng hỗ trợ để tài trợ cho hoạt động giao dịch ký quỹ, sẽ xảy ra 2 tình huống. Tình huống thứ nhất, ngân hàng hỗ trợ có vốn đủ lớn và không bị vượt hạn mức cho vay 5% vốn điều lệ, thì sẽ chẳng có gì xảy ra. Tình huống thứ hai, ngân hàng hỗ trợ phải giảm hạn mức cho vay, khi ấy CTCK có thể sẽ phải phải bán giải chấp cổ phiếu cầm cố vì khó có thể tìm được nguồn vốn thay thế. Tình huống này cũng sẽ xảy ra đối với mọi CTCK có sử dụng vốn ngân hàng để cho vay giao dịch ký quỹ. 

Thế còn tại ACBS thì sao, thưa ông?

ACBS sẽ không bị ảnh hưởng bởi Thông tư 36. Sau khi tái cơ cấu bảng cân đối tài sản, năm 2013, chúng tôi có 1.800 tỷ đồng tiền mặt và tài sản có thanh khoản cao, nên Công ty chưa có nhu cầu dùng đòn bẩy tài chính từ bên thứ ba. 

Hướng đi nào là phù hợp với khối CTCK trong việc tìm nguồn vốn mới, theo ông?

Khi Thông tư 36 có hiệu lực, các CTCK sẽ phải tự thân vận động trong việc tìm nguồn vốn cho chính mình. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu sẽ phát triển mạnh và chỉ có các CTCK có uy tín, hiệu quả, với dòng tiền ổn định mới có thể tiếp cận được thị trường này. 

Trên thực tế, nguồn tiền nhà đầu tư vay để đầu tư chứng khoán bao gồm cả tiền CTCK vay cho khách hàng sử dụng margin và tiền nhà đầu tư trực tiếp vay từ ngân hàng. Vậy, quy định tổng dư nợ cấp tín dụng cho khách hàng vay đầu tư, kinh doanh  cổ phiếu không được vượt mức 5% vốn điều lệ đối với các tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% được hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?

Mỗi chính sách của ngân hàng trung ương ở một đất nước đều có mục đích để quản lý, hạn chế nhất định. Cá nhân tôi nhận định, Thông tư 36 có mục tiêu chính là hạn chế các NHTM cho vay chứng khoán, để tập trung vào cho vay cá nhân và DN (phi chứng khoán) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là mục tiêu đúng đắn, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Ngoài ra, Thông tư 36 còn hướng đến mục tiêu hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, nâng cao hiệu quả vốn chủ sở hữu của ngân hàng (ROE). 

Hiện các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank... thường chủ yếu cho vay đầu tư  trái phiếu DN, còn các ngân hàng vừa và nhỏ dành nhiều khoản cho vay chứng khoán với mức lãi suất khá cao (12%/năm). Vậy, Thông tư 36 sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng?

Chính sách nào cũng có tác dụng hai mặt. Việc áp dụng Thông tư 36 sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Rõ ràng, khoản cho vay chứng khoán là nguồn thu đáng kể cho ngân hàng với rủi ro thấp (cho vay ngắn hạn; lãi suất cao, từ 12-14%/năm; thanh khoản tốt, có thể xử lý cổ phiếu bất kỳ khi nào...). Vì vậy, các ngân hàng quy mô nhỏ thường tối ưu hóa lợi nhuận/rủi ro bằng việc dành toàn bộ hạn mức cho vay chứng khoán vào cho vay cổ phiếu.

Mất đi khoản thu này, lợi nhuận của các ngân hàng vừa và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến giá cổ phiếu ngân hàng có thể giảm mạnh. Khi ấy, những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính với cổ phiếu ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan