Việc mức trả cổ tức thấp dần qua các năm chắc chắn khiến cổ đông thất vọng

Việc mức trả cổ tức thấp dần qua các năm chắc chắn khiến cổ đông thất vọng

Công ty từng chi cổ tức khủng giờ ra sao?

(ĐTCK) Trước đây, có không ít DN từng gây ấn tượng mạnh với mức trả cổ tức cao ngất ngưỡng, thậm chí trên 100%. Vậy những cái tên “vang bóng một thời” đó giờ ra sao?

Trước khi niêm yết vào tháng 1/2015, tại ĐHCĐ thường niên năm 2014, CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) đã quyết định trả cổ tức với tỷ lệ 236%, trong đó 160% bằng cổ phiếu, còn lại bằng tiền mặt. Đây có thể nói là mức cổ tức kỷ lục tại thời điểm đó.

NCT được cổ phần hóa từ năm 2005, chuyên cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không đang khai thác tại Sân bay quốc tế Nội Bài và các công ty, đại lý giao nhận hàng hóa. Trong nhiều năm, NCT có kết quả hoạt động kinh doanh rất tốt với lợi nhuận cao, cổ tức thường xuyên lên tới trên 100%. Theo đó, tỷ lệ chia cổ tức các năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 138%, 160%, 236%.

Năm 2015 - năm đầu tiên sau khi niêm yết, NCT đạt doanh thu 816 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 400,5 tỷ đồng và trả cổ tức 110%. Công ty đã tạm ứng cổ tức ở mức 100% cho các cổ đông. Theo kế hoạch, NCT sẽ đầu tư góp vốn 30 tỷ đồng vào CTCP Logistics hàng không (ALS). Đến nay, NCT đã góp 23,4 tỷ đồng, chiếm 13,55% vốn điều lệ của ALS. 

Mặc dù vẫn duy trì mức cổ tức trên 100% nhưng với việc NCT tham gia góp vốn vào một công ty hoạt động cùng ngành và dự định tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu, cổ đông Công ty đã không khỏi băn khoăn liệu có xảy ra xung đột lợi ích, cạnh tranh với ALS?

Quý I/2016, doanh thu và lợi nhuận của NCT đều giảm so cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng đạt 180 tỷ đồng, giảm so với mức 211,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 76,5 tỷ đồng, so với mức cùng kỳ năm trước là 93,6 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, CTCP Khóa Việt - Tiệp từng ghi dấu ấn với nhà đầu tư khi trả cổ tức với tỷ lệ 99,7% vào năm tài chính 2010. Công ty chuyên sản xuất khóa và một số mặt hàng kim khí tiêu dùng cao cấp, được cổ phần hóa từ năm 2005, có vốn điều lệ 53,2 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước là 39,9% do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị làm đại diện chủ sở hữu. Mỗi năm, Khóa Việt Tiệp cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu sản phẩm các loại.

Công ty không có đầu tư ngoài ngành, chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính là khóa và một số sản phẩm kim khí khác. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận có tăng trưởng về con số tuyệt đối, tuy nhiên, mức cổ tức khủng có xu hướng giảm dần. Theo đó, mức cổ tức các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 80%, 64% và 42%. 

Trong năm 2015, Công ty đạt doanh thu 838,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 55,3 tỷ đồng, chia cổ tức 50%. Theo kế hoạch, năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 912 tỷ đồng, cổ tức từ 22 - 25%.

Việc các công ty có lượng tiền lớn, chưa có kế hoạch đầu tư, tiến hành chia cổ tức khủng, như CTCP Kinh Đô (KDC) từng chia cổ tức 200% sau khi bán mảng bánh kẹo, không hẳn đã tốt. Tuy nhiên, việc cổ tức theo xu hướng đi xuống chắc chắn sẽ khiến cổ đông thất vọng, trong đó có trường hợp của CTCP Phát triển nguồn nhân lực (LOD).

Trong các năm 2009, 2010, 2011, LOD đều chia cổ tức ở mức 50% bằng cả cổ phiếu và tiền mặt, cổ đông có thể lựa chọn lĩnh một trong hai hình thức. Là công ty về xuất khẩu lao động và phát triển nguồn nhân lực, hàng năm LOD đưa khoảng 40.000 lao động ra nước ngoài và thu về khoảng 35 triệu USD. Công ty có vốn điều lệ 40,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi LOD tham gia vào thị trường bất động sản, kết quả hoạt động kinh doanh có giảm sút, vài năm qua, Công ty chia cổ tức ở mức khiêm tốn 7 – 8%. Vừa qua, LOD đã tổ chức ĐHCĐ 2016 và quyết định chi trả cổ tức ở mức 7%. Trong năm, LOD đạt doanh thu 82,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ 1,7 tỷ đồng.

Với lĩnh vực bất động sản, năm 2015, LOD đã chuyển nhượng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ LOD tại Hưng Yên cho Bộ Công An. Theo giới thiệu trên website Công ty, Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ LOD có tổng giá trị đầu tư là 300 tỷ đồng, tổng diện tích 6,2 héc ta với 10 khối nhà: tổng diện tích sàn 18.000 m2, 1 sân tập lái xe, sân thể thao và đã hoàn thành năm 2010.

Tuy nhiên, mức giá chuyển nhượng chỉ đạt 162 tỷ đồng và Công ty còn phải trả 16 tỷ đồng thuế VAT, trả tiền vay xây dựng trường 7 tỷ đồng. Hơn nữa, do thủ tục chưa hoàn tất, Công ty vẫn chưa thu được tiền.

Năm trước đó, Công ty đã chuyển nhượng Tòa nhà 38 Trần Thái Tông (Hà Nội), hiện đã thu được 100 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được đối tác trả tiếp theo thỏa thuận. Dù chuyển nhượng một số dự án lớn nhưng mức cổ tức khá thấp khiến cổ đông thất vọng. Năm 2016, Công ty chỉ đặt mục tiêu cổ tức 6 - 7%.                

Tin bài liên quan