SSI là một trong số ít DN Việt Nam gọi được dòng vốn lớn từ phát hành trái phiếu

SSI là một trong số ít DN Việt Nam gọi được dòng vốn lớn từ phát hành trái phiếu

Công ty định mức tín nhiệm mãi trên giấy, vì sao?

(ĐTCK) Trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ đầu tiên về thành lập công ty định mức tín nhiệm để cấp phép đi vào hoạt động…

Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy việc ra đời công ty định mức tín nhiệm đầu tiên ở Việt Nam đang gặp nhiều cái khó. Một thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, theo phương án hợp tác thành lập công ty định mức tín nhiệm, các thành viên của VBMA tham gia sẽ góp khoảng 70% vốn điều lệ, còn lại 30% là một đối tác của Malaysia nắm giữ. Tuy nhiên, đến nay chưa chốt được phương án cụ thể, do nhà đầu tư quan ngại nhiều rủi ro phát sinh sau khi công ty định mức tín nhiệm đi vào hoạt động.

Rủi ro thứ thất là đánh mất niềm tin. Tính tự giác tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp còn thấp tạo rủi ro rất lớn cho hoạt động của công ty định mức tín nhiệm, tương tự như vấn đề mà các công ty kiểm toán đang phải đối mặt. Việc công ty định mức tín nhiệm định hạng “nhầm” doanh nghiệp do dựa trên những thông tin ngụy tạo mà doanh nghiệp đưa ra có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Điều này đang xảy ra tương tự với nhiều công ty kiểm toán, kể cả những công ty kiểm toán uy tín, khi doanh nghiệp niêm yết “xào nấu” thông tin trên báo cáo tài chính và tinh vi đến mức kiểm toán không phát hiện được, tác động tiêu cực đến thị trường và tâm lý giới đầu tư.

Rủi ro tiếp theo mà các bên có ý định lập công ty định mức tín nhiệm quan ngại là liên quan đến xung đột, mâu thuẫn về lợi ích. Một số ngân hàng là thành viên của VBMA muốn tham gia góp vốn thành lập công ty định mức tín nhiệm. Trong khi họ là một trong những đối tượng có nhu cầu định mức tín nhiệm nhiều nhất, nên có thể dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích, không đảm bảo tính minh bạch và khách quan về kết quả định mức tín nhiệm.

Mặt khác, để có “đất sống” cho công ty định mức tín nhiệm, một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính, UBCK cần tính đến ban hành chính sách mang tính cưỡng chế tất cả các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng tổ chức phát hành phải được định hạng tín nhiệm. Nếu không có cơ chế ràng buộc này, các bên có ý muốn tham gia đầu tư xây dựng công ty định mức tín nhiệm cũng không mặn mà vì cho rằng, có nguy cơ định chế này sẽ có ít việc làm, nên đầu tư không bõ.

Bộ Tài chính, UBCK, Sở GDCK Hà Nội đang có những bước xúc tiến để sớm ban hành Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc triển khai đề án này sẽ khuyết một mảng việc không nhỏ khi công ty định mức tín nhiệm chưa được hình thành. Do đó, việc sớm ra đời tổ chức này cùng với các cơ chế ưu đãi về phí, thuế trong thời gian hoạt động ban đầu là việc cần tính trước, mới mong xây dựng và thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai gần.

Tin bài liên quan