Những bất cập, rườm rà về thủ tục trong quá trình triển khai Thông tư 210/2014 đang “gây vướng” cho các công ty chứng khoán

Những bất cập, rườm rà về thủ tục trong quá trình triển khai Thông tư 210/2014 đang “gây vướng” cho các công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán “tố” khổ với chuẩn kế toán mới

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán đang kêu khổ, bởi một báo cáo tài chính có nội dung… cốt lõi như nhau, nhưng họ phải hoàn chỉnh thành các phiên bản khác nhau khi nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Do đâu có chuyện lạ này?

Phiền toái, nhưng biết kêu ai…

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán đã thốt lên như vậy khi nói về những phiền toái mà bản thân ông và công ty đang đối mặt do áp dụng các quy định mới tại Thông tư 210/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán.

Thông tư 210/2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, theo phản ánh của các công ty chứng khoán, kể từ khi áp dụng văn bản này trong lập báo cáo tài chính (BCTC) quý I và II/2016, BCTC bán niên năm 2016, họ gặp phải những phiền toán mà trước khi áp dụng văn bản này chưa từng đối mặt.

“Trước khi áp dụng Thông tư 210/2014, khi lập BCTC, công ty chỉ cần hoàn thiện một phiên bản rồi gửi đồng thời cho UBCK, HOSE, HNX và được các đơn vị này chấp nhận. Tuy nhiên, kể từ năm nay, khi lập BCTC, công ty không thể làm như vậy, vì UBCK chấp nhận một phiên bản, trong khi HOSE và HNX đòi hỏi một phiên bản khác, mặc dù cùng trên nền một BCTC…”, kế toán trưởng một công ty chứng khoán than phiền. Sự phiền toái này khiến công ty chứng khoán phải mất thêm thời gian hoàn thiện BCTC để gửi UBCK và các Sở GDCK, trong khi nếu gửi báo cáo này chậm, thì ngoài bị nhắc nhở, cảnh cáo, các công ty chứng khoán còn đối mặt với rủi ro bị xử phạt.

Những phiền toái, rắc rối trên, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, không phải là cá biệt. Phản ánh của các công ty chứng khoán cho thấy, trước khi áp dụng Thông tư 210/2014, các BCTC quý, bán niên và cả năm chỉ là một phiên bản. Báo cáo này được gửi đồng thời đến UBCK, HOSE, HNX và đều được các tổ chức này chấp nhận. Kể từ năm nay, khi áp dụng Thông tư 210/2014 vào lập BCTC quý, các công ty chứng khoán những tưởng vẫn thực hiện như trước đây, nên họ chỉ gửi một phiên bản BCTC đồng thời tới UBCK, HOSE và HNX.

Tuy nhiên, thay vì được cả ba đơn vị này chấp nhận như trước, thì nay chỉ được UBCK chấp nhận, còn hai Sở GDCK yêu cầu CTCK phải lập và nộp phiên bản khác. Điều này khiến các công ty chứng khoán… khó hiểu, bởi không biết phải “xoay” ra sao khi cùng một loại BCTC, nhưng phải lập các phiên bản khác nhau để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý. 

Phiền toái do đâu?

Phản ánh của các công ty chứng khoán cho thấy, sở dĩ họ đối mặt với phiền toái trên là do có sự “vênh” nhau về một số nội dung giữa phiên bản Thông tư 210/2014 được công bố rộng rãi với cuốn tài liệu tập huấn triển khai văn bản này, mà Bộ Tài chính và UBCK phối hợp tổ chức. Trong cuốn tài liệu này có chỉnh sửa một nội dung (chủ yếu là thứ tự các mã số) so với phiên bản Thông tư 210/2014 được công bố. Tuy sự điều chỉnh này không nhiều, nhưng những phiền toái mà các công ty chứng khoán đang phải đối mặt không thể coi là nhỏ.

“Trong khi UBCK chấp nhận BCTC lập theo cuốn tài liệu tập huấn triển khai Thông tư 210/2014, nhưng khi các công ty chứng khoán gửi phiên bản này cho HOSE và HNX, thì cả hai sở đều không chấp nhận. Các Sở GDCK yêu cầu các công ty chứng khoán phải lập BCTC theo hướng dẫn tại Thông tư 210/2014”, vị tổng giám đốc trên bức xúc.

Rõ ràng quy định của nhà quản lý đang khiến các công ty chứng khoán cảm nhận sự rườm rà, phiền phức. Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đang hàng ngày, hàng giờ chỉ đạo rốt ráo để “dọn dẹp” các vướng mắc, bất cập về cơ chế, thủ tục hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, thì kiểu một báo cáo “chế” làm 3 phiên bản này rất cần được chấn chỉnh, loại bỏ.

Một bất ổn khác phát sinh trong quá trình áp dụng Thông tư 210/2014, đó là trong khi Luật Kế toán được Quốc hội thông qua năm 2015 lần đầu tiên cho phép áp dụng nguyên tắc hạch toán giá thị trường (giá trị hợp lý), áp dụng từ  ngày 1/1/2017, nhưng không ít công ty chứng khoán đã áp dụng nguyên tắc giá thị trường trong hạch toán một số chỉ tiêu, nhất là trong phản ánh lỗ lãi các tài sản tài chính. Chính sự không thống nhất này đã khiến cho các cổ đông, nhà đầu tư, nhà quản lý khó nhận diện và so sánh được tính xác thực bức tranh lãi, lỗ, sức khỏe tài chính của các công ty chứng khoán.

Đã đến lúc Bộ Tài chính cần lắng nghe phản hồi của các công ty chứng khoán, để sớm có hướng khắc phục những phiền toái không đáng có kể trên.  

Tin bài liên quan