Sắp tới, trách nhiệm giữa công ty chứng khoán và người hành nghề tại công ty chứng khoán sẽ được thể hiện ở cả quy định về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán

Sắp tới, trách nhiệm giữa công ty chứng khoán và người hành nghề tại công ty chứng khoán sẽ được thể hiện ở cả quy định về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán sẽ hết đường "phủi" trách nhiệm

(ĐTCK) Đáp lại đề xuất của nhà đầu tư về việc cần bổ sung quy định làm rõ hơn trách nhiệm giữa công ty chứng khoán và cá nhân hành nghề chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về hành nghề chứng khoán thay thế Quyết định 15/2008 của Bộ Tài chính.

UBCK sẽ tiếp thu

Có một tình trạng khá nhức nhối hiện nay là khi xảy ra tranh chấp với nhân viên hành nghề tại công ty chứng khoán, khách hàng yêu cầu công ty chứng khoán đứng ra giải quyết, nhưng không ít trường hợp pháp nhân “phủi” trách nhiệm bằng cách đẩy trách nhiệm hết cho cá nhân.

Để giải quyết tình trạng này, nhà đầu tư đề xuất trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về hành nghề chứng khoán thay thế Quyết định 15/2008 của Bộ Tài chính, mà UBCK đang lấy ý kiến rộng rãi, cần bổ sung quy định mới nhằm phân định rạch ròi trách nhiệm giữa công ty chứng khoán và cá nhân hành nghề tại công ty chứng khoán, thay vì dự thảo vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo UBCK cho biết, kiến nghị trên của nhà đầu tư là hợp lý, nên UBCK sẽ nghiên cứu, tiếp thu để đưa ra quy định mới theo hướng phân định trách nhiệm rạch ròi giữa công ty chứng khoán và cá nhân hành nghề tại công ty chứng khoán. Qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư.

Theo UBCK, việc phân định rạch ròi hơn trách nhiệm giữa công ty chứng khoán và người hành nghề, không chỉ sẽ được thể hiện tại dự thảo Thông tư quy định về hành nghề chứng khoán thay thế Quyết định 15/2008, mà sắp tới là các quy định về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán.

Theo đó, quy định pháp lý sẽ làm rõ hơn nguyên tắc: khi người hành nghề nhân danh công ty chứng khoán thực hiện các giao kết với khách hàng, mà dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì công ty chứng khoán phải có trách nhiệm cùng với cá nhân hành nghề có liên quan giải quyết tranh chấp với khách hàng, chứ không được “khoán trắng” trách nhiệm cho cá nhân người hành nghề.

Trên cơ sở nguyên tắc này, UBCK sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra hệ thống quy trình, quy chế giao dịch, quản trị rủi ro tại công ty chứng khoán, để đảm bảo các công cụ này luôn trong trạng thái kiểm soát tốt rủi ro.

Nó cho phép phân định được, khi công ty chứng khoán đã ban hành và phổ biến hệ thống quy trình giao dịch, quản trị rủi ro tới các nhân viên hành nghề, nhưng nếu các cá nhân này cố tình vi phạm, thì trách nhiệm chính thuộc về cá nhân hành nghề.

Dĩ nhiên, công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm liên đới. Trường hợp hệ thống quy trình, quy chế giao dịch, kiểm soát rủi ro tại công ty chứng khoán không được ban hành, hoặc không cập nhật đầy đủ theo quy định pháp luật, mà tạo ra các lỗ hổng khiến nhân viên hành nghề lợi dụng dẫn đến phát sinh các tranh chấp với khách hàng, thì trách nhiệm của công ty chứng khoán sẽ lớn hơn.

Trong một diễn biến có liên quan, với định hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự đang được tiến hành và sắp tới sẽ trình Quốc hội thảo luận, thông qua, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được bảo vệ tốt hơn khi phát sinh tranh chấp với công ty chứng khoán.

Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc, khi cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều ý kiến ủng hộ đối với một quy định mới là tòa án không được từ chối giải quyết các vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Trong trường hợp này, tòa án sẽ xem xét việc áp dụng tập quán hoặc tương tự pháp luật để giải quyết. Còn với nội dung mới được đề xuất khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, thì lần đầu tiên pháp nhân là công ty chứng khoán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thay vì theo quy định hiện hành chỉ truy trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật.

Quan trọng là ý thức tuân thủ

Theo lãnh đạo UBCK, luật pháp đầy đủ, chặt chẽ thôi chưa đủ, điều quan trọng là ý thức tuân thủ của các công ty chứng khoán và người hành nghề. Thực tế cho thấy, ngay cả khi luật pháp quy định chặt chẽ, đồng bộ, chế tài xử lý nặng, nhưng nếu con người vẫn cố tình vi phạm, thì tranh chấp giữa công ty chứng khoán và người hành nghề với khách hàng vẫn diễn ra.

Ngược lại, công ty chứng khoán, người hành nghề có ý thức tuân thủ cao, thì ngay cả khi luật pháp còn thiếu, chưa đồng bộ, thì tranh chấp ít xảy ra, hoặc nếu có thì được giải quyết ổn thỏa.

Trong số không ít vụ tranh chấp phát sinh giữa công ty chứng khoán và khách hàng mà ĐTCK ghi nhận được thời gian qua, với những công ty chứng khoán coi trọng chữ tín, giữ gìn hình ảnh thương hiệu, khi xảy ra tranh chấp với khách hàng, bất luận là do lỗi của nhân viên công ty chứng khoán hay khách hàng, công ty chứng khoán đều nhanh chóng vào cuộc giải quyết theo tinh thần “khách hàng là thượng đế”. Đây là điều các công ty chứng khoán nên suy ngẫm, nếu không muốn tự mình hạ thấp uy tín công ty, nặng hơn là gián tiếp “đuổi” khách hàng.

Tin bài liên quan