Công ty chứng khoán nhỏ: Thêm vốn khó “đổi vận“

Công ty chứng khoán nhỏ: Thêm vốn khó “đổi vận“

(ĐTCK) Kinh doanh thua lỗ trong năm qua nhưng một số công ty chứng khoán nhỏ vẫn dự kiến kế hoạch tăng vốn khá mạnh. Bên cạnh đó, để “vượt bão”, một vài doanh nghiệp lựa chọn kế hoạch sáp nhập, hợp nhất để tránh phải giải thể.

Kế hoạch tăng vốn “khủng”

Năm 2016, Công ty Chứng khoán Việt (VSC) đạt vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng doanh thu, sau khi trừ các chi phí, VSC ghi nhận khoản lỗ trước thuế 1,5 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Công ty tăng trưởng âm, khi lỗ trước thuế hơn 1 tỷ đồng năm 2015.

Tương ứng với các khoản lỗ là giá trị vốn chủ sở hữu giảm dần trong 3 năm qua, từ mức 41,7 tỷ đồng năm 2014 xuống còn 40,7 tỷ đồng trong năm 2015 và 38,5 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Theo VSC, khoản lỗ năm 2016 chủ yếu do sụt giảm doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động môi giới và tài chính.

Đáng chú ý, trong năm nay, VSC dự kiến tăng vốn điều lệ từ 37,5 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 8 lần, nhằm bổ sung cho hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Ban lãnh đạo VSC kỳ vọng kế hoạch tăng vốn này sẽ giúp Công ty bước sang một giai đoạn phát triển mới, không còn chịu cảnh “chìm trong thua lỗ”.

Cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay là Công ty Chứng khoán Việt Thành (VTS). Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa qua, VTS đã thông qua phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 dự kiến thực hiện trong cuối năm nay.

Năm 2016 được xem là không thuận lợi với VTS khi doanh thu đạt 14 tỷ đồng, lợi nhuận 1,8 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 57% so với thực hiện năm 2015. Dù vậy, năm 2017, VTS đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với doanh thu môi giới và doanh thu khác dự kiến đạt 15,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 10,7% và 12,3% so với năm 2016.

Một cái tên khác cũng gây ấn tượng gần đây với kế hoạch tăng vốn “khủng” là Công ty Chứng khoán SJC (SJCS). Theo đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của SJCS diễn ra mới đây đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng chia làm 2 đợt.

Cụ thể, đợt 1, SJCS dự kiến tăng vốn lên 300 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu 24,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 300:53, giá bán không thấp hơn mệnh giá và thời gian thực hiện dự kiến quý III/2017.

Theo SJCS, trong trường hợp tăng vốn điều lệ thành công lên 300 tỷ đồng, Công ty sẽ điều chỉnh doanh thu dự kiến là 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,08 tỷ đồng, thay cho kế hoạch đã được thông qua với doanh thu 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,02 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu SJC ước đạt trên 11 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 520 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc SJCS, kế hoạch tăng vốn được phần lớn các cổ đông ủng hộ, đặc biệt là các cổ đông lớn bởi họ nhận thấy được tiềm năng từ thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

“Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ tăng vốn để gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua. Doanh thu của SJSC chủ yếu đến từ nghiệp vụ môi giới, tuy nhiên, với kế hoạch tăng vốn này, định hướng của Công ty là sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển mảng tư vấn doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa, tư vấn trước và sau niêm yết”, ông Tuấn cho biết.

Trong quá trình thực hiện, SJCS sẽ phối hợp với các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực để đến giai đoạn 2, khi tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, Công ty sẽ tìm kiếm các đối tác chiến lược trong và cả ngoài nước.

Sáp nhập để "dừng chơi"

Bên cạnh tăng vốn, một số công ty chứng khoán cũng tìm cách “vượt bão” bằng việc thực hiện hợp nhất/sáp nhập.

Năm 2016, Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI) có doanh thu 11,4 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí hoạt động lên tới 15,87 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận gộp âm 4,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2016, JSI lỗ lũy kế 10,8 tỷ đồng.

Với quy mô vốn nhỏ, JSI nói riêng và nhiều công ty chứng khoán nhỏ nói chung đều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, nhất là nhà đầu tư chuyên nghiệp, khách hàng VIP, đặc biệt là cung cấp các khoản vay có giá trị lớn. Do đó, năm 2017, HĐQT JSI dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới kế hoạch sáp nhập với một số công ty chứng khoán khác tại Việt Nam.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) hiện đang trong tình trạng lỗ lũy kế hơn 219 tỷ đồng. Trái với nhiều lo ngại về khả năng giải thể hoạt động, Ban lãnh đạo ORS dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra vào ngày 21/4 tới đây kế hoạch hợp nhất/sáp nhập với một công ty chứng khoán khác.

Tăng vốn hay hợp nhất/sáp nhập không phải là xu hướng mới, nhưng vấn đề đặt ra là liệu sau tăng vốn, doanh nghiệp có thay đổi hiện trạng kinh doanh. Với công ty chứng khoán, vốn chỉ là một yếu tố. Để thành công, cần nhiều yếu tố khác quan trọng hơn tiền.              

Tin bài liên quan