Còn nhiều băn khoăn liên quan đến sở hữu nước ngoài

Còn nhiều băn khoăn liên quan đến sở hữu nước ngoài

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tổ chức hội thảo phổ biến Nghị định số 60/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là những quy định liên quan đến sở hữu của NĐT nước ngoài.

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong tình trạng thua lỗ, vốn thực tế thấp hơn nhiều so với vốn đăng ký với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, có không ít NĐT nước ngoài quan tâm đến những doanh nghiệp này và muốn đầu tư.

Vấn đề là thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp xuống dưới mệnh giá nên họ yêu cầu, cổ phiếu phát hành cho họ phải tương đương với thị giá.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp tính đến phương án đăng ký giảm vốn điều lệ để trả giá trị thực của cổ phiếu tương đương với giá thị trường, nhưng pháp luật quy định, doanh nghiệp không được giảm vốn. Việc việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá cũng gặp vướng mắc.

“Tôi thấy, hiện chưa có giải pháp hữu hiệu, không mở đường cho NĐT nước ngoài vào đầu tư tại doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp trên nói.

Đại diện UBCK cho biết, nhiều bộ, ngành chưa đồng ý với phương án phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá vì quan niệm, khi đã góp vốn thì con số thực tế phải đủ vốn, còn góp mà không đủ vốn thì xem là hành động gian dối.

Với những doanh nghiệp niêm yết, hiện UBCK vẫn chấp thuận cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, với điều kiện phải có nguồn bù đắp chênh lệch.

Các vấn đề về thủ tục đối với NĐT nước ngoài lần đầu đầu tư vào CTCK chưa đại chúng theo hình thức nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu chỉ cần tuân thủ theo Thông tư 210/2012/TT-BTC hay cần thêm thủ tục đăng ký khác?

Trường hợp doanh nghiệp trên UPCoM có bị ràng buộc phải bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài vào điều lệ công ty hay không?… cũng được các doanh nghiệp tham dự thắc mắc.

Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCK cho hay, Thông tư 210 đang được sửa đổi, bổ sung, nhưng về cơ bản chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các tổ chức nước ngoài. Do vậy, nếu là tổ chức trong nước thì vẫn phải đáp ứng quy định trong Thông tư 210 về việc nhận chuyển nhượng từ cổ đông cá nhân.

Với NĐT nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào CTCK chưa đại chúng, theo quy định trong Nghị định 60, nếu là tổ chức tài chính chuyên nghiệp thì được sở hữu trên 51% vốn cổ phần, nếu không thì chỉ được sở hữu tỷ lệ dưới 51%.

Liên quan đến Danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi nào được công bố, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trực tiếp làm việc với các bộ, ngành để thống kê tỷ lệ các loại doanh nghiệp hạn chế để có danh mục báo cáo Chính phủ hướng dẫn.

Các Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM cũng đang rà soát lại trong danh mục phân ngành để có sự thống nhất trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, để biết doanh nghiệp của mình có nằm trong danh sách hạn chế hay không, doanh nghiệp có thể tra cứu trên Cổng thông tin Quốc gia về doanh nghiệp, hoặc Cổng thông tin về đầu tư nước ngoài, hoặc các quy định của các cơ quan chuyên ngành.

Tại hội thảo, Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam được UBCK giới thiệu, trong đó có những điểm đổi mới tích cực. Chẳng hạn, quy định về đăng ký mã số giao dịch trực tuyến, thời gian cấp mã số giao dịch giảm từ 3 - 5 ngày xuống còn 1 ngày, các tài liệu tiếng Anh không yêu cầu phải dịch ra tiếng Việt...

Tuy nhiên, trong Thông tư 123 có nội dung quy định việc nới room được trao cho ĐHCĐ, điều này khiến NĐT nhỏ lẻ cảm thấy quyền quyết định phụ thuộc hết vào cổ đông lớn. Nhất là ở các DNNN đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước vẫn còn lớn, nếu cổ đông này không muốn nới room thì các cổ đông khác… đành chịu.

Về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, về bản chất, loại hình công ty cổ phần là đối vốn, không phải đối nhân, từ trước đến nay, các nội dung đều được biểu quyết và quyết định theo số phiếu đa số. Trên thực tế, có những trường hợp, khi HĐQT xin ủy quyền của cổ đông, nhiều cổ đông dễ dàng bỏ phiếu thuận mà chưa nghiên cứu kỹ các nội dung xin ủy quyền. Do vậy, nếu có hệ lụy từ việc ủy quyền đó, cổ đông phải tự chịu. Nếu cổ đông không muốn HĐQT quyết định việc nới room thì có thể không ủy quyền cho HĐQT về nội dung này.      

Tin bài liên quan