Cổ phiếu xây dựng: Đua nhau “phi nước đại” thêm… 2 năm?

Cổ phiếu xây dựng: Đua nhau “phi nước đại” thêm… 2 năm?

(ĐTCK) Theo dõi diễn biến giá cổ phiếu của ngành xây dựng có thể thấy, từ đầu năm đến nay, có nhiều mã tăng mạnh với mức tăng dao động từ 103,5% đến 619,1%. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích nhận định, về dài hạn, cổ phiếu nhóm này có thể không còn là "miếng bánh ngon" cho nhà đầu tư đại chúng.

Đua nhau "phi nước đại"

Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng liên tục giữ đà tăng mạnh với những cú “phi nước đại” như cổ phiếu KAC của CTCP Địa ốc Khang An khi tăng từ mức giá 4.280 đồng/cổ phiếu (3/1/2017), lên 26.500 đồng/cổ phiếu (ngày 12/6), tức tăng 519,1%.

Sóng tăng liên tiếp trong thời gian dài từ 25/5 đến 12/6, có lúc cổ phiếu KAC vọt lên giá 27.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/6 và sau đó hạ nhiệt.

Cổ phiếu của CTCP Khoáng sản xây dựng Bình Dương (KSB) có nhiều biến động trong thời gian gần đây, từng lên 53.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 26/5. Đóng cửa giao dịch ngày 12/6, cổ phiếu này đứng giá 50.800 đồng/cổ phiếu, tăng 42% (đã tính điều chỉnh giá do KSB phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 từ nguồn vốn chủ sở hữu).

Đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại bắt đầu quan tâm đầu tư trở lại đối với KSB. Ngày 9/6, thị trường chứng kiến khối ngoại giao dịch mua vào thành công 57.000 cổ phiếu KSB, giá trị giao dịch ròng 2,99 tỷ đồng.

Mã HBC của CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình tăng 96,1% trong 5,5 tháng đầu năm, từ giá 30.800 đồng/cổ phiếu ngày 3/1 lên 60.400 đồng/cổ phiếu ngày 12/6. Cổ phiếu VPH của CTCP Vạn Phát Hưng tăng 90%, từ 6.200 đồng/cổ phiếu ngày 3/1 lên 11.800 đồng/cổ phiếu ngày 12/6.

Cùng chung đà đi lên của nhóm cổ phiếu ngành này, đầu tháng 6 thị trường chứng kiến sự tăng trưởng nóng của mã cổ phiếu CTCP Xây dựng đầu tư 3-2 (C32). Ngày 7/6, cổ phiếu này đạt trần với giá 53.000 đồng/cổ phiếu. So với giá từ đầu năm, cổ phiếu C32 tăng  hơn 10%.

Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Cotecons cũng twang 15%, từ 182.200 đồng/cổ phiếu ngày 3/1, lên 209.600 đồng/cổ phiếu ngày 12/6. Có lúc, mã này đạt ngưỡng 215.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/3.

Thanh khoản cao, biên lợi nhuận giảm

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng Nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu xây dựng có thể sẽ tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm 2017 khi thị trường chung và ngành xây dựng vẫn đang được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản tích cực. Tuy nhiên, về dài hạn, nhóm này có biên lợi nhuận giảm, nên sức hấp dẫn sẽ kém dần.

Theo ông Minh, trong năm 2016, nhóm cổ phiếu ngành xây dựng đã tăng mạnh, điểm tích cực là nhóm ngành này vẫn duy trì xu hướng tăng và xác lập mức đỉnh cao mới trong nửa đầu năm 2017. Với sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong giai đoạn 2015 - 2016, nhóm cổ phiếu xây dựng đã có mức tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng trên 50%.

Cổ phiếu xây dựng: Đua nhau “phi nước đại” thêm… 2 năm? ảnh 1

 Ảnh: Dũng Minh

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng đặt ra kế hoạch cao, với mức tăng trưởng từ 20 - 30% doanh thu khi cho rằng, chu kỳ tăng trưởng của ngành bất động sản vẫn còn. Niềm tin này đã tiếp sức cho giá cổ phiếu của nhóm ngành xây dựng, duy trì đà tăng và xác lập các mức đỉnh cao mới.

Về sức khỏe doanh nghiệp, quý I/2017, nhóm ngành xây dựng tiếp tục khẳng định xu hướng tăng cả về doanh thu và lợi nhuận.

“Tuy nhiên, biên lợi nhuận trong năm 2017 có thể sẽ thấp hơn so với năm 2016 do phân khúc nhà ở cao cấp có dấu hiệu chững lại trong năm 2017, khi nguồn cung tại phân khúc này đang ở mức cao. Ngoài ra, xu thế đô thị hóa và nâng cấp hạ tầng cũng sẽ là câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng cho ngành xây dựng trong năm 2017”, ông Minh phân tích.

Trước thực tế dòng tiền đầu tư đổ mạnh và nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, một số chuyên gia cho rằng, tính từ đầu năm, thanh khoản của nhóm cổ phiếu này ở mức cao, nhưng có sự đột biến khi đón nhận "tân binh" là cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros.

“Tôi cho rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm 2017 khi thị trường chung và ngành xây dựng vẫn đang được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản tích cực”, ông Minh nhận định. Tuy nhiên, giá tăng, thanh khoản tăng không ngoại trừ nguyên nhân đến từ dòng tiền đầu cơ, đang tranh thủ kiếm lợi trên các mã này.

Không phải cổ phiếu nào cũng vững

Trong khi nhiều cổ phiếu nhóm ngành xây dựng tăng mạnh, thì cũng có những cổ phiếu nhóm này có giá rẻ… như kem. Đơn cử, cổ phiếu LCG , VPH, DC1… hiện có giá dao động từ 8.000 đồng - 13.400 đồng/cổ phiếu.

Ông Minh cho rằng, trong khi CTD và HBC là các doanh nghiệp bất động sản ở “chiếu trên”, các doanh nghiệp khác ở quy mô vốn hóa trung bình và nhỏ thường gắn liền với các dự án bất động sản của chính họ, nên tốc độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào mức độ triển khai dự án.

Trong khi đó, các dự án tự triển khai thường có mức độ thanh khoản thấp, giá trị nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị các dự án tại TP.HCM mà tổng thầu lớn nhất vẫn là CTD và HBC.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng cổ phiếu nhóm ngành xây dựng khi sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa tại 4 công ty (gồm Tổng công ty Sông Đà, Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam) trong năm 2017, thị trường khi đó sẽ có thêm nhiều cổ phiếu hút đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu cổ phiếu ngành này có duy trì đà tăng trưởng dài hạn, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ chững lại sau giai đoạn phát triển nóng?

Trong góc nhìn của mình, ông Minh cho rằng, rủi ro ngành xây dựng trong năm 2017 có thể đến từ việc biên lợi nhuận sẽ không còn tăng mạnh như năm 2016, hay nói cách khác là tăng trưởng mạnh về doanh thu, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ không ở mức đột biến. Đây cũng là nhóm cổ phiếu beta cao, cho nên sẽ chịu ảnh hưởng các rủi ro điều chỉnh của thị trường.

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu có thể sẽ tiếp tục duy trì tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được dự báo là sẽ chậm lại và mức PE dự phóng ở mức khá hợp lý đối với ngành xây dựng, cho nên dự địa tăng mạnh sẽ khó còn diễn ra như năm 2016 và các tháng đầu năm 2017. Do đó, miếng bánh ngon này sẽ không còn thật sự hấp dẫn so với các thời điểm trước”, ông Minh nói.

Trong tầm nhìn dài hạn, nhóm cổ phiếu ngành này sẽ xác lập vị trí thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng, ngành bất động sản Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm kế tiếp và cũng có sẽ có sự thay đổi phân khúc theo từng năm.

Các ý kiến đều chung nhận định, tình trạng bong bóng bất động sản sẽ chưa xảy ra. Đồng thời, với lượng dự án tồn đọng chưa triển khai lớn, các doanh nghiệp xây dựng có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức ổn định trong 2 - 3 năm tới. Cổ phiếu xây dựng vì thế vẫn còn dư địa tăng trưởng, nếu doanh nghiệp phát hành vững kết quả kinh doanh              

Tin bài liên quan