Cổ phiếu tăng phi mã, VRC có “đổi mới” thành công?

(ĐTCK) Từng “nằm im” ở mức giá 6.000  - 7.000 đồng/cổ phiếu vài năm, cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu gần đây bỗng bật tăng ấn tượng. Đâu là lý do cho sự tăng phi mã này? Câu trả lời được hé lộ tại Đại hội đồng cổ đông 2017 của VRC diễn ra ngày 22/4 vừa qua.

Thay Ban lãnh đạo, thay chiến lược kinh doanh

Hàng loạt tờ trình đổi mới VRC đã được Đại hội thông qua, bao gồm kế hoạch kinh doanh đột biến, định hướng chiến lược mới là thực hiện M&A một số doanh nghiệp cùng ngành, đổi tên công ty, đổi trụ sở công ty, thoái vốn tại các dự án bất động sản cũ… Trước đó, VRC cũng đã thay toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2019. “Lột xác” gần như hoàn toàn, VRC đang có một diện mạo mới, đổi khác so với trước kia.

Nếu như năm 2015, doanh nghiệp thua lỗ 5 tỷ đồng và năm 2016 chỉ lãi vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng thì năm 2017, VRC đặt mục tiêu doanh thu thuần 394 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120,5 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 10%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tính cho năm 2017 dự kiến lên tới 8.310 đồng, một mức rất cao so với mặt bằng chung thị trường.

Cổ phiếu tăng phi mã, VRC có “đổi mới” thành công? ảnh 1

Vậy VRC trông vào đâu để có dự báo tích cực này? Ban lãnh đạo VRC cho biết, doanh thu, lợi nhuận chủ yếu sẽ đến từ việc chuyển nhượng 3 dự án, gồm dự án 2 tầng khách sạn tòa nhà Vung Tau Apartment Building tại 165 Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu; dự án trụ sở văn phòng tại 54 Võ Thị Sáu, thành phố Vũng Tàu; dự án chung cư cao tầng, nhà liên kế quận 7, TP.HCM (ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 126 tỷ đồng vào cuối năm 2016). Được biết, các dự án này đều đã có đối tác chuyển nhượng.

Đối với dự án Vung Tau Apartment Building, Công ty đang cho thuê đến hết 30/6/2017, dự kiến hoàn tất chuyển nhượng trong quý III năm nay. Dự án trụ sở văn phòng tại 54 Võ Thị Sáu, Vũng Tàu, Công ty đã ký kết văn bản thỏa thuận và tiến hành thủ tục để ký kết hợp đồng chuyển nhượng trong quý II/2017.

Riêng dự án quận 7 (diện tích khu đất 97.760 m2, trong đó gần 50% đã được bồi thường và giải phóng mặt bằng), Công ty đã tìm kiếm được đối tác chuyển nhượng và dự kiến doanh thu khoảng 200 tỷ đồng (trên giá vốn 126 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Đầu tư Chứng khoán, khả  năng việc chuyển nhượng dự án này sẽ mang về nguồn thu lớn hơn so với con số dự kiến.

M&A có tạo nên một VRC khác?

Đại hội cũng thông qua chiến lược mới của Công ty, trọng tâm là M&A một số doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh, có quỹ đất hoặc có dự án bất động sản tiềm năng - có tổng tài sản từ 200 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu từ 100 tỷ đồng trở lên. Trước hết, lãnh đạo VRC chia sẻ, sẽ thực hiện M&A Công ty cổ phần ADEC, mục tiêu sở hữu lên 65%.

Hiện cơ cấu cổ đông của ADEC là cổ đông Nhà nước nắm 25%, nhà đầu tư nước ngoài nắm 49%. Được biết, ADEC đang triển khai 3 dự án, gồm dự án ADC (Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM), đã bồi thường 9,6 ha với tổng tiền là 89 tỷ đồng; Dự án Nhà Bè 92 ha, đã bồi thường 33,3 ha với tổng tiền là 189 tỷ đồng; Dự án Tân An 2,6 ha, bồi thường 7,6 tỷ đồng.

Theo VRC, kế hoạch M&A sẽ giúp Công ty giải quyết bài toán tương lai khi Công ty đã thoái hết các dự án cũ trong năm 2016. Trong giai đoạn năm 2018 - 2019, VRC sẽ đẩy nhanh bán hàng tại dự án quận 7 của ADEC và dự án gối đầu, dài hạn là dự án Nhà Bè. Với quỹ đất lớn, việc sở hữu chi phối tại ADEC là bước chuẩn bị cho sự phát triển của VRC trong 5 - 10 năm tới.

Việc chuyển nhượng các dự án sẽ giúp VRC có được dòng tiền tốt để thực hiện các kế hoạch đầu tư, cộng thêm việc mua cổ phần chi phối ADEC đang cho cổ đông hy vọng vào “một tương lai khác” của VRC, thay vì lãi, lỗ phập phù như vài năm trước.

Để có vốn, VRC dự kiến gọi thêm 390 tỷ đồng, thông qua việc phát hành hơn 35 triệu cổ  phiếu, trong đó 10 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 1:0,7 và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược 25,34 triệu cổ phiếu, giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn vốn huy động từ đợt chào bán được dùng để đầu tư vào các doanh nghiệp cùng ngành theo hình thức mua cổ phần 346 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động 44,5 tỷ đồng.

Kế hoạch VRC rất đẹp có lẽ là lý do chính khiến giá cổ phiếu bứt phá. Tuy nhiên, để thực thi được như mong muốn, VRC cần phải vượt qua những thách thức trong việc gọi được vốn mới, M&A các dự án tiềm năng và biến dự án thành tiền.

Công bố kế hoạch lớn với cổ đông thúc giá cổ phiếu tăng tốt, nhưng đồng thời là áp lực không nhỏ cho Ban điều hành, phải tạo nên một VRC khác năm 2017 và tương lai.

Tin bài liên quan