Không có doanh nghiệp nào chào sàn với giá khởi điểm dưới 10.000 đồng/CP, nhưng sau khi lên sàn, rất nhiều cổ phiếu có giá rơi và rơi sâu

Không có doanh nghiệp nào chào sàn với giá khởi điểm dưới 10.000 đồng/CP, nhưng sau khi lên sàn, rất nhiều cổ phiếu có giá rơi và rơi sâu

Cổ phiếu rớt mạnh sau ngày chào sàn, báo động chất lượng định giá

(ĐTCK) Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, gần 400 mã cổ phiếu trong khoảng 1.000 mã đang được giao dịch chính thức trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có giá dưới mệnh giá. 

Không có doanh nghiệp nào chào sàn với giá khởi điểm dưới 10.000 đồng/CP, nhưng sau khi lên sàn, rất nhiều cổ phiếu có giá rơi và rơi sâu, khiến nhà đầu tư gặp rủi ro, chỉ số chứng khoán không thể bật mạnh.

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa nhận được đơn thư của nhà đầu tư, phản ánh việc mất mát khi mua cổ phiếu của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO), với mong muốn nhà quản lý vào cuộc để làm rõ nghi vấn, trả lại sự minh bạch và công bằng cho môi trường đầu tư.

Cổ phiếu rớt mạnh sau ngày chào sàn, báo động chất lượng định giá ảnh 1

Giá chào sàn: cao vì nhà tư vấn hay vì doanh nghiệp đẩy giá?

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là mức giá khởi điểm để các nhà đầu tư tham khảo trong việc xác định giá cổ phiếu. Vậy nhưng, bên cạnh những mã cổ phiếu tăng giá thì nhiều cổ phiếu có diễn biến giá giảm sâu so với giá tham chiếu trong một thời gian ngắn, thậm chí ngay trong phiên chào sàn. Thực trạng trên đặt ra câu hỏi về chất lượng xác định giá tham chiếu và có hay không các chiêu trò để một bộ phận cổ đông nội bộ “thoát hàng” với giá cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, diễn biến cổ phiếu tăng giá mạnh sau khi chào sàn chưa hẳn là do doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, hoặc tiềm năng tăng trưởng cao. Trong một số trường hợp, thị trường nghi ngờ có sự tham gia của “đội lái”, đẩy giá cổ phiếu lên cao trong những phiên chào sàn, dẫn dụ người mua rồi tìm cơ hội “thoát hàng”, đẩy rủi ro cho người ở lại.

Theo quy định, tổ chức niêm yết và/hoặc tổ chức tư vấn niêm yết đưa ra mức giá giao dịch dự kiến để làm tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên, trong đó có nêu các phương pháp định giá, phân tích và cách thức lựa chọn giá tham chiếu. Về mặt lý thuyết, các phương pháp thường được sử dụng để đưa mức giá tham chiếu hợp lý dựa trên các chỉ số của P/E, P/B của doanh nghiệp, mức trung bình ngành, hay mô hình chiếu khấu dòng tiền, chiếu khấu dòng cổ tức… Nhưng điểm cần lưu ý ở đây là các mô hình này đều dựa trên những dự báo về kết quả kinh doanh, tiềm năng tương lai của doanh nghiệp, nên ít nhiều mang tính chủ quan. Điều này dẫn đến tình trạng, không ít doanh nghiệp đã “phù phép” để báo cáo tài chính đẹp hơn, vẽ ra viễn cảnh tươi sáng hơn về doanh nghiệp, từ đó dễ dàng hợp thức hóa mức giá tham chiếu chào sàn với nhà đầu tư.

Cổ phiếu rớt mạnh sau ngày chào sàn, báo động chất lượng định giá ảnh 2

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán đánh giá, thực trạng định giá cổ phiếu doanh nghiệp hiện nay khá tùy tiện, các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn đều muốn đều đẩy giá lên cao, chấp nhận thanh khoản thấp. Với những trường hợp có thanh khoản, doanh nghiệp thường phải dùng một nguồn lực ngầm để giữ giá và một số trường hợp còn ràng buộc các cổ đông nội bộ không bán ra để mặt bằng giá “đẹp” trong một thời gian, trước khi trở về với hiện trạng thực theo cung – cầu.

Cũng theo chia sẻ thực của một số lãnh đạo công ty chứng khoán, quy định hiện tại về cách định giá tham chiếu rất chuẩn về lý thuyết, nhưng phía thực hành thì không chuẩn, chủ yếu do ý đồ từ phía doanh nghiệp có cổ phiếu lên sàn. Bản thân công ty chứng khoán tư vấn cũng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, nếu không thỏa mãn “nhu cầu” của ông chủ, mà cụ thể ở đây là xây dựng phương án định giá ở mức giá ‘ông chủ” muốn và phương án giữ giá để làm đẹp hình ảnh doanh nghiệp, tạo điều kiện cho một số cổ đông lớn thoát hàng, thì công ty chứng khoán dễ bị mất khách, doanh nghiệp tìm nhà tư vấn khác!

Tất nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng sẵn sàng “chiều khách”. Những công ty chứng khoán Top đầu sẵn sàng bỏ qua “hàng lởm”, để hướng đến việc xây dựng uy tín dài hạn. Có một điểm dễ nhận thấy là những doanh nghiệp muốn “lái” giá thường chọn công ty chứng khoán nho nhỏ làm tư vấn, để dễ đàm phán và cũng dễ “lập hội”. 

Trái đắng cho nhà đầu tư

Trong phiên giao dịch đầu tiên trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 16/12/2015, cổ phiếu SGO tăng giá mạnh so với mức giá tham chiếu (14.500 đồng/CP so với 11.500 đồng/CP), phiên sau đó tăng thêm 100 đồng/CP, nhưng gần 4 tháng sau, cổ phiếu này mất giá trên 70%, chỉ còn 4.100 đồng/CP (ngày 5/4/2016). Từ đó đến nay, SGO dao động quanh ngưỡng 4.000 đồng/CP, đóng cửa phiên giao dịch 6/7 ở mức 3.600 đồng/CP.

Theo đơn phản ánh của nhà đầu tư Nguyễn Văn Công gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán, do tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, của thị trường chứng khoán và sự minh bạch của doanh nghiệp, gia đình ông đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua cổ phiếu SGO khi mới lên sàn. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau khi lên sàn đã không ngừng giảm giá và khi nhà đầu tư tìm hiểu sâu hơn thực trạng doanh nghiệp, đã phát hiện ra những sự thật bất ngờ, khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn SGO sử dụng chiêu trò để nâng giá trị doanh nghiệp, sau đó “thoát hàng” để  lại trái đắng cho người đến sau.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán được biết, SGO được thành lập đầu năm 2010, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông là bà Hoàng Thị Thúy Hà, ông Lê Thiên Thạch, bà Lê Thị Kim Trinh, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (vợ ông Thạch) và ông Trần Ngọc Bửu Trân. Trong đó, ông Thạch góp 50%, bà Hằng góp 20%, 3 người còn lại góp mỗi người 10%. Cuối năm 2014, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu này, SGO tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến dầu thực vật tại Vĩnh Long và đầu tư vào Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh. Lúc này, trong cơ cấu vốn điều lệ của SGO, ông Thạch chiếm tỷ lệ 60%, 4 người còn lại mỗi người chiếm 10%.

Hơn 1 tháng sau, vào tháng 2/2015, SGO tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho nhóm cổ đông hiện hữu để tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Phúc Quang - Hồng Anh lên 47,5%, đồng thời hợp tác kinh doanh Dự án Xay xát lúa và xử lý cám gạo tại Bắc Ninh với doanh nghiệp này, cũng như bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty.

Sau khi tăng vốn lên 200 tỷ đồng (tương ứng 20 triệu cổ phiếu), số lượng cổ đông tại SGO tăng lên 169 cá nhân và 2 tổ chức, SGO đủ điều kiện niêm yết tại HNX. Tại thời điểm niêm yết, tỷ lệ sở hữu của cả 5 cổ đông sáng lập giảm còn 2,6 - 2,7% vốn điều lệ, tương đương từ 520.000 - 540.000 cổ phiếu/người.

Trước thực tế giá cổ phiếu SGO giảm mạnh sau ngày chào sàn, nhà đầu tư đặt dấu hỏi về khả năng “thoát hàng” của các cổ đông sáng lập trước hoặc ngay sau khi niêm yết cũng như những cổ đông tham gia các đợt tăng vốn của SGO. Cùng với đó là dấu hỏi về kết quả kinh doanh của Công ty trước khi tiến hành tăng vốn ồ ạt và thực hiện niêm yết.

Theo công bố, năm 2014 và 2015, SGO lãi lần lượt 12,2 tỷ đồng và 15,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, xem xét phần doanh thu tạo nên 2 khoản lãi trên thì phần lớn cả 2 năm là do giao dịch phát sinh với bên liên quan là Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh (nguyên 4 lãnh đạo doanh nghiệp này hiện là thành viên HĐQT SGO), với số tiền là 298 tỷ đồng năm 2014 và 276,6 tỷ đồng năm 2015.

Đáng chú ý, sau 2 đợt phát hành vào cuối năm 2014, đầu năm 2015, Ban lãnh đạo SGO đã nhanh chóng thông qua nghị quyết lấy vốn từ đợt phát hành để đầu tư ngược trở lại Công ty Phúc Quang - Hồng Anh (đầu tư 95 tỷ đồng để sở hữu 47,5% vốn điều lệ).

Sau 3 tháng niêm yết, SGO công bố kết quả kinh doanh bết bát với lợi nhuận quý I/2016 vỏn vẹn 253 triệu đồng, giảm 95,78% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của SGO, do giá cả nguyên vật liệu đầu vào có sự biến động tăng làm giá vốn hàng bán tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm. Thêm vào đó, quý I/2016 chưa có quyết định phân chia lợi nhuận từ Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh nên doanh thu từ hoạt động tài chính gần như không có.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về kết quả kinh doanh quý II/2016 liệu có khả quan hơn hay không, ông Trần Ngọc Bửu Trân, Chủ tịch SGO, cho biết, ông chưa có số liệu về kết quả kinh doanh quý II/2016, khi nào có sẽ cung cấp thông tin. Ông cũng cho biết, các thông tin về SGO khi cung cấp ra thị trường thường chuyển đến CTCK để tư vấn thực hiện, nhưng ông Trân hiện thời không nhớ CTCK tư vấn cho SGO là CTCK nào (!?) 

Nghi vấn dấu hiệu “ve sầu thoát xác”

Ngoài SGO, không ít doanh nghiệp khác có động thái tăng vốn ồ ạt trước khi lên sàn như MTM, GTN, DHP, VDL, NDF… . Các doanh nghiệp này sau khi tăng vốn đã “lột xác” và có một hồ sơ đẹp để lên niêm yết. Giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên ở mức cao, giá giao dịch trong các phiên sau đó ở mức cao, nhưng được một thời gian là lao dốc, khiến nhiều nhà đầu tư ôm “trái đắng”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về diễn biến tăng vốn, làm đẹp doanh nghiệp trước niêm yết và diễn biến giá cổ phiếu rơi giá thảm hại sau khi lên sàn, một số chuyên gia và thành viên thị trường nhìn nhận, đây là dấu hiệu của chiêu “ve sầu thoát xác”. Chiêu trò này thường thực hiện tại một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ cấu cổ đông cô đặc và dễ nâng khống giá trị tài sản. Bằng các thủ thuật như góp vốn bằng tiền, bằng tài sản hoặc bằng dự án, nhóm cổ đông sẽ tăng vốn điều lệ lên cao.

Có tiền, doanh nghiệp mua lại các dự án hoặc khoản đầu tư của doanh nghiệp ở các công ty khác với danh nghĩa các khoản đầu tư tài chính hoặc góp vốn, liên danh, liên kết. Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp có thể sử dụng chiêu mua hàng ảo và bán hàng ảo, đẩy tiền ra ngoài để trả trước cho người bán, sau đó rút ra từ đối tác bằng nhiều hình thức. Để có kết quả kinh doanh đẹp, doanh nghiệp bán chịu cho đối tác một khoản lớn hơn giá trị tài sản khác hoặc hàng tồn kho.

Với các chiêu trò trên, doanh nghiệp có được hình ảnh đẹp hơn rất nhiều thông qua các báo cáo tài chính cung cấp ra thị trường. Thông qua việc vẽ ra nhiều dự án mới, bổ sung ngành nghề kinh doanh, chủ yếu là đầu tư, xây dựng, tư vấn..., nhưng bản chất tài sản thực của DN chủ yếu chỉ còn lại các khoản công nợ phải thu và các khoản đầu tư, góp vốn, liên danh, liên kết.

Cùng với việc đẩy hết tiền ra bên ngoài để thu lại vốn góp, nhóm cổ đông sáng lập tiến hành chia nhỏ vốn góp cho người khác đứng tên để doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng, sau đó đưa ra kế hoạch kinh doanh mới với nhiều triển vọng và tiến hành đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trường hợp CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) tiếp tục gây nhức nhối cho nhà đầu tư. MTM tiền thân là một công ty khoáng sản có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, đến một ngày, MTM thay đổi toàn bộ Ban lãnh đạo rồi tăng vốn điều lệ lên 310 tỷ đồng, xây dựng một báo cáo tài chính có nhiều con số đẹp và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau khi cổ phiếu MTM chào sàn UPCoM ngày 15/4/2016, giá cổ phiếu này tăng trong 4 phiên liền, đóng cửa phiên 25/4 tại 8.700 đồng/CP (bình quân trong phiên là 8.500 đồng/CP), nhưng sau đó có xu hướng giảm mạnh, hiện chỉ còn 2.600 đồng/CP.

Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin và đó là lý do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán luôn thúc đẩy sự minh bạch. Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh minh bạch, hiệu quả, để giữ niềm tin thị trường, những nghi vấn làm giá dựa trên hiện tượng biến động giá cổ phiếu bất thường cần được nhà quản lý vào cuộc, làm sáng tỏ để giảm các hiện tượng tiêu cực, làm giá, gây thua đau cho nhà đầu tư đại chúng.    

Sẽ tăng cường quản lý, giám sát công ty đại chúng

Báo cáo sơ kết của ngành chứng khoán 6 tháng đầu năm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng công ty niêm yết mới tăng 15 công ty; hủy niêm yết 14 công ty. Tổng số công ty niêm yết trên 2 sàn hiện có 686 công ty (bao gồm cả 2 chứng chỉ quỹ ETF). Cũng trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét chấp thuận hồ sơ công bố thông tin cổ phần hóa và thoái vốn cho 90 doanh nghiệp và tổ chức đấu giá cho 56 doanh nghiệp, trong đó có 41 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa, 15 doanh nghiệp thực hiện bán phần vốn nhà nước, tổng giá trị thu về đạt 4.970 nghìn tỷ đồng (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2015).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tăng cường quản lý, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, thúc đẩy sử dụng hệ thống công bố thông tin tự động (IDS), qua đó giúp cải thiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng. Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết, đã chỉ đạo HNX tăng cường rà soát, giám sát các công ty trên UPCoM, bổ sung các yêu cầu công bố thông tin và đưa ra tiêu chí phân bảng các công ty trên UPCoM nhằm tăng cường tính minh bạch và cảnh báo cho nhà đầu tư.

Theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58), việc phát hành cổ phiếu tăng vốn dành cho các doanh nghiệp cổ phần chưa đại chúng cần có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong trường hợp tổ chức phát hành là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời hoàn thành một số thủ tục về hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phiếu riêng lẻ đối với các trường hợp này là Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi công ty đăng ký trụ sở hoạt động.

DN sau khi lên sàn được thực hiện theo Thông tư 162/2015/TT-BTC và phải có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Quy định về giá tham chiếu đối với cổ phiếu mới niêm yết

- Trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM:

Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF mới niêm yết, tổ chức niêm yết và tổ chức tư vấn niêm yết (nếu có) phải đưa ra mức giá dự kiến để làm giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%. Giá đóng cửa trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ là giá tham chiếu cho ngày giao dịch kế tiếp. Biên độ dao động giá +/-7% được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp.

(Theo Quyết định số 314/2014/QĐ-SGDHCM ngày 25/8/2014)

- Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội:

Giá tham chiếu được áp dụng đối với cổ phiếu mới niêm yết trong ngày giao dịch đầu tiên do tổ chức niêm yết và tổ chức tư vấn niêm yết (nếu có) đề xuất. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới niêm yết là ±30% so với giá tham chiếu. Biên độ dao động giá +/-10% được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp.

(Theo Quyết định số 18/QĐ-SGDHN ngày 10/1/2013 và Quyết định số 345 /QĐ-SGDHN ngày 24/07/2013)

- Trên thị trường đăng ký giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM):

Đối với cổ phiếu mới đăng ký giao dịch, việc xác định giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên do tổ chức đăng ký giao dịch đề xuất và được HNX chấp thuận. Biên độ dao động giá trong phiên đầu tiên này là ±40% so với giá tham chiếu. Giá tham chiếu cho các phiên sau đó là bình quân gia quyền của các giá giao dịch lô chẵn thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục của ngày có giao dịch khớp lệnh liên tục gần nhất trước đó và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch là ±15% so với giá tham chiếu.

(Theo Quyết định số 236/QĐ-SGDHN ngày 24/4/2015)

Tin bài liên quan