Cổ phiếu ngành nước: cơ hội ẩn trên UPCoM?

Cổ phiếu ngành nước: cơ hội ẩn trên UPCoM?

(ĐTCK) Được đánh giá là nhóm cổ phiếu “ăn chắc mặc bền”, cổ phiếu ngành cung cấp nước xuất hiện trên sàn UPCoM với giao dịch không mấy sôi động. Tuy nhiên, nhiều DN ngành này đang lên kế hoạch niêm yết, tiềm ẩn những cơ hội đáng xem xét với nhà đầu tư.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), hiện có 16 công ty trong ngành cấp nước đang hoạt trên TTCK, tuy nhiên chỉ có 2 mã góp mặt trên sàn niêm yết đó là CLW và TDW, 14 DN còn lại đang giao dịch trên UPCoM.

Thực trạng trên có thể thay đổi, khi theo thông tin ĐTCK ghi nhận được, một số DN tại UPCoM đang lên kế hoạch chuyển sang sàn niêm yết như CTCP Cấp nước Bến Thành (BTW), CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW), CTCP Cấp nước Gia Định (GDW), Cấp nước Đồng Nai (DNW).

Trong số này, BTW, GDW và NBW cùng hoạt động tại TP.HCM và đều là Công ty con của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, đơn vị đang sở hữu hơn 50% vốn tại cả 3 DN này. Cái tên còn lại là DNW thuộc Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp - SONADEZI (nắm 63,99% vốn điều lệ DNW), hiện đang đóng vai trò cung cấp nước cho toàn bộ địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Về diễn biến thị trường, từ đầu năm, các cổ phiếu trên đều có mức tăng giá đáng kể như GDW tăng 28% đạt mức 18.700 đồng/CP khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (8/4) hay cổ phiếu DNW chào sàn UPCoM từ 16/3 với giá 12.200 đồng/CP, hiện đã leo lên mức 17.000 đồng/CP.

Là ngành nghề thiết yếu, các DN cung cấp nước thường có doanh thu và lợi nhuận ổn định, hoạt động kinh doanh ít biến động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu không hấp dẫn nhà đầu tư vì ít chịu ảnh hưởng của thị trường nên không có sự bứt phá và hiếm khi “tạo sóng”. Liệu có sự thay đổi nào của các DN này khi lên sàn? 

Triển vọng năm 2016

CTCP Cấp nước Bến Thành cho biết, quyết định niêm yết còn căn cứ vào tình hình thực tế, tuy nhiên, BTW dự kiến sẽ cố gắng lên sàn HNX trong năm nay.

Theo BTW, niêm yết cổ phiếu giúp Công ty huy động vốn nhanh hơn, cổ phiếu thanh khoản hơn, từ đó sẽ chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn. Về kế hoạch 2016,  tổng đầu tư xây dựng cơ bản của BTW dự kiến tăng xấp xỉ 2 lần  so với năm trước, từ hơn 69 tỷ đồng lên 144,75 tỷ đồng. Năm 2016, BTW đặt kế hoạch tổng doanh thu 418,8 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 4% so với kết quả thực hiện 2015.

Với CTCP Cấp nước Gia định, ngày 15/4 tới đây, tại Đại hội đồng cổ đông Công ty, kế hoạch niêm yết cổ phiếu sẽ được đưa ra để xem xét, bàn thảo. Ngoài việc tạo thanh khoản và nâng cao chất lượng quản trị, minh bạch, GDW cũng hướng tới cơ hội huy động vốn khi lên sàn niêm yết. Năm 2016, GDW đặt kế hoạch sản lượng nước tiêu thụ là 46,5 triệu m3, doanh thu đạt 423,8 tỷ đồng và mục tiêu lãi trước thuế 12,6 tỷ đồng.

Theo dự báo, tại TP. HCM, nhu cầu sử dụng nước năm 2025 có thể đạt 3,7 triệu m3/ngày đêm, tăng 36,3% so với năm 2015. Cùng với đó, một nguồn kinh phí ước tính 68.000 tỷ đồng sẽ được dành cho việc quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước đến năm 2025 tại TP. HCM, trong đó chú trọng đầu tư sửa chữa và lắp đặt mạng lưới đường ống cấp nước khoảng 15.000 tỷ đồng. Do đó, ngành cấp nước tại TP.HCM có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. 

Kế hoạch dài hơi của DNW

Trong số các DN cấp nước tại UPCoM có kế hoạch niêm yết, DNW là đơn vị có quy mô vốn lớn nhất (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) và sở hữu lợi thế đặc biệt là hoạt động độc quyền tại Đồng Nai.

DNW hiện là là công ty con của Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp - SONADEZI với tỷ lệ sở hữu gần 64%. DNW quản lý hệ thống cấp nước trên toàn bộ địa bàn tỉnh Đồng Nai, đứng thứ 3 về công suất cấp nước trên cả nước chỉ sau Hà Nội và TP. HCM.

Vừa lên UPCoM từ giữa tháng 3 năm nay, DNW đã bày tỏ ý định đưa cổ phiếu lên niêm yết. Theo ông Vũ Văn Học, Chủ tịch HĐQT DNW, dự kiến, năm 2017, hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn II sẽ hoàn thành, nâng công suất nhà máy nước Thiện Tân (2 giai đoạn) lên 450.000m3/ngày. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là 41 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 20 triệu USD. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt, sản xuất của dân cư, các khu công nghiệp ở TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom.

Chiến lược năm 2016, ông Học cho biết, DNW sẽ tập trung tích lũy vốn để có một tiềm lực tài chính mạnh, thực hiện các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư thiết bị để gia tăng sản lượng nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của TP.Biên Hòa và trung tâm các thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, DNW đặt kế hoạch doanh thu 722,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng. Công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 6%.   

Tin bài liên quan