Cổ phiếu mid-cap chờ thời

Cổ phiếu mid-cap chờ thời

(ĐTCK) Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu lớn tăng giá mạnh, một dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân đang len lỏi vào cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và trung bình (mid-cap), chờ đợi thị trường nhìn nhận lại triển vọng lợi nhuận và tài sản mà các doanh nghiệp này đang sở hữu.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây rất mạnh mẽ, tập trung vào các cổ phiếu lớn và thị trường ghi nhận có dòng tiền mới đổ vào.

Không ít ý kiến cho rằng, nhiều cổ phiếu hàng đầu, blue-chips trên thị trường, đang được định giá ở mức cao, có nguy cơ điều chỉnh bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch giữa tuần, giá hàng loạt cổ phiếu lớn như VNM, VRE, MWG, SAB, VJC, CTD… tiếp tục xanh ngắt.

Trong bối cảnh, đó một bộ phận nhà đầu tư âm thầm gom mua cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và trung bình (mid-cap), có triển vọng đạt kết quả kinh doanh khả quan, hiện đang bị định giá thấp, hoặc các doanh nghiệp có tài sản lớn, chờ đợi một con sóng mang tên mid-cap sẽ đến, sau con sóng cổ phiếu vốn hóa lớn (large-cap) đang diễn ra.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán tăng mạnh, nhưng đa số cổ phiếu tăng giá nhẹ, không ít cổ phiếu giảm giá. Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng trên thị trường, lãnh đạo một số doanh nghiệp niêm yết đã phải lên tiếng, khi nhận thấy cổ phiếu của doanh nghiệp mình bị lãng quên.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cho rằng, cổ phiếu NBB đang bị định giá thấp so với giá trị sổ sách hơn 19.000 đồng/cổ phiếu và rất thấp so với giá trị quỹ đất mà Công ty đang sở hữu (5.500 tỷ đồng).

Trong 9 tháng đầu năm, NBB ghi nhận hơn 55 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 57,7% kế hoạch năm. Chỉ số P/E của cổ phiếu đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm tới, với khả năng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của một số dự án đã phát triển và tiềm năng khai thác quỹ đất, thì NBB đang được định giá ở mức thấp so với các doanh nghiệp bất động sản khác.

Một cổ phiếu mid-cap khác đáng chú ý là DXG của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh, hiện được giao dịch ở mức định giá P/E hơn 7 lần, giá dao động nhẹ trên ngưỡng 18.000 đồng/cổ phiếu. DXG được kỳ vọng, quý IV sẽ là điểm rơi lợi nhuận của Công ty, đưa con số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cả năm lên gần 3.000 đồng. Tuy nhiên, theo một số môi giới chứng khoán, một dự án mà DXG đã mua lại có thể bị “lật kèo”, khi bên bán sẵn sàng đền bù để lấy lại quỹ đất.

Lép vế trước sóng cổ phiếu lớn, trong 1 tháng qua, cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công từ ngấp nghé mức giá 30.000 đồng/cổ phần đã giảm xuống dưới 25.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E khoảng 6 lần. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, TCM có kết quả kinh doanh khả quan, dự kiến thực hiện vượt kế hoạch 2017 ở mức cao, có thể đạt 220 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh, một nhà đầu tư lâu năm, chuyên lựa chọn những cổ phiếu thị giá thấp để đầu tư chia sẻ, mua vào những cổ phiếu bị thị trường lãng quên có thể đem lại tỷ suất lợi nhuận 30% trong vòng 1 năm. Nhược điểm của những cổ phiếu này là thanh khoản thấp, nhưng ưu điểm là doanh nghiệp thường sở hữu tài sản giá trị cao hơn nhiều giá trị thị trường, hoạt động kinh doanh đủ để trả cổ tức đều đặn hàng năm. Vì vậy, khi đầu tư những cổ phiếu này, nhà đầu tư cần kiên nhẫn. Có những cổ phiếu nếu nắm giữ 1 - 2 năm có thể thu lợi nhuận tính bằng lần.

Đầu năm nay, sau khi tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), ông Minh đã kiên trì tích lũy hàng trăm nghìn cổ phiếu này ở giá 6.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu, chờ Công ty chia cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 90%. Đặc biệt, Công ty cam kết trả cổ tức 10%/năm. Thực tế, sau khi chia thưởng, giá cổ phiếu của ANV đã tăng lên trên 9.000 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả kinh doanh khả quan, mang lợi tỷ suất lợi nhuận gần 200% cho nhà đầu tư từ đầu năm đến nay.

Tương tự, nhà đầu tư mua cổ phiếu RCD của Công ty cổ phần Xây dựng Địa ốc Cao su cũng đạt mức lãi cao, nhất là khi mua cuối năm 2015, đầu năm 2016, giá chỉ khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá hiện nay trên sàn UPCoM là 40.000 đồng/cổ phiếu. RCD có vốn điều lệ 53 tỷ đồng, nhưng chuyển nhượng khu đất vàng ở Bến Chương Dương, lãi ròng hơn trăm tỷ đồng trong năm 2016. Công ty này vừa công bố sẽ chốt danh sách tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50% vào ngày 30/11, dự kiến chia đầu năm 2018. Bên cạnh đó, Công ty có nghị quyết mua vào 450.000 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, dự kiến dùng làm cổ phiếu thưởng sau này.

Cũng trên sàn UPCoM, một cách thầm lặng, cổ phiếu NTC của Công ty cổ phần Nam Tân Uyên đã tăng từ hơn 40.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 6 lên 73.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Ngày 20/11, ông Huỳnh Hữu Tín, Phó giám đốc NTC vừa đăng ký mua 100.000 cổ phiếu, bắt đầu tư ngày 22/11. Với số vốn điều lệ 160 tỷ đồng, NTC lãi gần 100 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm. Lợi nhuận chủ yếu nhờ lãi của khoản tiền gửi 1.000 tỷ đồng.

Ba năm trước, nhiều nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu NTC lúc chưa lên sàn, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, khi nhìn vào nguồn tài chính dồi dào của Công ty. Nẵm giữ đến ngày 22/11, khi NTC được giao dịch với giá 73.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 100.000 đơn vị, thì mức lợi nhuận là hơn 6 lần.

Tin bài liên quan