Mảng bán lẻ của FPT gây thất vọng cho nhiều cổ đông

Mảng bán lẻ của FPT gây thất vọng cho nhiều cổ đông

Cổ phiếu FPT: Bao giờ trở lại “thời hoàng kim“?

(ĐTCK) Điểm yếu ở mảng phân phối và bán lẻ đã khiến FPT có một năm kinh doanh 2016 không như mong muốn. Bởi vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số theo kế hoạch 2017 mà HĐQT FPT trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) được đánh giá là khá thách thức. 

Giới đầu tư mong chờ một sự đột phá mạnh mẽ ở tập đoàn này, từ đó tạo “cú huých” cho giá cổ phiếu. 

Nếu như vào kỳ ĐHCĐ năm ngoái, khối phân phối bán lẻ được kỳ vọng đạt mức độ tăng trưởng lớn bởi tiềm năng của thị trường và các đối thủ của FPT đều bứt phá mạnh, thì kết quả lại khiến nhiều cổ đông thất vọng, khi doanh thu giảm 8,6% và lợi nhuận trước thuế (LNTT) giảm 25,3%.

"Nhiều ‘voi’ trên thị trường còn ‘phi nước đại’, tại sao FPT lại không thể? Nhất là khi thực tế này dường như đang phản ánh vào biến động giá cổ phiếu"

- Một cổ đông của FPT

Nguyên nhân là do FPT thay đổi chính sách phân phối sản phẩm của Apple và ngừng kinh doanh điện thoại Lumia của Microsolf. Điều này cho thấy, FPT chưa chủ động thích ứng trong các mảng hoạt động, đồng thời vẫn còn lỗ hổng trong quản trị kế hoạch và triển khai thực hiện.

Một chuyên gia quản trị nhận xét rằng, muốn bứt phá, FPT cần tập trung vào những thế mạnh sẵn có để giành được vị trí dẫn đầu trong ngành, thay vì kinh doanh dàn trải, miễn là có lợi nhuận như hiện nay. Hiệu quả hoạt động của khối phân phối và bán lẻ phần nào minh chứng cho nhận xét này.

Nhìn vào hoạt động năm 2016 của từng khối kinh doanh chủ lực của FTP có thể thấy, khối nào cũng chỉ tăng “đều đều”. Đơn cử, khối công nghệ có doanh thu tăng 15,7% và LNTT tăng 18,9% so với năm 2015, khối phát triển phần mềm doanh thu tăng 21,1% và LNTT tăng 25,6%, khối viễn thông doanh thu tăng 21,6% và LNTT tăng 14,7%, khối nội dung số (chủ yếu là quảng cáo) tăng trưởng tốt hơn, với doanh thu tăng 30,6% và LNTT tăng 52,3%.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cùng ngành có sự bứt phá rõ rệt, thì việc “từ từ” của FPT được dự báo sẽ là vấn đề được mổ xẻ nhiều tại kỳ họp cổ đông diễn ra ngày 31/3 tới.

“Năm nay, liệu mảng phân phối có chuyển biến mới và đóng góp tích cực hơn vào kết quả chung của Tập đoàn? Kế hoạch thoái vốn ở hoạt động phân phối, bán lẻ tại sao lại chậm trễ, điều này có thể bỏ lỡ cơ hội “vàng” trong đàm phán, khi kết quả kinh doanh của mảng này sa sút…?”, một cổ đông lâu năm của FPT chia sẻ băn khoăn với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Cổ phiếu FPT: Bao giờ trở lại “thời hoàng kim“? ảnh 1

Theo tài liệu ĐHCĐ được công bố mới đây, HĐQT FPT sẽ trình cổ đông kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 với doanh thu 46.619 tỷ đồng và LNTT 3.408 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 13% so với năm 2016.

Thực tế cho thấy, mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số vốn “nằm trong tầm tay” của FPT trong giai đoạn 2006-2011. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, điều này trở nên khó khăn, thậm chí có năm không tăng trưởng. 

“Nhiều ‘voi’ trên thị trường còn ‘phi nước đại’, tại sao FPT lại không thể? Nhất là khi thực tế này dường như đang phản ánh vào biến động giá cổ phiếu”, cổ đông trên sốt ruột.

Tại các TTCK khu vực và thế giới, ngành công nghệ thông tin thường được ví là “ngựa chiến”, là “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, bởi P/E của nhóm cổ phiếu này thường cao hơn hẳn so với P/E trung bình thị trường.

Trên TTCK Việt Nam, năm 2016, EPS của FPT đạt 3.925 đồng. Hiện cổ phiếu FPT chỉ loanh quanh trong khoảng 45.000-50.000 đồng/CP, giao dịch với P/E xấp xỉ 12x, thấp hơn so với P/E bình quân trong quá khứ là 13,7x. So với P/E bình quân của các bluechip trên HOSE dao động trong khoảng 22-45x, của HOSE là 18x, cổ phiếu FPT dường như đang bị đánh giá thấp.

Một cổ đông nước ngoài của FPT cho biết, có lẽ do room liên tục kín ở mức 49%, nên trong các “chat room” của khối ngoại, ít khi nhắc đến FPT. Trong khi có nhiều doanh nghiệp khác, tuy room đầy mà vẫn được bàn luận rôm rả.

Tài liệu ĐHCĐ của FPT cho thấy, chiến lược hoạt động giai đoạn 2017-2020 đã đề ra 3 nhóm mục tiêu và hành động chính.

Thứ nhất, vươn tới trở thành tập đoàn toàn cầu, tăng trưởng từ thị trường toàn cầu lớn hơn trong nước; trở thành đối tác cấp cao nhất của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; quốc tế hóa văn hóa FPT; mở rộng danh sách khách hàng trong Forbes 500.

Thứ hai, là doanh nghiệp tiên phong trong “thế giới số”, trở thành công ty hàng đầu thế giới trong cung cấp dịch vụ IoT (Internet of Things).

Thứ ba, nâng cao đẳng cấp, thay đổi vượt bậc về quy mô kinh doanh thông qua những hợp đồng lớn, dài hạn; giải pháp dịch vụ trọn gói, chuyên ngành, dịch vụ giá trị gia tăng cao...

Chiến lược kinh doanh dù “hoành tráng”, song điều mà các cổ đông của FPT mong chờ chính là việc “nói được, làm được”. Các cổ đông kỳ vọng, một ngày nào đó FPT sẽ trở lại “thời hoàng kim” và chứng minh rằng, “voi” vẫn có thể “phi nước đại”. 

Tin bài liên quan