Thị trường địa ốc nhiều gam màu sáng
Theo các chuyên gia, năm 2017 là một năm khá ấn tượng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh tốt trong 9 tháng đầu năm.
Theo TS.LS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, thị trường bất động sản đang có một gam màu tương đối sáng sủa. Bên cạnh những yếu tố như giao dịch ổn định, giá không biến động lớn, thì dòng vốn FDI vào bất động sản, cũng như số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đều tăng.
Bức tranh thị trường hiện rõ sự lạc quan ở nhiều yếu tố, xuất phát từ các điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay như tăng trưởng kinh tế (GDP) tốt, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất ổn định theo xu hướng giảm và sự thay đổi tích cực từ chính thị trường bất động sản để phù hợp hơn với khẩu vị của người mua. Đây là cơ hội cho thị trường bất động sản đón một lượng lớn tiền đổ vào từ người mua nhà và người đầu tư.
Nhìn về triển vọng thị trường, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và các yếu tố kinh tế vĩ mô tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2017 và năm 2018, các phân khúc thị trường bất động sản cũng sẽ tiếp tục sôi động hơn.
Theo các chuyên gia, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế những tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018 chính là câu chuyện lãi suất. Lãi suất năm 2017 đã được kiểm soát và duy trì ở mức hợp lý. Việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ phía ngân hàng cũng dễ dàng hơn với doanh nghiệp, người dân. Từ đó, thị trường bất động sản trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
Tiềm năng cổ phiếu địa ốc
Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã chứng kiến mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, lên tới hơn 40%. Chỉ số VN-Index hiện đã vượt qua 930 điểm, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.
Đóng góp vào tăng trưởng chung của thị trường có nhóm cổ phiếu bất động sản. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có đến trên 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá. Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/1/2017) đến cuối tuần qua (24/11/2017), một số mã cổ phiếu bất động sản đã tăng giá trên 300%, nhiều mã tăng trên 200%. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc, dù có sự tăng trưởng khá mạnh, song so với tiềm năng phát triển, cũng như giá trị sổ sách, nhiều cổ phiếu vẫn còn khá rẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc tài chính Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), Công ty tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 5 năm tới với tỷ trọng doanh thu tối thiểu từ 60 - 70% trong tổng doanh thu; Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ tối thiểu 25% mỗi năm, tăng cường tích lũy tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Tuy nhiên, hiện nay, cổ phiếu của TDH đang ở mức trên dưới 14.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách cổ phiếu của TDH hiện trên 23.000 đồng/cổ phiếu”, ông Chinh cho biết.
Còn theo ông Mai Thanh Trúc, Thành viên HĐQT, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Đầu tư 577 (NBB) cho biết, Công ty là một doanh nghiệp có nội lực vững mạnh, nhưng thị giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng giá trị thực của Công ty.
Đơn cử, chỉ số tỷ lệ vốn hóa thị trường so với vốn chủ sở hữu (P/B) của NBB chỉ xoay quanh mức 0,8 lần, trong khi các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường đều duy trì ở mức bình quân đến 1,4 lần, giá trị sổ sách khoảng 19.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với thị giá (chốt phiên cuối tuần qua, giá NBB tăng trần lên 19.900 đồng/cổ phiếu), khá thấp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp cùng ngành.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com