Kỳ vọng tuyến cáp quang Bắc - Nam
Vừa qua, CMG công bố kết quả kinh doanh nửa đầu niên độ tài chính 2017 - 2018 (bắt đầu từ ngày 1/4/2017), đạt 2.415,7 tỷ đồng doanh thu và 132,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 54,5% kế hoạch doanh thu và 63,7% kế hoạch lợi nhuận năm tài chính.
Tuy nhiên, tại CMG, lợi ích cổ đông thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, 6 tháng đầu niên độ tài chính, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 89,2 tỷ đồng/112,5 tỷ đồng (lợi ích cổ đông thiểu số chiếm 20,7%).
Tính đến cuối tháng 9/2017, CMG có 11 công ty con, 2 công ty liên doanh, liên kết, doanh thu chủ yếu đến từ mảng viễn thông, tích hợp hệ thống, phân phối và lắp ráp.
Nửa đầu niên độ 2017 - 2018, tỷ trọng doanh thu 3 mảng chính lần lượt đạt 50,6%, 25,3% và 23%. Viễn thông là mảng có biên lợi nhuận lớn nhất (27,6%), đóng góp 41,7% vào lợi nhuận gộp. Xếp thứ hai là tích hợp hệ thống và thứ ba là phân phối - lắp ráp (biên lợi nhuận 11% và 9,3%; tỷ lệ đóng góp vào lợi nhuận gộp hợp nhất là 36,5% và 15,4%).
Trong mảng viễn thông, doanh thu nửa đầu niên độ tăng 8,2%. CMG thông qua công ty con là Công ty cổ phần Viễn thông CMC (CMC Telecom, tỷ lệ sở hữu của CMG là 54,6%) đang sở hữu 3 tuyến cáp quang trục đất liền bao gồm tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Lạng Sơn, TP.HCM - Mộc Bài kết nối với 3 tuyến cáp biển quốc tế IA, AAG và APG. Tuyến cáp Bắc - Nam được khởi công tháng 2/2017, chi phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, tổng chiều dài gần 2.000 km.
Trước đó, báo cáo phân tích tháng 9/2017 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt ước tính, khi tuyến cáp mới đi vào hoạt động và dự kiến khấu hao trong 3 - 5 năm có thể giúp CMG tiết kiệm chi phí 50 - 75 tỷ đồng/năm so với thuê ngoài.
Đối với mảng tích hợp hệ thống, doanh thu nửa đầu niên độ tăng 27,5%. CMG chủ yếu cung cấp các dịch vụ hạ tầng (data, server) cho khách hàng thông qua các trung tâm dữ liệu lớn (Big Data Center), cung cấp dịch vụ đảm bảo liên quan đến công nghệ thông tin như duy trì, bảo trì, khắc phục sự cố. Một số khách hàng lớn của Công ty là Agribank, ACB, EIB, VPB.
Doanh thu phân phối - lắp ráp nửa đầu niên độ giảm 0,73%. Những năm qua, mảng phân phối ngày càng thu hẹp do nhà sản xuất hướng tới phân phối trực tiếp và các nhà bán lẻ cạnh tranh mạnh. Trong khi đó, mảng phần mềm tuy quy mô còn nhỏ, lợi nhuận mỏng, nhưng tăng trưởng khá đều. Niên độ tài chính 2016 - 2017, doanh thu phần mềm tăng 26,2%; nửa đầu niên độ 2017 - 2017 tăng 11,7%.
Ngành công nghệ thông tin Việt Nam được nhận định có nhiều triển vọng, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh hội nhập, nhiều mảng như viễn thông, phân phối, bán lẻ… bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, cạnh tranh phát triển khách hàng và tăng thị phần ngày càng khốc liệt.
CMG bán cổ phiếu quỹ và cổ đông lớn thoái vốn
CMG có cơ cấu cổ đông cô đặc khi gần 3/4 cổ phiếu nằm trong tay các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ. Thanh khoản của cổ phiếu này trong hơn 1 tháng trở lại đây tăng, nhưng trước đó thường xuyên ở mức thấp, chỉ vài ba ngàn đơn vị được khớp lệnh/phiên, thậm chí mất thanh khoản. Bên cạnh đó, diễn biến thị giá trong gần 3 năm trước đó hầu như đi ngang dưới mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng giá của cổ phiếu CMG chủ yếu diễn ra từ đầu tháng 11/2017, tính đến cuối tháng, giá tăng gấp đôi so với đầu năm; khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 325.000 đơn vị/phiên.
Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) 4 quý gần nhất của CMG ngày 1/12 là 12,8 lần (thị giá 29.900 đồng/cổ phiếu), tương đương với P/E của các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết như ELC (12,6 lần), FOX (12,8 lần), FPT (14 lần).
Động thái đáng chú ý là khi giá cổ phiếu tăng mạnh, trong tháng 11/2017, Công ty TNHH Đầu tư MVI - cổ đông lớn thứ hai của CMG thực hiện bán ra cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 21,03% xuống 19,8%.
Cùng với đó, CMG đăng ký bán ra 1,1 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 1,6% số cổ phiếu lưu hành) từ ngày 3/11 - 3/12, số cổ phiếu này được Công ty mua vào năm 2013, khi thị giá hơn 6.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12, giá cổ phiếu CMG là 31.200 đồng/cổ phiếu.