Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/10 của các công ty chứng khoán.

DHG: PE 2015 ước tính ở mức 9,8 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DHG công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 với doanh thu thuần tăng 9,1% n/n, đạt 991,1 tỷ  đồng, cao hơn dự báo 6,6%, chủ yếu nhờ mảng hàng thương mại tăng mạnh, tới 307%  n/n. Ngoài việc nhận phân phối lại sản phẩm Eugica cho đối tác Thái Lan Mega Science thì các nhóm hàng khác được DHG phân phối cho đối tác cũng tăng trưởng tốt trong kỳ.

Theo đó, doanh thu từ hoạt động thương mại đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu thuần của quý,  tăng mạnh so với mức 8% của cùng kỳ năm 2014. Doanh thu hàng sản xuất quý III/2015 giảm 16% n/n, có cải thiện so với mức giảm 25% n/n của 6 tháng đầu năm 2015. Áp lực cạnh tranh trên thị trường OTC đang ngày càng gia tăng chính là khó khăn của DHG. Tuy nhiên, chiến lược tái cấu trúc lại hệ  thống bán hàng đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhờ đó, doanh số quý III/2015 đã có những tín hiệu cải thiện tích cực hơn.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2015 tăng 14,6% n/n, đạt 163 tỷ  đồng, cao hơn dự báo 10,3%. Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm 17,5 điểm % n/n, xuống còn 36,8%, nhưng tỷ lệ CPBH&QL/DT cũng giảm 18 điểm % n/n, xuống còn 16,5%.  Điều này chủ yếu là do ảnh hưởng từ việc hạch toán theo chế độ kế toán của thông tư 200/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là do hàng  thương mại có biên lợi nhuận thấp (dưới 10%), nên việc tỷ trọng doanh thu của nhóm hàng này tăng mạnh cũng làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp chung của công ty trong quý III/2015.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2015 tăng 10,2% n/n, đạt 196,2 tỷ đồng. Nhờ thuế suất thuế TNDN bình quân của quý III/2015 chỉ khoảng 16,3%, thấp hơn mức 20,1% của cùng kỳ nên lợi nhuận sau thuế quý III/2015 tăng mạnh hơn, khoảng 14,6% n/n.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 2,5% n/n. Tính chung 9 tháng đầu năm, DHG đạt 2.459 tỷ đồng doanh thu (-5,5% n/n) và 511,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-0,9% n/n). So với kế hoạch cả năm 2015 là 4.000 tỷ đồng doanh thu và 729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, DHG đã hoàn thành lần lượt 61,5% và 70,2% kế  hoạch. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 423,6 tỷ đồng (+2,5% n/n).

Duy trì khuyến nghị MUA. Chúng tôi giữ nguyên dự báo cả năm 2015 cho DHG với 3.747 tỷ đồng doanh thu (-4,2% n/n) và 716,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-0,8% n/n). Nhờ thuế suất thuế TNDN bình quân kỳ vọng ở mức thấp do nhà máy Non-betalactam mới của DHG đang bắt đầu hưởng ưu đãi thuế 0% từ 2015, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2015 của DHG sẽ tăng khoảng 14,3% n/n, đạt 609,3 tỷ đồng. Theo đó, EPS ước tính cho năm 2015 là 6.994 đồng/cp, tương đương với mức PE khoảng 9,8 lần, thấp hơn mức hơn 20 lần bình quân các thị trường dược phẩm mới nổi tại Châu Á (Emerging Asia).

CSM: PE giao dịch ở mức 7,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CSM vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 với doanh thu thuần đạt 2.779 tỷ đồng, tăng mạnh 22,4% n/n. Trong đó, doanh thu 9 tháng tăng đột biến là nhờ vào việc chuyển nhượng bất động sản đầu tư (401 tỷ). Nếu loại trừ doanh thu từ bất động sản thì doanh thu từ kinh doanh săm lốp chỉ tăng nhẹ 4,8% so với cùng kỳ, chủ yếu là do đóng góp của lốp radial toàn thép, trong khi giá bán bình quân các mặt hàng săm lốp giảm đáng kể.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng giảm mạnh do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp giảm 5,2% điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống còn 21,7% chủ yếu là do trong kỳ CSM bắt đầu ghi nhận khấu hao từ nhà máy lốp radian toàn thép. Ngoài ra, CSM đã giảm giá bán lốp để  tăng khả năng cạnh tranh.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng giảm 13,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 213 tỷ đồng. Tiêu thụ lốp radian có phần chững lại do cạnh tranh. Bình quân trong quý III/2015, CSM tiêu thụ được 6.000 chiếc lốp/tháng, thấp hơn so với quý II/2015 hơn 8.500 lốp/tháng. Giá bán bình quân lốp radian giảm chỉ còn 3,8 triệu đồng/lốp, từ mức 4,5 triệu đồng/lốp trong quý I/2015. Giá bán giảm chủ yếu là do 1) giá cao su đầu vào giảm và do đó CSM giảm giá bán để chuyển lợi thế đến khách hàng, 2) gia tăng cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) với giá bán thấp hơn  CSM từ 10%-20%. Trong năm 2016, CSM dự phòng có thể tiếp tục giảm giá bán lốp thêm 5% để duy trì sức cạnh tranh.

Định giá: Với đóng góp của mảng bất động sản, CSM đang giao dịch tại P/E 2015 là 7,2 lần

HLD: Canh mua quanh vùng tích lũy 16,5 - 16,6

CTCK BIDV (BSC)

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng

- Chỉ báo xu hướng MACD: Tích cực

- Chỉ báo RSI: Trung tính

Nhận định: HLD đang xác nhận xu hướng Tăng khi đường MACD đang cắt lên đường 0; đồng thời, cổ phiếu đang tạo nền tảng tích lũy cạn kiệt kéo dài tại vùng 16,5. Điều đó cho thấy nhiều khả năng, HLD đã tạo được đáy thành công ở vùng 15.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua HLD quanh vùng tích lũy 16,5 - 16,6.

PVS: Canh mua tại vùng tích lũy hiện tại 22.5

CTCK BIDV (BSC)

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng

- Chỉ báo xu hướng MACD: Tích cực

- Chỉ báo RSI: Trung tính

Nhận định: Tương tự HLD, PVS cũng đang tích lũy tại vùng 22.5 và đang trong xu hướng Tăng. Do đó, nhiều khả năng cổ phiếu này đã tạo đáy thành công tại vùng 21. Nền tảng giá hiện đang nằm trên đường trung bình SMA20.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua PVS tại vùng tích lũy hiện tại 22.5.

DXG: Khuyến nghị MUA, mục tiêu 23.8, dừng lỗ 18.2

CTCK BIDV (BSC)

Xác nhận phiên đột biến về giá và khối lượng của DXG trong phiên cuối tuần, khi giá tăng hơn 6,45%, khối lượng giao dịch bằng 4,7 lần so với phiên trước đó, trạng thái tích lũy tương đối chắc chắn trong biên độ 3% trong 13 phiên trước đó.

Khuyến nghị MUA khi DXG thoát lên khỏi khuôn mẫu Nền Giá Phẳng tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu CANSLIM, dừng lỗ 18.2, mục tiêu 23.8.

VIC: Canh mua khi giá điều chỉnh về vùng 43,7-44.0

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

VIC đã có phiên tăng giá mạnh, tạo ra khoản trống (gap), đi kèm với khối lượng giao dịch tăng đột biến (gấp 3.3 lần bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất) trong phiên giao dịch cuối tuần trước, diễn biến khá tương đồng với phiên giao dịch ngày 12/6/2015. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật như MACD, Stochastic. PSAR đều cho tín hiệu mua.

Tuy nhiên, giá VIC cũng đang tiến khá gần đến vùng đỉnh cao nhất (theo giá điều chỉnh, xác lập vào tháng 08/2014). Do đó, khó có thể kỳ vọng giá VIC có thể vượt qua được ngưỡng này và tiến xa hơn trong ngắn hạn.

Hành động: Nhà đầu tư ngắn hạn có thể canh mua khi giá điều chỉnh về vùng 43.7-44.0 và hạn chế việc mua đuổi. Nhà đầu tư cũng nên theo dõi khách hàng duy trì thanh khoản quanh mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất (hơn 963.000 cổ phiếu) trong các phiên giao dịch sắp tới. Nên nhanh chóng cắt lỗ khi giá rơi xuống dưới mức 43.0. 

DXG: Canh mua khi giá điều chỉnh về vùng 19.0-19.5, cắt lỗ khi dưới 18.5

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

DXG đã có phiên tăng vượt đỉnh cũ 19,500 với khối lượng giao dịch tăng đột biến (gấp 3.5 lần bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất). Giá DXG cũng đồng thời cắt lên biên trên của Bollinger Bands, đồng thời 2 biên nới rộng ra, là tín hiệu kỹ thuật cho thấy khả năng đi lên của đường giá DXG. Giá DXG cũng sắp chạm tới vùng đỉnh cao nhất tại 23.0-23.5 (theo giá điều chỉnh). Do đó, chưa thể kỳ vọng DXG có thể vượt qua được ngưỡng này trong ngắn hạn.

Hành động: Nhà đầu tư ngắn hạn có thể canh mua khi giá điều chỉnh về vùng 19.0-19.5 (do giá thường sẽ có xu hướng điều chỉnh quay vô trở lại biên Bollinger Bands sau khi thoát khỏi kênh này), và hạn chế việc mua đuổi. Nhà đầu tư cũng nên theo dõi khách hàng duy trì thanh khoản quanh mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất (hơn 1,3 triệu cổ phiếu) trong các phiên giao dịch sắp tới. Nên nhanh chóng cắt lỗ khi giá rơi xuống dưới 18.5.

Tin bài liên quan