Hàng loạt sai phạm khi cổ phần hóa
Chốt phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu ACV giảm 6.300 đồng/CP, tương đương 5,6%, xuống còn 106.100 đồng/CP, thậm chí có thời điểm đã giảm về mức 103.000 đồng/CP. Trong các phiên ngày 8 và 9/1, giá cổ phiếu ACV cũng lần lượt giảm 3% và 3,6%. Tổng cộng từ ngày 8-10/1, giá cổ phiếu ACV đã giảm 12,2%.
Tuy nhiên, từ ngày 11/1 đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng trở lại mức 111.900 đồng/CP (giá chốt phiên 13/1), tương ứng tăng 7,1%. Trước đó, cổ phiếu ACV đã có chuỗi tăng ấn tượng 13 phiên liên tiếp (từ 14/12/2017 đến 2/1/2018), từ mức 86.500 đồng/CP lên 119.000 đồng/CP, tương ứng tăng 37,57%.
Việc giá cổ phiếu ACV “nhảy múa” thời gian gần đây được cho là có liên quan đến kết luận ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV vừa được công bố, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, những năm qua, tuy ACV đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn tại ACV và các đơn vị thành viên đã có những khuyết điểm, vi phạm, nổi cộm trong đó là những sai phạm về cổ phần hóa.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2015, ACV đã sử dụng nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư xây mới Dự án Đường lăn E6-Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, với giá trị hơn 297,2 tỷ đồng. Do ACV sử dụng sai nguồn vốn để đầu tư, nên phần chi phí sửa chữa lớn trích trước này không được tính là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hệ lụy là ACV phải nộp bổ sung hơn 62,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đến ngày 31/3/2016, ACV mới ghi tăng tài sản Dự án Đường lăn E6 với giá trị hơn 297,2 tỷ đồng, nên giá trị các tài sản của Nhà nước được loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa không đúng. Sai phạm này thuộc về trách nhiệm của ACV.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước khi cho thuê 2.931 ha đất. ACV chưa làm thủ tục thuê 1.924 ha đất với Nhà nước theo quy định khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP. Điều này dẫn đến chưa có cơ sở để nộp tiền thuê đất, chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa.
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản khu bay trước, trong và sau cổ phần hóa, từ 1/7/2014 đến 31/12-2015, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, ACV đã loại giá trị các tài sản khu bay do không còn quyền sở hữu.
Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, ACV tiếp tục sử dụng, khai thác, theo dõi, hạch toán và trích khấu hao các tài sản này vào chi phí sản xuất-kinh doanh với tổng số tiền hơn 903,4 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, đây là số tiền hạch toán không đúng quy định, nên cần loại khoản chi phí này và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ đồng…
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, dù ACV đã trình phương án quản lý, sử dụng các tài sản bay, nhưng vì chưa được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt, nên chưa có đơn vị quản lý, theo dõi tài sản khu bay với giá trị rất lớn trong thời gian dài, ảnh hưởng đến việc quyết toán vốn nhà nước, cũng như việc chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới.
Việc cổ phần hóa ACV với mục tiêu xã hội hóa hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng các cảng hàng không, nhưng trong phương án cổ phần hóa, các tài sản khu bay được giữ lại mà không cổ phần hóa, Nhà nước tiếp tục quản lý, phải đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa với số vốn lớn, dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư.
Mặt khác, công tác quyết toán cổ phần hóa tại ACV chậm, nên nhiều tồn tại về tài chính chưa được xử lý kịp thời. Việc đàm phán với cổ đông chiến lược đến thời điểm thanh tra chưa thành công, nên mục tiêu thoái vốn của Nhà nước chưa đạt. Những sai phạm này thuộc về trách nhiệm của ACV và Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bộ Giao thông-Vận tải.
3.652,5 tỷ đồng vi phạm cần xử lý
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền và tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra cần xử lý vào khoảng 3.652,5 tỷ đồng và hơn 7.225 ha đất. Trong đó, sau khi kết thúc thanh tra, đến nay, theo báo cáo của ACV, đã thực hiện xử lý vi phạm về tài chính với tổng số tiền hơn 1.158,1 tỷ đồng.
Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm với các bên có liên quan. Cụ thể, Bộ Giao thông-Vận tải và ACV thực hiện việc xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa… theo kết luận thanh tra.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, ngày 21/12/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận ngày 12/10/2017, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan và ACV thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đồng thời gửi kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.