Các DN “né” niêm yết/đăng ký giao dịch sẽ bị xử phạt theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP

Các DN “né” niêm yết/đăng ký giao dịch sẽ bị xử phạt theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP

Cổ phần hóa xong, doanh nghiệp tìm 1001 lý do “né” niêm yết

(ĐTCK) Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, hệ thống quy định pháp lý về gắn kết hoạt động cổ phần hóa (CPH), thoái vốn với lên sàn đã đầy đủ, đồng bộ, nhưng xem ra các DN vẫn chưa “thông” các quy định này.

Đã có chế tài xử DN “né” lên sàn

Công ty đã đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có phải đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM không? Nếu công ty đại chúng không đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc không đăng ký niêm yết trên sở GDCK, thì có bị xử phạt không, chế tài thế nào…?

Đó là những câu hỏi mà các DN đặt ra với lãnh đạo UBCK, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK, do Bộ Tài chính vừa tổ chức, với sự tham dự của 700 đại biểu đến từ các bộ, địa phương, lãnh đạo DNNN, CTCK…

Những câu hỏi này của các DN cho thấy, quyết tâm của Bộ Tài chính, UBCK trong việc thúc đẩy CPH, thoái vốn gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK xem ra vẫn chưa “ngấm” tới các DN.

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trước khi Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 thì chưa có quy định cụ thể về thời hạn DN chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) phải đăng ký lưu ký cổ phiếu tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Vì khoảng hở pháp lý trên, theo ông Thu, rất nhiều DN tuy đã đăng ký là công ty đại chúng với UBCK cách đây 2 - 3 năm đến nay vẫn chưa đăng ký lưu ký cổ phiếu tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, vấn đề này đang được xử lý bằng nhiều quy định mới tại Quyết định 51/2014.

Cụ thể, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM. DN đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong vòng tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết. Với các DN đã chuyển thành công ty cổ phần trước ngày Quyết định 51/2014 có hiệu lực, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc DN thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày Quyết định 51/2014 có hiệu lực.

Ông Thu cũng khẳng định, đã có chế tài xử lý các DN “né” niêm yết/đăng ký giao dịch, đó là Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. 

Kẹt thoái vốn vì không cho bán trọn lô

Một khúc mắc lớn nữa mà các DN đặt ra là liên quan đến những khó khăn trong triển khai thoái vốn. Qua thực tiễn tư vấn cho các DN thoái vốn, đại diện CTCK Phố Wall cho biết, vì chưa có quy định pháp lý cho phép các DN bán cổ phần trọn lô, nên một mặt làm chậm tiến độ thoái vốn, mặt khác các DN khó bán vốn, nếu bán được thì khó đạt giá cao.

Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để thúc đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước tại các DN trực thuộc, bộ này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành cơ chế đấu giá trọn lô.

“Việc sớm cho phép áp dụng cơ chế bán đấu giá trọn lô, không chỉ giúp quá trình thoái vốn diễn ra nhanh hơn, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn, mà quan trọng hơn là khi NĐT mua cổ phần trọn lô, họ có cơ hội trở thành NĐT chiến lược. Sự xuất hiện của họ tại DN sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, công nghệ; giúp DN hoạt động hiệu quả hơn sau khi Nhà nước thoái vốn”, ông Minh nói.

Để tháo gỡ khó khăn đang phát sinh trong quá trình DN thoái vốn, ông Trần Hữu Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, Bộ sẽ đồng thời sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế bán đấu giá trọn lô trong thời gian tới.

Cũng nằm trong nỗ lực thúc đẩy CPH, thoái vốn gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, đặc biệt là ở khía cạnh cải thiện sức cầu cho thị trường trong bối cảnh dòng tiền đang chịu những tác động không thuận, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, Bộ Tài chính, UBCK đang nỗ lực thúc đẩy sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, qua đó cải cách mạnh mẽ hơn cơ chế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc nhằm gắn chặt hoạt động CPH, thoái vốn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK…

Ngoài “nút thắt” chưa có cơ chế đấu giá trọn lô, theo CTCK Phố Wall, một số quy định pháp lý chưa rõ, hoặc còn thiếu cũng đang khiến cho hoạt động thoái vốn của các DN gặp khó. Cụ thể như khi DN thoái vốn tại các quỹ đầu tư thì phải đấu giá chứng chỉ quỹ, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể cho tình huống này.               

Hữu Hòe - Hải Vân

“Cần sớm cho phép đấu giá trọn lô”

Ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước

Năm nay, SCIC phải thoái vốn tại hơn 300 DN, trong đó có trên 100 công ty đại chúng và niêm yết. Thế nhưng, 3 tháng đầu năm mới bán được 22 DN, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ rất nặng nề, vì tính ra trung bình phải bán 1 DN/ngày thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Hiện còn hơn 10 DN mà SCIC đã bán vốn, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước tại những DN này còn khá cao, vài chục phần trăm, nhưng không thể bán tiếp. Nếu cho phép bán đấu giá trọn lô thì đã không xảy ra tình trạng này. Trước đây, SCIC bán vốn theo từng giai đoạn, nên khi NĐT mua đủ tỷ lệ cổ phần mà họ cần nắm để đủ chi phối DN, họ sẽ không có nhu cầu mua thêm.

Thực tế nhu cầu từ NĐT cho thấy, nếu cho phép áp dụng cơ chế bán đấu giá trọn lô, thì họ sẵn sàng trả giá cao, kể cả với những DN đã niêm yết.

“Doanh nghiệp cần công bố thông tin bằng tiếng Anh”

Cổ phần hóa xong, doanh nghiệp tìm 1001 lý do “né” niêm yết ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan,Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)
 

Muốn thực hiện CPH, thoái vốn đạt kết quả cao, từ kinh nghiệm tổ chức bán đấu giá của HNX cho thấy, ngoài chủ động công bố sớm thông tin, các DN cần chú trọng công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhất là các DN quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực tiềm năng thu hút sự quan tâm lớn của NĐT nước ngoài. Sự lan tỏa rộng rãi về thông tin không chỉ gia tăng cơ hội tiến hành CPH, thoái vốn thành công cao, mà còn giúp DN thuận lợi hơn trong tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài.

HNX sẵn sàng hỗ trợ các DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, bằng cách HNX sẽ công bố quy chế đấu giá DN bằng tiếng Anh kèm theo thông tin bằng tiếng Anh mà DN công bố.

Tin bài liên quan