Cổ phần hóa và nỗi lo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Cổ phần hóa và nỗi lo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

(ĐTCK) Số lượng doanh nghiệp nhà nước phải hoàn tất cổ phần hóa (CPH) từ nay đến cuối năm còn rất lớn, hơn 200 doanh nghiệp.

 Sẽ IPO theo tín hiệu thị trường

Trong tổng số 289 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa trong năm 2015, đến thời điểm này, mới cổ phần hóa được 61 doanh nghiệp. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tiến độ này là chậm. Điều này đồng nghĩa với áp lực rất lớn đang dồn vào 6 tháng cuối năm khi phải cổ phần hóa xong 228 doanh nghiệp còn lại.

Tại cuộc họp sơ kết thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa là cần thiết, nhưng không nên tiến hành bằng mọi giá, nhất là trong bối cảnh sức cầu của TTCK còn hạn chế.

“Giờ lo lắm, làm sao cổ phần hóa xong 289 doanh nghiệp đề ra cho năm nay. Liệu thị trường có hấp thụ được không, bởi ngoài lượng hàng hóa từ các doanh nghiệp cổ phần hóa, còn có một lượng cổ phần không nhỏ từ quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Nguồn lực trong nước có hạn, nếu cố bán hơn 200 doanh nghiệp từ nay đến cuối năm, với tỷ lệ cổ phần bán chỉ vài phần trăm để rồi nói rằng cổ phần hóa xong là nguy hiểm, vì không cẩn thận là buông lỏng quản lý…”, ông Dũng quan ngại và cho rằng, việc cổ phần hóa phải theo tín hiệu của thị trường, nên các bộ, ngành, địa phương cần bám sát diễn biến của thị trường, trên cơ sở đó phân tích kỹ lưỡng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khả thi, đảm bảo cổ phần hóa đạt hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Tài chính, chi ngân sách còn chuyển nguồn được cho năm sau, thì sao việc chào bán cổ phần của các doanh nghiệp lại không làm như vậy?

Về nguyên tắc, thủ tục chuyển toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa trong năm nay, nhưng không kịp đưa ra chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sang hoạt động theo mô hình CTCP sẽ đảm bảo hoàn thành trong năm nay. Còn việc IPO thì phải tiến hành theo tín hiệu thị trường.

Cùng với kinh tế vĩ mô có thêm nhiều tín hiệu tích cực, qua đó hỗ trợ cho sự khởi sắc của TTCK, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cần triển khai các giải pháp đồng bộ để cải thiện sức cầu cho TTCK.

Việc mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015, trong đó có quy định nới room cho khối ngoại đang mang lại hy vọng sẽ gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam, tạo thuận lợi cho nỗ lực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn theo con đường thị trường.

Sắp thêm giải pháp gỡ vướng cho cổ phần hóa

Ngoài nỗ lực cải thiện sức cầu cho TTCK nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất một số giải pháp mới lên Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cổ phần hóa, nhất là ở khâu xử lý tài chính trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất những khâu cuối cùng, để trình Thủ tướng xem xét ban hành Quyết định một số nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 40/2015 của Chính phủ. Dự kiến văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 7 này, để giải quyết một số vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa... ”, ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết.

Khi văn bản trên được ban hành, theo đại diện Bộ Tài chính, ngoài chính thức cho phép áp dụng cơ chế bán vốn theo lô, còn mở ra cơ chế cho phép chuyển doanh nghiệp nhà nước thành CTCP trong bối cảnh chưa thể tiến hành IPO do sức cầu của thị trường còn hạn chế, trong khi nguồn cung tăng đột biến.

Cụ thể, đối với những doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chưa có điều kiện IPO ngay, thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm dự kiến sẽ bán ra bên ngoài trong phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các ưu đãi mà người lao động, tổ chức công đoàn được hưởng theo quy định...

Trong vòng 12 tháng sau khi doanh nghiệp chuyển sang CTCP, doanh nghiệp phải thực hiện IPO.

Việc áp dụng liệu pháp “đổi tên” như trên sẽ cho phép hoàn tất cổ phần hóa hơn 200 doanh nghiệp từ nay đến cuối năm, bởi với sự tham gia của các cổ đông là người lao động, tổ chức công đoàn, thì việc “đổi tên” doanh nghiệp nhà nước thành CTCP chỉ là vấn đề thủ tục, không phụ thuộc vào sức hấp thụ của thị trường.

Một giải pháp nữa mà Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm gỡ khó cho việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, là khi giá trị vốn đầu tư dài hạn tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán, thì giá trị vốn đầu tư dài hạn được lấy theo giá trị xác định thực tế.

Tin bài liên quan