Tổng vốn chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp thành viên của PVN có kế hoạch cổ phần hóa lên tới hơn 90.000 tỷ đồng

Tổng vốn chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp thành viên của PVN có kế hoạch cổ phần hóa lên tới hơn 90.000 tỷ đồng

Cổ phần hóa, thoái vốn: Giải tỏa lo ngại “dồn toa”

(ĐTCK) Tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn ì ạch trong 6 tháng đầu năm đang bị Chính phủ thổi còi và quy trách nhiệm cho các bộ ngành, địa phương chậm trễ.

Động thái này được nhìn nhận sẽ tạo ra luồng gió mới đẩy cung hàng dồn dập trong nửa cuối năm. Trong bối cảnh này, nếu không khơi được sức cầu, nhiều khả năng thị trường dễ rơi vào cảnh bội thực, ế hàng.

Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, giai đoạn 2017 - 2020, sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, riêng năm 2017, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm nay, mới cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp, như vậy để hoàn thành kế hoạch, 6 tháng cuối năm, khối lượng công việc rất khổng lồ: 39 đơn vị.

Đáng lưu ý hơn là trong số các doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa, có rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn. Chẳng hạn, 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PV Oil có tổng giá trị vốn chủ sở hữu hơn 90.000 tỷ đồng, riêng một tổng công ty phát điện, thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu trên 24.000 tỷ đồng.

Chưa kể khoảng hơn 10 doanh nghiệp đang chờ phê duyệt giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khoảng 20 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, sau khi được phê duyệt giá trị doanh nghiệp, trong vòng 60 ngày, doanh nghiệp phải thực hiện IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Bởi vậy, lượng cung hàng từ cổ phần hóa được nhận định là rất lớn.

Chưa hết, lượng hàng đến từ danh sách doanh nghiệp thoái vốn cũng không nhỏ. Tính đến hết quý II/2017, cả nước mới bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng, trong đó, có 6 doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá.

Theo kế hoạch, con số doanh nghiệp cần thoái vốn Nhà nước là gần 200, trong đó hơn một nửa thuộc nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tại một cuộc trao đổi với báo chí vừa qua, đã có những câu hỏi dành cho ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC về việc, liệu có khả năng không hoàn thành kế hoạch thoái vốn nhà nước đã đặt ra cho năm 2017, nhất là khi kết quả quý I rất thấp.

Câu trả lời của người đứng đầu SCIC cho thấy, nửa cuối năm sẽ là thời điểm dồn dập bán vốn nhà nước để thực hiện xong kế hoạch đã đặt ra. Đây cũng là quyết tâm chung tại các doanh nghiệp, bộ ngành khác.

Cổ phần hóa, thoái vốn: Giải tỏa lo ngại “dồn toa” ảnh 1

 Lượng cung hàng từ cổ phần hóa là rất lớn trong nửa cuối năm

Thậm chí, trong bối cảnh vốn đầu tư bị thắt chặt như hiện nay, TP. HCM còn đề xuất cho phép Thành phố được sử dụng tiền bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để đầu tư cho hạ tầng. Nếu được Chính phủ “gật đầu”, tốc độ bán vốn, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư đang bức thiết như hiện nay, được dự báo sẽ tăng nhanh chóng.

Với nguồn cung lớn như vậy, đòi hỏi sức cầu phải gia tăng tương ứng để hạn chế tình trạng lệch pha trên thị trường và đồng vốn nhà nước bán được ở giá trị tối ưu nhất. Cùng quan điểm này, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm cho rằng, cần thận trọng trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, bởi nếu “tung hàng” ồ ạt thì thị trường không thể “tiêu hóa” nổi một lượng tài sản rất lớn.

Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, giới doanh nghiệp và các nhà tư vấn lại cho rằng, mấu chốt không phải là cung hàng mà phải tạo ra được các cơ chế để thu hút nhiều nguồn vốn đổ vào thị trường và cơ chế tốt hay không nằm trong tay nhà quản lý.

Bà Hoàng Hải Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, trong việc kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, cần sớm áp dụng phương pháp dựng sổ thay vì bán thỏa thuận hoặc đấu giá như hiện nay. Sự hạn chế trong các công cụ gọi vốn đang khiến doanh nghiệp Việt Nam đánh mất lợi thế trước các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực.

Trong khi đó, giới chuyên gia lại cảnh báo về một lỗ hổng khác vừa có thể gây ra tình trạng “bắt tay” trong thoái vốn nhà nước, vừa cản bước nhiều nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận với cơ hội mua cổ phần.

Đó là quy định hiện hành cho phép thoái vốn doanh nghiệp đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán bằng hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh (doanh nghiệp khác phải bán đấu giá công khai).

Có không ít các đợt thoái vốn gây nghi ngờ trên thị trường khi trong một phiên giao dịch, ngay khi thị trường mở cửa đã có những lệnh mua, bán với khối lượng cực lớn, giá trị khớp lệnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tin bài liên quan