Cổ phần hóa doanh nghiệp Bộ Xây dựng: Vướng mắc xác định giá trị tài sản

Cổ phần hóa doanh nghiệp Bộ Xây dựng: Vướng mắc xác định giá trị tài sản

(ĐTCK) Trong 16 doanh nghiệp Bộ Xây dựng được giao làm đại diện chủ sở hữu, 12 tổng công ty đến nay đã hoàn thành cổ phần hóa, 4 đơn vị tiếp tục thực hiện chủ tương thoái vốn theo lộ trình hợp lý trong năm 2017. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện cổ phần hóa vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề xác định giá trị tài sản.

Chậm chạp và vướng mắc

Năm 2017, Bộ Xây dựng đặt kế hoạch thực hiện cổ phần hóa 4 tổng công ty là Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).

Tuy nhiên, đến nay, khi chỉ còn gần 5 tháng nữa là kết thúc năm 2017, việc cổ phần hóa 4 doanh nghiệp này vẫn trắc trở. Hiện tại, mới có 2 tổng công ty được thông qua phương án cổ phần hóa, 2 công ty còn lại gặp nhiều vướng mắc, trong đó nhiều khả năng 1 công ty khó hoàn thiện kế hoạch trong
năm nay.

Cụ thể, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), doanh nghiệp lớn nhất tại Bộ Xây dựng, đang là đơn vị chậm chạp nhất trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, việc xác định giá trị doanh nghiệp tại VICEM đã hoàn tất nhưng chưa công bố.

Tổng công ty có kế hoạch dự kiến công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng 10/2017 và trước ngày 15/12/2017 sẽ trình phương án cổ phần hóa. Do không kịp hoàn tất các kế hoạch cổ phần hóa, VICEM dự tính phải đến đầu năm 2018 mới chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), dù đã trình phương án cổ phần hóa trong tháng 4/2017, nhưng nhiều bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều chỉ ra những điểm không hợp lý với phương án này.

Theo đó, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước sẽ chiếm 51% vốn điều lệ; bán 0,31% cổ phần ưu đãi cho người lao động; bán cho nhà đầu tư chiến lược 25%, đấu giá công khai 23,69%. Đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ tại HUD xuống dưới 50%.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, HUD không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược và kiến nghị nên đấu giá rộng rãi, công khai toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái đợt này nhằm tăng sức hấp dẫn trong việc đấu giá lần đầu, tránh thất thoát vốn Nhà nước. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư chiến lược là những nhà đầu tư có thể hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp cũng như cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Do HUD là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nên không cần dành một tỷ lệ riêng bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, việc sở hữu nhiều dự án với diện tích đất đai lớn là vấn đề mấu chốt dẫn đến những vướng mắc trong xác định giá trị tài sản, xây dựng kế hoạch cổ phần hóa tại HUD.

Theo phương án mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ, giá trị doanh nghiệp của HUD được xác định tại thời điểm cuối năm 2014 vào khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.405 tỷ đồng. Hiện HUD đang sở hữu 43 dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai…

Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định giá trị đất đai tại 43 dự án bất động sản của HUD đang sở hữu chưa hợp lý. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã căn cứ vào giá đất do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố để xác định giá trị đất đai tại các dự án của HUD, nhưng thực tế, giá đất công bố này chỉ để tính tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, trả tiền bồi thường, chưa phải là giá cụ thể để làm căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Theo Bộ Tài chính, cách xác định giá trị đất đai theo phương án cổ phần hóa chưa đúng và cần phải xem xét lại.

Ngoài ra, việc thực hiện cổ phần hóa tại HUD còn có vấn đề ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp với thời điểm IPO. HUD xác định giá trị doanh nghiệp từ tháng 12/2014 nhưng đến tháng 4/2017 mới trình phương án cổ phần hóa.

Trong khi quy định việc công bố giá trị doanh nghiệp và IPO cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không quá 18 tháng. Với trường hợp của HUD, thời gian đã quá 29 tháng nên không tránh khỏi khả năng có biến động về giá trị tài sản.

Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát biến động tài sản các dự án, dự kiến báo cáo trong tháng 8 và chậm nhất đến đầu tháng 9 phải có thông tin phản hồi.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện cổ phần hóa tại 4 tổng công ty nêu trên trong năm 2017 là ở chỗ quy mô tài sản của các tổng công ty này rất lớn, chiếm 80% tổng giá trị vốn Nhà nước của tất cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.

Chính vì quy mô lớn, phức tạp nên để tính đúng, đủ và đảm bảo khách quan, công khai minh bạch, Bộ Xây dựng phải phối hợp với các cơ quan để kiểm tra, rà soát trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ đang xây dựng cơ chế chính sách để chuyển đổi, định giá, đáp ứng các vấn đề của thực tiễn đặt ra.

Đối với tiến trình cổ phần hóa của HUD, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, phương án cổ phần hóa của HUD có thể được Thủ tướng phê duyệt trong quý III năm nay. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, HUD sẽ bắt đầu chuyển sang mô hình công ty cổ phần trong quý IV/2017.

Sông Đà, IDICO sẽ IPO trong tháng 9

Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, Tổng công ty Sông Đà đang rục rịch chuẩn bị cho kế hoạch IPO. Sông Đà và IDICO là 2 tổng công ty đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong tháng 6/2017.

Theo phương án được phê duyệt, Tổng công ty Sông Đà có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, tương đương 450 triệu cổ phần lưu hành. Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần đến hết năm 2019 và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vào năm 2020.

Đối với IDICO, Nhà nước dự kiến sẽ thoái hết vốn vào cuối năm 2018. Hiện nay, IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương ứng 3 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ sở hữu 108 triệu cổ phần.

Hiện Bộ Xây dựng đang triển khai các kế hoạch IPO, bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động. Cụ thể, đối với Tổng công ty Sông Đà sẽ bán 135 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (30% vốn), bán đấu giá công khai (IPO) 84,77 triệu cổ phần (18,82% vốn) và bán cho người lao động 822 nghìn cổ phần (0,18% vốn).

Đối với IDICO, phương án dự kiến là bán 135 triệu cổ phần (45% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược, bán công khai 55,3 triệu cổ phần (18,44% vốn điều lệ); bán ưu đãi cho người lao động 1.694.500 cổ phần (0,56% vốn điều lệ).

Chia sẻ thêm thông tin về tiến trình cổ phần hóa của 2 doanh nghiệp này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Sông Đà và IDICO sẽ IPO trong tháng 9/2017, tiếp đó sẽ chuyển sang mô hình công ty cổ phần trong quý III năm nay”.

Nếu mọi kế hoạch diễn ra như dự kiến, trong quý III và quý IV sẽ có 3 tổng công ty của Bộ Xây dựng hoàn thành cổ phần hóa gồm Sông Đà, IDICO, HUD, riêng VICEM lùi lại đến năm 2018.

Thực tế, Sông Đà, IDICO, HUD, VICEM đều là 4 “ông lớn” của ngành xây dựng, do đó việc cổ phần hóa thu hút sự quan tâm rất lớn của nhiều nhà đầu tư. Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh sẽ đôn đốc, rà soát và thúc đẩy nhanh tiến trình này, đem lại lợi ích tối đa cho Nhà nước và cơ hội mua công bằng cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tin bài liên quan