Cổ phần hóa 2017-2020: Không để “nói một đằng, làm một nẻo”

(ĐTCK) Để không tái diễn tình trạng chây ì khi triển khai cổ phần hóa, dẫn đến không đảm bảo cả về tiến độ lẫn chất lượng đổi mới doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, chia sẻ một số giải pháp mới. 

Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, tuy đưa ra danh sách các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa (CPH), nhưng để triển khai được phải có lộ trình chi tiết. Ở vai trò mới được Thủ tướng Chính phủ giao là tư lệnh chịu trách nhiệm về thúc đẩy CPH, Bộ Tài chính đang chuẩn bị gì, thưa ông?

Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp trong diện CPH giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đôn đốc các bộ, UBND các tỉnh/thành xây dựng danh mục sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước theo từng năm (2017-2020), xác định rõ lộ trình cụ thể của từng doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Cổ phần hóa 2017-2020: Không để “nói một đằng, làm một nẻo” ảnh 1

Ông Đặng Quyết Tiến

Khi đã chốt thời điểm CPH thì quyết liệt chỉ đạo triển khai, chứ không có chuyện lùi thời hạn CPH. Để giám sát quá trình này diễn ra minh bạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp, CPH. 

Các giải pháp như vừa nêu chủ yếu thúc đẩy về tiến độ CPH, chứ chưa tạo độ sâu cho CPH, nên khó hiện thực được mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi và được giới đầu tư trông đợi là bán 100% cổ phần ở các doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ cổ phần?

Quyết định 58/2016 đã cụ thể hóa doanh nghiệp nào trong diện Nhà nước sẽ bán 100% vốn khi CPH. Do đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp giám sát các bộ, UBND các tỉnh/thành, các doanh nghiệp thực hiện đúng các giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 ngay trong quá trình xây dựng và phê duyệt phương án CPH, đảm bảo nêu cụ thể tỷ lệ cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) theo hướng những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì bán 100%.

Điểm mới trong chỉ đạo CPH kể từ năm nay trở đi là hạn chế tối đa việc xé lẻ bán cổ phần làm nhiều lần như trước đây. Chẳng hạn, trước đây, doanh nghiệp trong diện CPH mà Nhà nước sẽ bán toàn bộ vốn thì giai đoạn I bán 50%, tiếp đến 70%, rồi mới đến 100%, thì nay sẽ không chia nhỏ tỷ lệ cổ phần chào bán kéo dài trong nhiều năm, mà nghiên cứu để triển khai bán luôn 100% để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hậu CPH.

Người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả, hiệu quả của việc thực hiện CPH, trong đó bao gồm cả phương án tổ chức bán vốn nhà nước.

Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư tham gia các đợt IPO nhiều hơn, việc IPO gắn với lên sàn sẽ áp dụng triệt để cũng từ năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp nào chây ì, không tuân thủ, thì lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị truy trách nhiệm cụ thể, chứ không có chuyện “nói một đằng, làm một nẻo”. 

Đó là với các doanh nghiệp đang và sắp CPH, còn với hàng trăm doanh nghiệp đã CPH, nhưng nhiều năm nay chưa đưa lên sàn thì sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?

Qua rà soát, hiện còn khoảng 700 doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa lên sàn. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp trong diện Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, hoặc nếu cần nắm thì không trong diện chi phối. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh tiến trình “cổ phần hóa lần 2”, có nghĩa là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp đã CPH.

Để quá trình này diễn ra hiệu quả thì các bộ, UBND cấp tỉnh/thành, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải đưa doanh nghiệp lên sàn trước để có cơ sở tham chiếu minh bạch cho quá trình thoái vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này chưa được triển khai rốt ráo ở không ít doanh nghiệp.

Về vấn đề trên, Bộ Tài chính đã báo cáo tình trạng, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục lên Chính phủ. Khi Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo cụ thể, chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai, đảm bảo thúc đẩy các doanh nghiệp sớm đưa cổ phiếu lên sàn, qua đó thực sự đổi mới về chất lượng quản trị, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không chấp nhận kéo dài tình trạng CPH chỉ “đổi vỏ” mà chưa “đổi ruột” như thời gian qua.

Tin bài liên quan