Nhà đầu tư cần ở CTCK những tư vấn phân tích thị trường, phân tích ngành, phân tích DN

Nhà đầu tư cần ở CTCK những tư vấn phân tích thị trường, phân tích ngành, phân tích DN

Có nên thận trọng với sản phẩm mới?

(ĐTCK) Trước những biến động lớn trên TTCK Trung Quốc thời gian qua, có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên thận trọng với các sản phẩm mới như bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán và cần quản chặt giao dịch ký quỹ. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SHB (SHBS) về vấn đề này.

Quan điểm của ông về ý kiến nêu trên như thế nào?

Bài học của TTCK Trung Quốc thời gian qua không phải là mới và không chắc rằng sẽ không lặp lại trong tương lai. Nhớ lại đợt suy thoái của TTCK Việt Nam những năm 2007 - 2008, chúng ta đã có được những bài học của những thị trường đi trước và nhận được nhiều cảnh báo nhưng cũng không tránh được. Nói vậy để chúng ta xác định rằng, biết là một chuyện, nhưng để tránh được nó không hề đơn giản.

Liên quan đến các sản phẩm mới mà cơ quan quản lý đang chuẩn bị áp dụng cho TTCK Việt Nam, tôi nghĩ rằng, việc này sẽ giúp thị trường phát triển. Tuy nhiên, để tạo ra một bước đột phá và hoàn thành được mục tiêu định hướng của TTCK Việt Nam thì chưa chắc, vì đây cũng chỉ là những sản phẩm cơ bản của thị trường. Để thị trường có được sự tăng trưởng như mong muốn thì điều cốt lõi nằm ở chất lượng hàng hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức có quy mô vốn lớn.

Ông Nguyễn Thế Minh
 

Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến, sẽ có rất ít CTCK đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ mới. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nên mở rộng hơn nữa để tạo ra môi trường cạnh tranh, ông nghĩ sao?

Liên quan đến dự thảo Thông tư, trong đó có quy định về điều kiện của CTCK được thực hiện giao dịch trong ngày phải có mức vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên, cá nhân tôi thấy chưa thực sự hợp lý.

Theo dự thảo, giao dịch trong ngày là giao dịch theo phương thức thanh toán thông thường. Theo đó, sau khi đã mua hoặc bán thì nhà đầu tư có trách nhiệm bán, hoặc mua một lượng chứng khoán tương đương để bù trừ cho giao dịch đã thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch.

Việc thanh toán được thực hiện giữa CTCK và nhà đầu tư dựa trên chênh lệch giá sau khi bù trừ các giao dịch đối ứng. Chúng ta thấy rằng, về bản chất, đây cũng là một nghiệp vụ môi giới thông thường, có chăng quy mô sẽ lớn hơn.

Chúng ta đã có những quy định liên quan đến việc nhà đầu tư muốn mua/bán thì phải có đủ tiền/chứng khoán trong tài khoản và nếu nhà đầu tư không có nhu cầu giao dịch ký quỹ (margin) thì CTCK không cần phải có quy mô tài chính quá lớn để cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch trong ngày cho nhà đầu tư.

Chúng ta phải có một quan điểm rằng, nhà đầu tư cần ở CTCK những tư vấn phân tích thị trường, phân tích ngành, phân tích doanh nghiệp để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vào thị trường. Nhiệm vụ chính của dịch vụ môi giới chứng khoán là cung cấp dịch vụ tư vấn, chứ không phải là nơi cung cấp vốn. Hiểu như vậy thì chúng ta mới thấy yếu tố về vốn chưa chắc là yếu tố trọng yếu cho sự tồn tại của một CTCK.

Theo quan điểm cá nhân tôi, nhân sự và công nghệ mới là yếu tố trọng yếu. Chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng, để có được đội ngũ nhân sự tốt và hệ thống công nghệ hiện đại thì không thể không đầu tư nhiều nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, với mức vốn pháp định 300 tỷ đồng đối với CTCK hoạt động đầy đủ các nghiệp vụ như hiện nay, tôi nghĩ cũng là đủ để cung cấp sản phẩm giao dịch trong ngày cho nhà đầu tư. Việc dự thảo Thông tư đưa ra con số 800 tỷ đồng, tôi nghĩ cần phải chứng minh được tính hợp lý của nó.

Nếu cần thì nên xem xét đánh giá năng lực tài chính của các CTCK ở những yếu tố nào, thay vì chỉ nhìn vào vốn lớn?

Thị trường đang ở giai đoạn mà nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn và là khách hàng chủ yếu của các CTCK. Vì vậy, thị phần của các CTCK thường tỷ lệ thuận với dư nợ margin và đương nhiên tỷ lệ thuận với quy mô về vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt, từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, hạn chế nguồn vốn từ phía ngân hàng đổ vào TTCK, thì sức mạnh của các CTCK có vốn lớn càng được thấy rõ. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc sử dụng vốn và việc trích lập dự phòng của các khoản đầu tư, các khoản cho vay margin tại các CTCK mới là vấn đề đáng quan tâm.

Quan điểm của cá nhân tôi, áp lực đối với các CTCK quy mô vốn lớn trên thị trường là rất lớn khi TTCK Việt Nam đang ở trong giai đoạn biến động nhiều như hiện nay, trong khi quy chuẩn quản trị rủi ro của các CTCK chưa cao, dẫn đến rủi ro mất vốn.

Thời điểm này, TTCK Việt Nam liệu đã đủ điều kiện để áp dụng các sản phẩm mới như trên hay chưa?

Về phương diện kỹ thuật, để đưa các sản phẩm mới nêu trên áp dụng vào thị trường, các cơ quan quản lý đã chuẩn bị kỹ càng và hoàn toàn có thể đáp ứng được, nhà đầu tư cũng cảm thấy háo hức về những sản phẩm mới. Tuy nhiên, việc ra đời các sản phẩm này có giúp TTCK Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới hay không, chúng ta cần phải chờ đợi.

Ý tôi muốn nói ở đây là, TTCK Việt Nam có phải đã có được một nền tảng cơ bản của một thị trường phát triển hay chưa? Hai yếu tố rất quan trọng của TTCK đó là nhà đầu tư và hàng hóa, việc tạo lập được một lượng lớn nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kiến thức và tạo dựng được số lượng hàng hóa có chất lượng mới là yếu tố quan trọng cho thị trường phát triển. Khi có hai yếu tố đó, việc chúng ta đưa vào áp dụng các sản phẩm mới chắc chắn sẽ giúp thị trường phát triển bền vững.

Theo ông, một lộ trình như thế nào là phù hợp?

Việc áp dụng một chính sách mới nếu có lộ trình phù hợp chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Sự phù hợp ở đây phải bao gồm các chủ thể liên quan: cơ quan quản lý, CTCK, nhà đầu tư. Khi chúng ta đưa một sản phẩm vào áp dụng mà nó có thể là nguyên nhân đào thải một số lượng lớn các CTCK thành viên thì điều đó rất đáng để xem xét kỹ. Cơ chế thị trường chấp nhận quy luật đào thải, nhưng việc đào thải này phải là từ sự cạnh tranh công bằng, chứ không phải do rào cản từ chính sách.

Một vấn đề nữa là sự chuẩn bị hạ tầng công nghệ, quy trình quản lý sản phẩm mới của các CTCK và sự hiểu biết của nhà đầu tư đối với sản phẩm mới cũng cần phải đánh giá, để khi sản phẩm đưa vào áp dụng sẽ không có rủi ro xảy ra. Việc tuyên truyền và đào tạo để các thành viên thị trường hiểu rõ sản phẩm là rất quan trọng trước khi đưa vào áp dụng.

Tin bài liên quan